02:02 ngày 12/08/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030

14:16 11/08/2024

(THPL) - Hiện nay, cơ hội việc làm cho nhân lực ngành bán dẫn là rất lớn, việc xây dựng các chương trình đào tạo thiết kế vi mạch là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam.

Chiều 9/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) tổ chức Lễ bế giảng chương trình “Thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản". Chương trình là khóa đào tạo thiết kế vi mạch chuyên sâu đầu tiên do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) tổ chức, phối hợp với Tập đoàn FPT, Tổ chức Tresemi từ Thung lũng Silicon và Cadence - Tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết kế chip, cùng sự hỗ trợ của các trường đại học trong lĩnh vực bán dẫn.

Chương trình đào tạo tuyển chọn được hơn 70 học viên xuất sắc từ các trường đại học lớn trên cả nước để cấp học bổng và tham gia chương trình đào tạo. Theo đánh giá của các chuyên gia, các học viên tốt nghiệp chương trình đều có thể tham gia hoạt động tại doanh nghiệp.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, việc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo thiết kế vi mạch là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh baochinhphu.vn 

Theo NIC, với mỗi mô hình đào tạo kết hợp giữa 3 Nhà: Nhà nước (bao gồm các cơ quan Trung ương và địa phương) - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, hằng năm có thể đào tạo được khoảng 540 kỹ sư thiết kế vi mạch. Như vậy, nếu nhân rộng mô hình này tại 10 cơ sở đào tạo và địa phương, mỗi năm sẽ có thể đào tạo được hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch có chất lượng. Đến năm 2030, Việt Nam có thể đào tạo được ít nhất là 25.000 kỹ sư thiết kế vi mạch. Điều này cho thấy mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ đào tạo 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trên tổng số 50.000 kỹ sư bán dẫn là hoàn toàn khả thi.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, NIC, Bộ KH&ĐT đã tổ chức Tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là diễn đàn để lãnh đạo các địa phương, trường đại học và các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, phân tích những thách thức hiện tại và đề xuất những chiến lược hợp tác hiệu quả.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho biết, thời gian qua, nhà nước còn làm việc miệt mài hơn cả doanh nghiệp. Về nhà trường, chưa bao giờ trong thời gian ngắn như vậy, các trường đại học tham gia đào tạo ngành bán dẫn nhanh chóng, sẵn sàng.

Nhìn nhận yếu tố then chốt giúp tăng cường hợp tác giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa 3 bên, ông Bình cho rằng, cần có cơ chế rõ ràng để chia sẻ thông tin, nguồn lực và kinh nghiệm giữa các bên liên quan.

Ngoài ra, bàn đến đầu ra, công ăn việc làm cho nhân lực học bán dẫn, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh: "Có rất nhiều cơ hội việc làm. Các bạn tốt nghiệp đông bao nhiêu vẫn không đủ cho riêng chúng tôi".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng,sự hợp tác giữa Chính phủ-viện, trường-doanh nghiệp chính là đòn bẩy cho sự phát triển và đổi mới chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam. Sự hợp tác này cũng sẽ có nhiều trợ lực khi Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình và sẽ sớm được Chính phủ phê duyệt.

Đỗ Khuyến (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu