17:35 ngày 28/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam sẽ có thêm khoảng 4 triệu liều vắc xin Covid-19

19:30 08/03/2021

(THPL) -Trong cuối tháng 3 và tháng 4-2021, Việt Nam sẽ có thêm 4 triệu liều vắc-xin Covid-19 thông qua chương trình COVAX. Hiện sức khoẻ 100 nhân viên y tế ở Hà Nội đều ổn định sau tiêm vắc-xin.

Theo Báo NLĐ, ngày 8/3, tại cuộc gặp gỡ báo chí sau khi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19 cho các nhân viên y tế, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện (WHO) tại Việt Nam cho biết vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca sử dụng tiêm chủng tại Việt Nam được cấp phép và sản xuất tại Hàn Quốc. Vắc-xin này đã trải qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm rất khắt khe, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt, được WHO phê duyệt để sử dụng trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp trên toàn thế giới.

Chuyên gia WHO và UNICEF trò chuyện với nữ nhân viên y tế trước thời thời điểm vắc-xin Covid-19. Ảnh: NLĐ

Hiện nhiều nước cũng đang triển khai tiêm vắc-xin Covid-19. Đây là chiến dịch tiêm vắc-xin lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Theo chuyên gia WHO, trên toàn thế giới, vắc-xin ngừa Covid-19 đang không đủ cung ứng, dù tất cả các quốc gia đều muốn mọi người dân được tiêm nhưng số lượng vắc-xin vẫn còn rất hạn chế. "Trong bối cảnh vắc-xin còn hạn chế, WHO rất hoan nghênh định hướng của Chính phủ Việt Nam khi ưu tiên tiêm dựa trên đánh giá nguy cơ"- ông Park nói.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng lưu ý dù vắc-xin đã được thử nghiệm, đáp ứng tiêm chủng an toàn nhưng đây là lần đầu tiên thế giới sản xuất một loại vắc-xin trong thời gian chỉ 1 năm. Do đó, WHO khuyến cáo phải có sự theo dõi sát, kiểm tra sau khi tiêm vắc-xin 48 giờ cũng như tiếp tục theo dõi sau tiêm tại nhà để quá trình tiêm vắc-xin đảm bảo an toàn.

Ông Park đánh giá cao trong buổi tiêm đầu tiên, Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, người tiêm được cung cấp thông tin đầy đủ và quy trình tiêm an toàn. Đây là tín hiệu tốt để Việt Nam tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng an toàn trong thời gian tới. WHO mong muốn đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Y tế trong quá trình tiêm vắc-xin để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra khuyến nghị cho người dân.

Theo Hà Nội mới, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, UNICEF hỗ trợ Việt Nam có được nguồn vắc xin chất lượng và thương thuyết để Việt Nam có được nguồn vắc xin với giá tốt nhất. Đặc biệt, UNICEF hỗ trợ Việt Nam có được vắc xin Covid-19 qua chương trình Covax, bảo đảm trong năm nay, Việt Nam có khoảng 20% dân số được tiêm chủng. Dự kiến, trong hai tháng 3 và 4-2021, sẽ có khoảng 4 triệu liều vắc xin Covid-19 qua chương trình Covax về đến Việt Nam.

Theo kế hoạch, Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin AstraZeneca đợt đầu về 13 tỉnh, thành phố có bệnh nhân Covid-19. Kế hoạch tiêm cho từng tỉnh, thành phố sẽ do UBND từng địa phương quyết định, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế.

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc. 

Theo ông Thuấn, trong năm nay, Việt Nam sẽ có chắc chắn 60 triệu liều vắc-xin AstraZeneca. Hiện Bộ Y tế đang đàm phán thêm với các hãng dược Pfizer, Moderna, Sputnik V để có thêm vắc-xin. Hiện tại, vắc-xin Nanocovax của Nanogen đã bước sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, vắc-xin Covivac của IVAC chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1. Nếu thử nghiệm diễn ra suôn sẻ, dự kiến cuối năm 2021, đầu năm 2022, Việt Nam sẽ có vắc-xin Covid-19 trong nước sản xuất.

"Bộ Y tế kêu gọi người dân trên cả nước đến lượt mình hãy đi tiêm phòng Covid-19 để bảo vệ cho cá nhân, người thân, vì một cộng đồng khỏe mạnh, để đất nước sớm quay trở lại với cuộc sống bình thường"- Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.

Được biết, đến cuối giờ chiều ngày 8/3, sức khỏe toàn bộ 100 nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đều ổn định sau khi tiêm vắc-xin Covid-19.

Phương Nhi (Tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu