05:49 ngày 02/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xóm lều "ba không" thách thức pháp luật và sự bất lực của chính quyền địa phương?

12:07 14/06/2017

(THPL) - Dự án Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM) của Công ty Quốc Cường Gia Lai triển khai gần 10 năm qua vẫn "loay hoay" và gần như bế tắc khâu giải phóng mặt bằng chỉ vì một xóm lều đang tồn tại nơi đây không chịu di dời và có nguy cơ ngày càng "phình to".

"Xóm lều" 3 không

Dự án Khu dân cư Phước Kiển với quy mô 91ha (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM) do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư, đây được xem là một trong những dự án trọng điểm thuộc huyện Nhà Bè và từng được Công ty này hết sức kỳ vọng.

Được quy hoạch từ năm 2007, tuy nhiên sau gần 10 năm dự án này vẫn ì ạch, "loay hoay" trong khâu giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân được xác định không phải bắt nguồn từ chủ đầu tư hay chính sách mà từ gần 100 hộ dân đang cố “bám trụ” nơi đây.

Theo tìm hiểu, con số đền bù giải phóng mặt bằng đến thời điểm hiện tại của Công ty Quốc Cường Gia Lai là 86,1ha (chiếm 95% tổng diện tích dự án 90,65ha). Phần diện tích còn lại khoảng 4,55ha do 100 hộ dân cất nhà tạm, chờ chủ đầu tư đền bù theo giá thị trường.

Trong một báo cáo của chính quyền huyện Nhà Bè, khu đất thuộc dự án chủ yếu là đất nông nghiệp, chiếm khoảng 70% (tức 76ha), diện tích đất phi nông nghiệp khoảng 4,87ha; diện tích đất do Nhà nước trực tiếp quản lý khoảng 9,5ha. Hiện tại nơi đây còn tồn tại 151 căn nhà, trong đó nhà lá 49 căn, nhà tôn 97 căn, nhà đúc 5 căn.

Một góc của xóm trọ nằm trong khu đất dự án. Ảnh: Internet

Đặc biệt, nơi đây được sử dụng làm nơi cho thuê phòng trọ. Một góc nhỏ của khu đất lổm nhổm những căn nhà cấp 4, đan xen là những căn nhà lá tạm bợ, nhếch nhác, bên cạnh đó là những con mương hôi thối, môi trường nơi đây đang bị ô nhiễm nặng. Người dân xung quanh tự đặt cho xóm trọ này với cái tên “xóm trọ 3 không”: không giấy tờ hợp lệ – không điện – không nước sạch.

Theo phản ánh của chị H. - một người từng thuê trọ tại đây - cho biết, giá thuê phòng ở đây tuy có rẻ nhưng những nhu cầu tối thiểu của con người như điện và nước sạch lại không được đáp ứng. Bên cạnh đó là ô nhiễm môi trường, mất an toàn phòng cháy chữa cháy, tệ nạn xã hội, mất an ninh trật tự bởi nơi đây thường xuyên xuất hiện những đối tượng lạ mặt. 

Sau một thời gian thuê trọ, chị H. đã không thể chịu nổi cái cảnh sống khốn khổ và đã phải chuyển đi nơi khác. Cũng chính xóm trọ này đã làm xấu đi bộ mặt của thành phố lớn và phát triển bậc nhất đất nước. 

Thế nhưng thời gian gần đây, số lượng người đến thuê trọ lại tăng đột biến bởi người dân đã “bày mưu” cho những người thuê trọ kéo đường điện riêng từ bên ngoài vào. Đối với vấn đề nước sạch, người thuê trọ phải tự bỏ số tiền rất cao để mua về sử dụng. Việc người thuê trọ tự kéo đường điện riêng vô cùng nguy hiểm bởi điều kiện vật chất hạn hẹp, dây điện được kéo trên những cọc tre tạm bợ, nếu gặp thời tiết xấu sẽ có nguy cơ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. 

Chính quyền buông lỏng - chủ đầu tư hứng hậu quả

Theo vị đại diện UBND huyện Nhà Bè, 96 hộ dân nơi đây cùng với hàng trăm phòng trọ ở khu vực này có nguồn gốc đất đai do lấn chiếm mà có, sau đó mua đi bán lại bằng giấy viết tay nên chính quyền không thể cấp điện, nước cũng như giấy tờ hợp pháp. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã cố gắng di dời những hộ dân trên nhưng bất thành. Bởi vì những hộ dân trên đang cố bám trụ để đòi tiền bồi thường theo cơn sốt bất động sản chứ không chịu bị áp giá. Cũng theo vị đại diện này, sắp tới chính quyền thành phố sẽ phải có giải pháp để chốt một khung bồi thường nhất định cho người dân, mặc dù đây là đất do lấn chiếm mà có, nếu người dân tiếp tục không đồng thuận sẽ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai - cho biết: “Đối với những hộ dân này, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ họ bằng cách cho họ vào chung cư chúng tôi có sẵn, họ vào đất nền quận 7, quận 8 chúng tôi cũng có sẵn, họ muốn vào chỗ nào chúng tôi có sẵn hết”.

Bà Loan còn cho biết thêm, bản chất sâu xa của vấn đề không xuất phát từ phía người dân. “Rất tiếc ở đây không phải là người dân, mà là những đầu nậu, người ta đầu tư vào đây để phân nhỏ ra gọi là phòng trọ chứ không phải là nhà trọ để họ cho thuê, họ vụ lợi”, bà Loan chia sẻ.

Theo ước tính, khoảng 100 căn nhà tạm hiện có trên phần đất chưa được đền bù đã được chủ nhà ngăn ra khoảng 500-600 phòng trọ, mỗi phòng khoảng 5m2 cho 2-3 người thuê ở.

Bà Loan cũng chia sẻ những vướng mắc tồn đọng khiến dự án "sa lầy" trong suốt 1 thập niên qua, dù doanh nghiệp đã nỗ lực hết mình nhưng chính sách thay đổi quá nhanh gây khó khăn cho công ty. Lúc mới triển khai, luật pháp thời điểm này quy định chủ đầu tư giải phóng mặt bằng được 80%, UBND thành phố sẽ ra quyết định thu hồi và giao đất. 20% còn lại sẽ được địa phương thành lập ban bồi thường hỗ trợ di dời nhằm giao đất sạch cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên đến năm 2010, luật thay đổi, áp dụng Nghị định 71/2010, các chủ đầu tư phải tự đi thương lượng đền bù với người dân đủ 100% Nhà nước mới thu hồi và giao đất. Đến nay, luật lại thay đổi áp dụng vào Nghị định 99/2015, chủ đầu tư vẫn phải tự thương lượng đền bù 100% mới được thu hồi và giao đất. “Cơ chế pháp lý thay đổi liên tục, người dân lợi dụng chính sách thay đổi để đầu cơ trục lợi đất, cố tình xây dựng nhà trái phép, không phép để cho thuê, cất nhà tạm cho thuê, chủ nhà không ở tại những căn nhà lấn chiếm này nhưng chính quyền không có biện pháp ngăn chặn”, bà Loan nêu thực trạng.

Người dân chưa chịu di dời vì muốn nhận được tiền đền bù với giá cao. 

Tính đến nay, bà Loan khẳng định đã đền bù được 92% trong tổng số 91,69ha của dự án, chỉ còn khoảng 7ha chưa đền bù được trong vòng 2 năm qua. Khó khăn lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai chính là hàng trăm phòng trọ tự phát nằm trong khu xóm lều nói trên.

Quốc Cường Gia Lai đã bồi thường cho gần 10 hộ với mức giá từ 10-12 triệu đồng/m2. Số còn lại đa số đòi hỗ trợ giá từ 15-20 triệu đồng/m2 lấn chiếm, chủ đầu tư không thể đáp ứng được.

Ước tính, số tiền đền bù dự toán chừng 200 tỷ đồng, nay người dân đòi bồi thường tăng lên 1.000 tỷ đồng. “Việc không đền bù dứt điểm để triển khai dự án khiến công ty gặp rất nhiều áp lực. Chúng tôi đã đầu tư vào dự án này hơn 5.000 tỷ đồng và hiện phải trả lãi vay mỗi ngày hơn 500 triệu đồng”, bà Loan than phiền.

Điều đáng nói, một xóm trọ "khổng lồ", nằm trong một dự án đã được phê duyệt, về nguyên tắc, chính quyền địa phương không được cấp phép xây dựng và phải có trách nhiệm không được để người dân lấn chiếm, xây dựng nhà tự phát. Đã đến lúc chính quyền địa phương cần nhanh chóng vào cuộc di dời xóm trọ trên, vì nếu hiện trạng này tiếp tục diễn ra, xóm trọ tự phát trên sẽ ngày càng "phình to", biến thành một khu ổ chuột nhếch nhác, tạm bợ. Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy không được đảm bảo, tệ nạn xã hội được dịp bùng phát và diễn biến phức tạp.  

Quốc Huy

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu