10:03 ngày 03/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN
Lối thoát nào cho tình trạng ô nhiễm tại làng nghề Mẫn Xá (Bắc Ninh)

Bài 1: Khí thải, chất thải bủa vây làng nghề

10:05 29/08/2023

(THPL) - Hàng chục năm qua, vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) luôn ở trong tình trạng báo động. Báo chí thông tin liên tục, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng có sự vào cuộc nhất định. Tuy nhiên, những giải pháp then chốt không được xử lý trọn vẹn đã khiến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn tiếp tục tái diễn, từ đây “làng tiền tỉ” đang có nguy cơ biến thành “làng ung thư”.

Những con số đáng sợ

Xã Văn Môn có tất cả 5 thôn với tổng số 3.355 hộ dân, trong đó có tới 1.100 hộ làm nghề. Chủ yếu là tái chế nhôm, buôn bán phế liệu. Tại thôn Mẫn Xá, có 300 cơ sở tái chế (cô đúc) nhôm và có 100 cơ sở kinh doanh phế liệu.

Trung bình cứ 1 tấn phế liệu tái chế, người dân thu được từ 700 - 850 kg nhôm, còn lại 150 - 300 kg xỉ nhôm thải loại. Trong khi đó, khối lượng nhiên liệu than đá cần khoảng 2 - 2,5 tấn/tháng.

Theo một báo cáo khảo sát chưa được công bố, khu vực dân cư làm nghề tái chế nhôm Mẫn Xá có dấu hiệu bị ô nhiễm nặng bởi các kim loại Pb (chì), Cu (đồng), As (asen), Zn (kẽm), Fe (sắt) và Al (nhôm). Trong đó hàm lượng Pb vượt QCVN 03-MT:2015/BTNMT với giá trị trung bình vượt 20 lần, hàm lượng Cu vượt 57,4 lần, hàm lượng As vượt giới hạn cho phép 40 lần, hàm lượng Zn vượt QCVN 31 lần…

Trong Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2016-2020 cho thấy, chỉ tiêu tổng bụi lơ lửng (TSP) môi trường không khí tại thôn Mẫn Xá vượt tiêu chuẩn cho phép xét theo QCVN 05:2013 BTNMT trung bình năm là 1,3 - 1,7 lần.

Núi chất thải rắn khổng lồ tại thôn Mẫn Xá thuộc xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh

Theo Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong giai đoạn 2022-2026 của Uỷ ban nhân huyện Yên Phong năm 2022, kết quả quan trắc chất lượng nước mặt tại ao tiếp nhận nước thải của làng nghề Mẫn Xá qua các năm cho thấy, các chỉ tiêu phân tích hữu cơ và các kim loại nặng cao hơn quy chuẩn cho phép từ 1,5 đến 16 lần.

Theo phân tích của chuyên gia, để nấu chảy được nhôm và oxit nhôm có trong nhôm, người ta phải cho thêm nhiều phụ gia và dùng nhiệt đốt. Đặc biệt, một số kim loại khi được thiêu đốt từ mức nhiệt 300 độ C trở lên đã nóng chảy, hình thành bụi và xỉ thải, gây ô nhiễm môi trường và tác động trực tiếp tới sức khỏe con người. Xỉ thải chứa chất nhôm và oxit nhôm còn sót lại bị oxi hóa thành muối nhôm. Chưa kể trong xỉ thải còn có thể lẫn nhiều kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen, cadimi,... Khi các chất này bị thải ra môi trường, nước ngấm xuống sẽ thấm hút toàn bộ, sinh ra môi trường axit và hòa tan các kim loại nặng đó vào trong nước.

Hiện nay, theo ước tính, trung bình mỗi ngày, hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề Mẫn Xá phát sinh khoảng 3 tấn tro xỉ xỉ. Lượng chất thải này được người dân đổ thải trực tiếp ra các bãi đất trống, cánh đồng xung quanh. Theo thời gian, làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá hiện đang tồn đọng khoảng hơn 400.000 tấn xỉ nhôm tại khu đồng Cậy, thôn Mẫn Xá, đe doạ cuộc sống của người dân.

Trong khi đó, kết quả khảo sát và ghi nhận trong nhiều năm cho thấy, nước thải phát sinh từ quá trình sản xuất của làng nghề cũng không được thu gom, xử lý, được xả trực tiếp ra các ao hồ, kênh mương trong thôn, gây ô nhiễm nước bề mặt và nước ngầm…

Sống trong môi trường không khí ôi nhiễm, những năm qua, người dân làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá nói riêng, xã Văn Môn nói chung đã và đang chịu nhiều hệ luỵ về sức khoẻ.

Ghi nhận của Trạm Y tế xã Văn Môn, từ năm 2018 - 2020, xã Văn Môn có hơn 30 trường hợp người chết do mắc bệnh ung thư (theo người thân khai báo). Những trường hợp qua đời do ung thư chủ yếu là mắc ung thư phổi, vòm họng. Theo nhận định của cán bộ y tế cơ sở, số ca mắc ung thư trên thực tế có thể cao hơn nhiều con số đã ghi nhận, lý do là một số gia đình che giấu, không thông tin, khai báo.

Loay hoay với giải pháp xử lý ô nhiễm

Theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh, thời gian qua, UBND huyện Yên Phong được giao nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ lập Dự án đầu tư thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng tại xã Văn Môn. Trong đó, sẽ lập phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải một cách phù hợp theo quy định quản lý chất thải; thành lập hợp tác xã dịch vụ môi trường để thu gom, vận chuyển chất thải làng nghề mới phát sinh và ký hợp đồng xử lý với đơn vị có chức năng.

Theo dự án, các cơ sở tái chế kim loại trong làng nghề Mẫn Xá được yêu cầu phải đầu tư hệ thống xử lý khí thải đảm bảo quy định mới được phép hoạt động. Tạo điều kiện hỗ trợ các hộ dân tại làng nghề Mẫn Xá chuyển hoạt động sản xuất vào cụm công nghiệp, tiến tới kế hoạch di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất trong làng nghề vào cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung…

Phế liệu, rác thải và khói  thải bủa vây quay làng

Rất tiếc thực tế, thời gian qua, các giải pháp đưa ra vẫn chưa được thực hiện một cách trọn vẹn. Minh chứng ở chỗ, lượng tro xỉ tồn đọng 400.000 tấn tới nay chưa được xử lý. Địa phương chưa xây dựng được khu tập kết, xử lý chất thải rắn 3,8ha tại xã Văn Môn theo kế hoạch để làm địa điểm tập kết, thu gom chất thải cho sản xuất làng nghề. Các cơ sở vẫn chưa đầu tư được hệ thống xử lý khí thải theo đúng quy định...

Với kỳ vọng đưa các cơ sở tái chế nhôm ra ngoài khu dân cư, thành lập khu tái chế tập trung để xử lý triệt để khí thải, nước thải và chất thải rắn, tháng 8/2016, dự án CCN làng nghề Mẫn Xá được UBND tỉnh Bắc Ninh trao quyết định thành lập với tổng diện tích 26,5ha, nằm trên địa bàn thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, với tổng mức đầu tư là hơn 490 tỉ đồng. Thế nhưng, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN làng nghề Mẫn Xá từ 2016 đến nay vẫn chưa được hoàn thiện. CCN chưa có hệ thống PCCC, trạm xử lý nước thải tập trung, hệ thống khí thải chỉ là những ống khói xây dựng thủ công như các cơ sở trong khu dân cư.

Trong khi đó, do giá thành thuê mặt bằng quá cao dẫn tới việc tỉ lệ các cơ sở cô đúc nhôm di dời ra khỏi khu vực dân cư rất thấp, khoảng 12,8% (38/297 hộ). Bài toán di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư vì thế cũng “giậm chân tại chỗ”.

Những năm qua, với việc thương xuyên tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ý thức chấp hành về công tác bảo vệ môi trường của người dân làng nghề đã có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên, một bộ phận chủ cơ sở vì lợi ích vẫn nhập chất thải có dấu hiệu là chất thải nguy hại về làng nghề, đổ trộm chất thải ra môi trường. Theo ghi nhận, từ năm 2021 đến nay, UBND xã Văn Môn đã xử lý 16 vụ đổ trộm xỉ thải nhôm ra môi trường.

Mới đây nhất, khoảng 13 giờ 00 phút, ngày 10/8/2023, lực lượng dân phòng xã Văn Môn phát hiện, báo công an tạm giữ một chiếc xe tự chế đang chở 4 bao chứa tro xỉ về địa phương. Ngoài những bịch chất thải chở trên xe tự chế, một số bịch chất thải khác đã được tập kết ven đường gom và đều phủ phạt nhằm che mắt cơ quan chức năng. Theo nhận định ban đầu, tro xỉ này có cấu trúc tương tự như tro xỉ phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn, đã qua quá trình xử lý thô và nghiền thành các hạt nhỏ, không loại trừ nghi vấn là chất thải nguy hại.

Có thể thấy rằng, nếu như những giải pháp then chốt về xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề Mẫn Xá, trong đó có việc xử lý 400.000 tấn tro xỉ tồn đọng, không được thực hiện quyết liệt, nhanh chóng. Đặc biệt là CCN làng nghề nếu như cũng không đáp ứng được mục tiêu bảo vệ môi trường như kỳ vọng ban đầu thì người dân nơi đây trong tương lai vẫn phải sống cùng những “núi chất thải”, sống trong sự bủa vây của các lò đốt cô đúc nhôm; ăn, uống nguồn thực phẩm, nguồn nước nhiễm kim loại nặng, và viễn cảnh “làng tỉ phú” trở thành “làng ung thư” sẽ không còn xa nữa.

Lâm Tới

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu