04:04 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

5 ngôi chùa giữ nhiều kỷ lục nhất Việt Nam không thể bỏ qua khi du xuân đầu năm

Ngân An | 07:08 19/02/2019

(THPL) - Lễ chùa là một nét văn hóa tâm linh không thể thiếu của người Việt trong dịp năm mới. Đầu xuân năm mới Kỷ Hợi 2019, bạn đừng bỏ qua 5 ngôi chùa nổi tiếng giữ nhiều kỷ lục nhất Việt Nam này nhé!

Việt Nam là một trong những quốc gia có nền Phật giáo vô cùng phát triển, nơi đây còn lưu giữ rất nhiều đền, chùa, miếu mạo linh thiêng, thu hút rất đông du khách, phật tử ghé thăm.

Và cứ vào mồng một, ngày rằm hàng tháng, đặc biệt vào những dịp lễ, Tết, đi lễ chùa là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân Việt.

Việc lễ chùa đầu năm kéo dài bắt đầu từ ngày Mùng 1 Tết âm lịch đến hết tháng Giêng hàng năm. Những ngôi chùa lớn như Chùa Hương, Chùa Bái Đính, Chùa Ba Vàng, Chùa Dâu,… thường có rất nhiều những người hành hương đến cúng lễ, nhất là vào những ngày chính hội. Đây đã được coi là tín ngưỡng dân tộc, là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam với mong muốn đi chùa đầu năm “Cầu Tài, cầu Lộc, cầu Bình an”.

Đầu xuân năm mới Kỷ Hợi 2019, nếu đi lễ chùa, bạn đừng bỏ qua 5 ngôi chùa nổi tiếng giữ nhiều kỷ lục nhất Việt Nam này nhé!

Chùa Bái Đính - Ngôi chùa lớn nhất Việt Nam sở hữu nhiều kỷ lục

Nhắc đến chùa Bái Đính (Ninh Bình) là nhắc đến ngôi chùa hiện đang sở hữu nhiều kỷ lục Châu Á, Đông Nam Á và Việt Nam như: ngôi chùa có diện tích lớn nhất, tượng Phật bằng đồng lớn nhất, chùa có nhiều tượng La Hán nhất, chùa nhiều cây bồ đề nhất tại Việt Nam. 

Chùa Bái Đính là một quần thể chùa nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh – Gia Viễn – Ninh Bình. Nơi đây không chỉ đơn thuần là một khu chùa thờ Phật tổ, thờ Thần núi và Chúa Thượng Ngàn mà còn gắn với lễ tế cờ khi vua Quang Trung ra Thăng Long đại phá quân Thanh.

Được biết, chùa Bái Đính cổ được phát hiện bởi đức thánh Nguyễn Minh Không, ông là người đã biến các hang động thành chùa khi đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông. Đây còn là một di tích cách mạng thuộc chiến khu Quỳnh Lưu.

Chùa Bái Đính - Ngôi chùa lớn nhất Việt Nam sở hữu nhiều kỷ lục.

Năm 2003, quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng. Kiến trúc chùa mới hoành tráng, đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống. Chính vì vậy, mỗi dịp năm mới, nhà nhà, người người lại cùng nhau đi du xuân cũng như lễ chùa Bái Đính.

Chùa Dâu – Ngôi chùa xưa nhất Việt Nam

Chùa Dâu (chùa Pháp Vân) - Bắc Ninh giữ ba kỷ lục Việt Nam: chùa có bảo tượng Phật bằng đá thời Lý lớn nhất; Ngôi chùa xưa nhất; ngôi chùa phát xuất dòng Thiền đầu tiên của Việt Nam.

Được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ 2, chùa Dâu, hay còn gọi là chùa Diên Ứng, là ngôi chùa có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam. Năm 1313, chùa được xây dựng lại và trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ tiếp theo.

Chùa Dâu – Ngôi chùa xưa nhất Việt Nam.

Chùa Dâu được xem là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam. Mặc dù là ngôi chùa có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam, các dấu tích vật chất không còn khi được xây dựng lại nhưng chùa vẫn là một danh lam bậc nhất của xứ Kinh Bắc xưa nay và là một di tích Quốc gia đặc biệt của Việt Nam. 

Chùa Ba Vàng – Ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam

Tên gọi dân dã của chùa Ba Vàng là chùa Bảo Quang. Chùa Ba Vàng là một ngôi chùa tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung, Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Chùa Ba Vàng đang giữ hai kỷ lục gồm ngôi chùa có chiếc trống độc mộc bằng gỗ đỏ nguyên khối lớn nhất và ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất.

Chùa Ba Vàng – Ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam.

Năm 1706, Đại Thiền sư Tuệ Bích đã xây dựng chùa Ba Vàng (tên chữ là Bảo Quang Tự) như thắp sáng niềm tin, nối lại dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử sau 300 năm gián đoạn.

Nằm ở độ cao 340m, so với mặt nước biển, trên một vị thế hết sức đẹp của TP Uông Bí trong dãy núi Yên Tử, ngôi cổ tự Bảo Quang đã từng là phế tích của thời gian và các cuộc chiến tranh thời phong kiến tàn phá, quanh ngôi chùa chỉ còn lại rừng cây bao phủ. Từ khi được phát hiện vào năm 1987, ngôi chùa vẫn bình lặng chứng kiến những đổi thay của thời gian, không có vị trụ trì nào

Để phát huy giá trị của địa linh Phật giáo này, chùa Ba Vàng đã liên tiếp được đầu tư tôn tạo. Vào năm 1988, chùa được trùng tu lại bằng gỗ và đến năm 1993 thì được xây dựng lại bằng xi măng.

Chùa có bố cục chữ Đinh, gồm ba gian tiền đường và một gian thượng điện, ngoài ra còn có Nhà thờ Mẫu, Miếu Sơn Thần, đặc biệt là giếng nước cổ có từ lâu đời.

Khung cảnh chùa Ba Vàng về đêm.

Và năm 2007, chính quyền địa phương đã thỉnh cầu Đại đức Thích Trúc Thái Minh, là trưởng ban Tri khách Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử - về trụ trì chùa Ba Vàng. Đứng trước ngôi chùa hoang tàn, xuống cấp, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã quyết tâm gây dựng lại ngôi chùa từ hai bàn tay trắng. Ông đã cùng các đệ tử kêu gọi du khách thập phương đóng góp công sức tiến hành trùng tu ngôi chùa với quy mô lớn và hiện nay đã được ghi nhận là ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Việt Nam- rộng tới 3.500 m do Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận.

Chùa Hương – Ngôi chùa có pho tượng Bồ tát Quan thế Âm tọa sơn bằng đá xưa nhất Việt Nam

Chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn ở miền Bắc đặc biệt là dịp đầu xuân năm mới. Cùng với lễ hội Yên Tử ở Quảng Ninh, lễ hội chùa Bái Đính ở Ninh Bình… lễ hội chùa Hương mỗi năm diễn ra từ tháng 1-3 âm lịch đón hàng triệu lượt người về đây du xuân vãn cảnh chùa và cầu cho một năm mới với nhiều điều may mắn, hạnh phúc.

Chùa Hương – Ngôi chùa có pho tượng Bồ tát Quan thế Âm tọa sơn bằng đá xưa nhất Việt Nam.

Được biết, chùa có hai kỷ lục Việt Nam là ngôi chùa có pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm tọa sơn bằng đá xưa nhất Việt Nam và lễ hội Phật giáo hàng năm có thời gian dài nhất Việt Nam. Ngoài ra, ở đây có nhiều chùa, động nổi tiếng như: chùa Thiên Trù, Tiên Sơn, Thanh Sơn, động Hương Tích, động Long Vân, động Đại Binh …

Đầu năm đi lễ hội Chùa Hương trở thành một hành trình về với cõi Phật của phật tử và du khách bốn phương. Mọi người được tận hưởng nét thanh tịnh của miền đất Phật, ngồi thuyền vãn cảnh non tiên cõi Phật và nhẹ nhàng thả hồn mình trôi nhẹ theo mái chèo qua dòng Suối Yến trong xanh, hai bên bờ cây cối xanh tươi hay hoa gạo nở đỏ rực như những đốm lửa đầu hạ, suối Yến ngập tràn sắc tím của hoa súng thu về và hoa ban, hoa mận nở trắng trên các triền núi xuân tới. Cảm giác tuyệt vời đó chỉ đến với chùa Hương mới có thể cảm nhận được.

Chùa Bổ Đà – Ngôi chùa cổ tự vùng Kinh Bắc

Khu di tích chùa Bổ Đà là một danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa nay thuộc địa phận hành chính của xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là khu di tích Quốc gia đặc biệt với những giá trị đặc sắc về lịch sử - văn hóa, các giá trị vật thể và phi vật thể của nhân loại. Tất cả đều được bảo lưu nguyên vẹn mà còn được kế thừa ngày càng phát triển, đưa khu di tích chùa Bổ Đà trở thành Trung tâm Phật giáo theo Thiền phái Lâm Tế, một đạo tràng Quán Thế Âm lớn ở miền Bắc nước ta.

Chùa có tên gọi chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Sơn Tự, gọi tắt là chùa Bổ hay Tứ Ân Tự, toạ lạc ở vị trí đắc địa phong thuỷ, nằm về phía Bắc của chân núi Phượng Hoàng thuộc dãy núi Bổ Đà, xa xa là dòng sông Cầu thơ mộng.

Chùa Bổ Đà – Ngôi chùa cổ tự vùng Kinh Bắc có từ thời Lý thế kỷ XI.

Chùa Bổ Đà có từ thời Lý (thế kỷ XI), được đại trùng tu vào thời Lê Trung hưng - niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1729) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX); là một trong những trung tâm Phật giáo lớn thuộc thiền phái Lâm Tế, một trong những ngôi chùa độc đáo cổ kính và lớn nhất vùng đất Kinh Bắc. Đây cũng là nơi các vị tổ sư thuyết pháp đào tạo các tăng ni. Được biết, trải qua gần 10 thế kỷ, Chùa Bổ Đà cũng là nơi tu hành của 19 vị quan các triều đại.

Hiện nay, các bản khắc gỗ dùng để in ấn kinh sách tại đây vẫn còn lưu lại bao gồm nhiều bản kinh luật Đại thừa, như: Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam hải ký qui...để phục vụ cho việc đào tạo truyền bá kinh Phật. Bộ bản khắc này đã được công nhận là bảo vật quốc gia và là bộ bản khắc gỗ kinh Phật có niên đại lâu đời nhất ở Việt Nam.

Ngoài ra, Vườn tháp trong khuôn viên chùa với hàng trăm ngôi tháp cổ chứa xá lị, tro cốt nhục thân của hàng nghìn vị tăng, ni thuộc thiền phái Lâm Tế với diện tích gần 8000 m2 cũng là vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam. 

Ngân An

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu