05:43 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Xốn xang hương vị bánh chưng làng nghề Cát Trù

13:51 03/11/2021

(THPL) - Những ngày Tết Nguyên đán cận kề, không khí ở làng nghề gói bánh chưng truyền thống Cát Trù (xã Hùng Việt, Cẩm Khê, Phú Thọ) cũng trở nên tấp nập hơn bao giờ hết. Và cũng trong kí ức của nhiều người, thấy mùi bánh chưng thơm bên bếp lửa hồng là thấy một năm mới nữa đã về.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại rằng: Nghề làm bánh chưng ở Cát Trù đã có từ rất lâu đời. Lâu đến nỗi những người làm bánh có thâm niên trong xã cũng không nhớ nổi, chỉ biết rằng, bánh chưng Cát Trù đã có mặt ở khắp các chợ quê, được mọi người ưa chuộng. Trải qua những thăng trầm và biến cố, nghề làm bánh chưng ở Cát Trù cũng có nhiều thay đổi.

Giống với nhiều nơi khác, bánh chưng Cát Trù được làm bởi gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong. Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt của bánh chưng Cát Trù có lẽ nằm ở khâu chuẩn bị nguyên liệu và cách gói.

Để bánh ngon, không bị nhão thì khâu chuẩn bị nguyên liệu rất quan trọng. Lá dong phải chọn lá bánh tẻ, dày và cuống mỏng được trồng ở các tỉnh như: Hà Giang, Yên Bái... gạo là gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung trồng ở Thái Bình, Nam Định, đỗ xanh phải sạch vỏ, thơm, ngon, thịt lợn thường là thịt ba chỉ hoặc thịt nửa mỡ nửa nạc.

Trước khi gói, lá dong cần được rửa sạch, lau khô; gạo vo thật kỹ trước một giờ, để ráo nước, không nên ngâm gạo lâu vì như vậy gạo sẽ bị nở, khó gói và làm chua bánh nhanh; đỗ xanh nấu vừa chín tới, thịt lợn ướp đủ các loại gia vị cho đậm đà, gói xong phải luộc ngay bánh mới xanh.

Để chiếc bánh vuông đẹp, mịn, rền thì lúc gói phải đỗ trong gạo, gạo trong lá và gói chặt tay. Khi bánh chín có màu xanh dịu nhẹ của lá dong, vị thơm sánh quyện của đỗ xanh với thịt lợn, dẻo ngon của gạo nếp khiến người thưởng thức cảm nhận được một món ăn vừa ngon vừa đậm đà và mang đặc trưng riêng của địa phương.

Nghề làm bánh chưng ở Cát Trù đã có từ rất lâu đời (ảnh: Hoàng Quý)
Để chiếc bánh vuông đẹp, mịn, rền thì lúc gói phải đỗ trong gạo, gạo trong lá và gói chặt tay (ảnh: Đức Quý)
Bánh chưng làng Cát Trù đã theo chân biết bao người đi đến khắp các nẻo đường xa gần (ảnh: Đức Quý)

Người Cát Trù thường làm bánh từ khoảng 13 giờ đến 17-18 giờ chiều thì nấu và khoảng 23 - 24 giờ đêm thì vớt. Dù nấu nhiều hay ít thì đều được nấu bằng củi và không dùng than. Dù không bao giờ gói bánh bằng khuôn nhưng bánh chưng Cát Trù vẫn được du khách trong và ngoài tỉnh “đánh tiếng” là ngon, dẻo và vuông vức, đều rằn rặt.

Vừa nhanh tay vớt những chiếc bánh chưng vuông vắn vừa chín, chị Lê Thị Ảnh (hộ gia đình gói bánh lâu năm trong làng) chia sẻ: "Những ngày thường, gia đình tôi làm khoảng 40- 50 kg gạo/ngày, bán chủ yếu tại Hà Nội, vào ngày Tết, nhu cầu sử dụng bánh chưng tăng gấp 3- 4 lần, trung bình 1 ngày, tôi xuất ra thị trường trên 3.000 chiếc bánh”…

Tương tự, cũng theo anh Hoàng Văn Chính - Chủ cơ sở bánh chưng Chính Ảnh nổi tiếng, nhiều lần đoạt giải cao trong hội thi làm bánh dâng các Vua Hùng của xã Cát Trù, cho biết: "Cát Trù tuy không ở gần Đền Hùng nhưng luôn rất tự hào bởi vào ngày Giỗ Tổ hàng năm, bánh chưng của xã thường được lựa chọn đưa vào mâm lễ dâng lên các Vua Hùng"...

Có dịp về thăm làng Cát Trù vào một chiều cuối Đông, vừa đi tới đầu làng chúng tôi đã cảm nhận được mùi vị đặc trưng của những nồi bánh chưng quện vào gió hương thơm bay ngào ngạt khắp một vùng quê. Xa xa, là hình ảnh quen thuộc của những chiếc xe chở lá dong xanh mướt, bao đậu xanh bóc vỏ vàng ươm, rồi gạo nếp, hạt tiêu... được người dân rộn ràng, tấp nập chuẩn bị.

Khi trời về chiều cũng là lúc mọi công đoạn gói bánh hoàn tất, bánh được xếp vào những nồi to đặt lên bếp. Bếp lửa rực sáng suốt đêm luộc bánh. Gần sáng, bánh được vớt ra ép cho sạch nước.

Thời tiết lạnh, cũng là lúc mọi người cùng quây quần làm bánh làm cho không khí trở nên gần gũi, ấm cúng. Mỗi người mỗi việc, người già và trẻ con thì xếp lá dong, đánh nhuyễn đỗ, làm nhân bánh, thanh niên thì gói bánh, buộc bánh. Cũng vì sự cầu toàn và tỉ mỉ trong từng chiếc bánh mà bánh chưng Cát Trù là hương vị không thể thiếu trong những dịp quan trọng như cỗ bàn, cưới hỏi, quà biếu, lễ Tết.

Và có lẽ vì thế, mà bánh chưng làng Cát Trù đã theo chân biết bao người đi đến khắp các nẻo đường gần xa, cung cấp cho nhiều thị trường lớn như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng một số huyện trong tỉnh và nhiều lần được chọn mua làm quà gửi đi cho các đồng bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan...

PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu