09:15 ngày 06/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ý nghĩa rằm tháng 7 trong tiềm thức người Việt

11:19 20/08/2023

(THPL) - Rằm tháng 7 có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, bao gồm lễ Vu Lan và lễ cúng chúng sinh mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và đầy tính nhân văn. Rằm tháng 7 âm lịch hằng năm luôn là dịp đặc biệt để các thành viên trong gia đình quây quần, gắn bó với nhau qua những phong tục truyền thống.

Lễ Vu Lan là nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt, là ngày để mọi người con hướng về mẹ cha. Ngày này mang ý nghĩa nhắc nhở con cháu, những ai còn cha mẹ hãy báo đáp bằng lòng hiếu thảo, đừng để đến khi cha mẹ không còn mới hối tiếc và ân hận. Với những người con không còn cha mẹ trên đời, việc chuẩn bị mâm cúng lễ Vu Lan chu đáo và thành tâm cũng là cách để bày tỏ thương nhớ và lòng biết ơn công lao của cha mẹ.

Rằm tháng 7 hay còn gọi là ngày xá tội vong nhân.

Ngoài ra để thể hiện lòng biết ơn, báo đáp người đã khuất, quan niệm dân gian cho rằng vào lễ Vu Lan, con cháu nên làm việc thiện, bố thí cho người nghèo, giúp đỡ người khốn khổ. Để tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ đã khuất núi, thế hệ sau nên nhắc nhở cho con cháu sống noi gương theo truyền thống hiếu đạo của người Việt. Đấy là sự tưởng nhớ, sự báo đáp lớn nhất đối với người đã nhắm mắt, xuôi tay.

Vào ngày Vu Lan, các Phật tử cũng thành tâm cúng dường, bố thí, chia sẻ cho những người khổ đau hay lên chùa tụng kinh lễ bái để cầu sự siêu thoát cho ông bà, tổ tiên; cầu phúc cho cha mẹ sống thọ, khỏe mạnh.

Từ 2 - 14/7 âm lịch, người dân đã bắt đầu cúng rằm tháng 7 để tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Tùy vào điều kiện của gia đình để chọn ngày cúng. Điều quan trọng là gia chủ phải thành tâm và mong muốn thể hiện sự cảm tạ chân thành của mình tới trời Phật, thần linh và tổ tiên là được.

Lễ cúng Rằm tháng 7 thường gồm cúng Phật, cúng gia tiên và cúng chúng sinh. 

Khi cúng cô hồn, các gia đình nên cúng ngoài sân, ngoài đường hoặc nếu được thì đăng ký cúng ở đình, chùa... 

Ngày nay, một số người vẫn lưu truyền với nhau 18 điều cấm kỵ, 13 điều nên làm trong tháng “cô hồn”. Có nhiều truyền thuyết liên quan đến việc cúng lễ. Trong đó có điển tích Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà dân gian thường gọi là ngày Vu Lan báo hiếu; hay sự tích ông A Nan Đà phải cúng cho quỷ đói diệm khẩu (miệng lửa) để không bị đày vào kiếp ngạ quỷ.

Ngoài ra, dân gian còn có cách giải thích ngày rằm tháng 7 âm lịch là ngày Diêm vương mở Quỷ môn quan, các vong linh được thả ra ngoài. Do đó, người nhà sắm sửa đồ cúng, vàng mã cho vong linh những người thân, tổ tiên. Nhưng ngày nay, nhiều gia đình đã không còn duy trì tục đốt vàng mã này.

Người Việt quan niệm, tháng “cô hồn” là tháng của ma quỷ, không đem lại may mắn nên không thuận tiện với việc cưới hỏi, mua sắm, khai trương, đi xa. Những lời này được truyền miệng qua nhiều đời và lưu truyền đến ngày nay.

Một số điều cấm kỵ được mọi người truyền tai nhau như: không treo chuông gió ở đầu giường; không đi chơi đêm; không nhổ lông chân; không tùy tiện đốt vàng mã; không ăn đồ cúng; phụ nữ và trẻ em không phơi đồ ở ngoài vì ma quỷ đi qua sẽ ướm thử và để lại “quỷ khí” làm người mặc đau ốm; không chụp ảnh ban đêm vì như vậy sẽ dễ thấy ma quỷ trong bức ảnh; không bơi lội…

Theo chuyên gia văn hóa học, một số điều cấm kỵ không có căn cứ, số còn lại là những lời truyền miệng xuất phát từ những đặc điểm thời tiết của tháng 7.

Cụ thể, tháng 7 là tháng mưa nhiều không thuận tiện cho việc tổ chức cưới hỏi, khởi công. Vì mưa nhiều nên việc bơi lội, phơi đồ ở ngoài cũng dễ bị nhiễm lạnh làm chúng ta dễ bị đau ốm. Đồ cúng để ngoài trời nguội lạnh khi ăn cũng không tốt cho sức khỏe. Còn lại những điều kiêng kỵ như không nhổ lông chân, không treo chuông gió đầu giường hay tùy tiện đốt giấy tiền là phi thực tế.

PV (Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu