14:59 ngày 01/09/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu sầu riêng ước đạt trên 1,8 tỷ USD trong 8 tháng

16:58 27/08/2024

(THPL) - Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng 8 tháng ước đạt trên 1,8 tỷ USD; đóng góp 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt 4,5 - 4,6 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành sầu riêng có đóng góp quan trọng trong sự tăng trưởng mạnh mẽ đó với kim ngạch xuất khẩu sầu riêng 8 tháng ước đạt trên 1,8 tỷ USD; đóng góp 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Về thị trường, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, trong đó Việt Nam đang là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó 90% xuất khẩu sang Trung Quốc.

Diện tích trồng sầu riêng của cả nước hiện là 154.000ha, sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm.

Xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,8 tỷ USD trong 8 tháng. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến mặt hàng sầu riêng, mới đây Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, mở ra bước ngoặt mới cho ngành, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký VINAFRUIT cho biết, với yếu tố thuận lợi nói trên, xuất khẩu sầu riêng trong những tháng cuối năm 2024 sẽ cao hơn. Qua đó, đưa xuất khẩu cả năm có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, để nâng cao giá trị cho quả sầu riêng, đầu tiên cần tuyên truyền, tập huấn quản lý, nâng cao chất lượng sầu riêng cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, cần làm tốt khâu liên kết sản xuất theo hướng tập trung, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đầu tư vào giải pháp kỹ thuật cấp đông; tập trung hỗ trợ nhiều vào các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản và vận chuyển.

Trước đó một số chuyên gia nhận định, khi các FTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu giảm, các nước sẽ đưa ra các hàng rào kỹ thuật. Điều này đòi hỏi người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam liên tục cập nhật quy định nhập khẩu của các thị trường để kịp thời đáp ứng.

Về việc này, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, quá trình tổ chức sản xuất từ vùng nguyên liệu, vùng trồng cho đến mã số, cơ sở đóng… Cục Bảo vệ thực vật đang quản lý rất sát và trong bối cảnh hội nhập sâu, đòi hỏi toàn chuỗi sản xuất phải cập nhật, đáp ứng được, thậm chí cả trên nhu cầu của thị trường. Đây là yêu cầu tất yếu để xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Dự kiến hết năm 2024, tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt khoảng 1,29 triệu ha, tăng khoảng 20.000 ha so với năm 2023. Tại thời điểm này, nhiều loại trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào chính vụ như sầu riêng, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải... sẽ tạo ra lượng hàng hóa lớn cho cả xuất khẩu tươi và chế biến sâu.

Hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng. Với động lực và đà tăng trưởng như hiện nay, rau quả Việt Nam có thể vươn tới kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm nay.

Phương Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu