23:17 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

VCCI đề xuất doanh nghiệp, người dân được mua trực tiếp điện tái tạo

Tuấn Minh (t/h) | 20:01 07/05/2024

(THPL) - Tại góp ý dự thảo nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất mọi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu đều có thể mua điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió) trực tiếp thay vì qua EVN.

Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), trong đó cho phép các nhà máy điện gió, điện mặt trời được phép bán trực tiếp cho khách hàng thông qua đường dây riêng hoặc lưới quốc gia.

Góp ý dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cơ chế DPPA sẽ giúp giải quyết cung cầu năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió). Đây có thể là giải pháp gỡ khó cho nhiều dự án năng lượng tái tạo chậm thời điểm giá FIT (giá ưu đãi cố định).

Về đối tượng khách hàng trong trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, Điều 7 của dự thảo quy định về mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng chỉ cho phép khách hàng sử dụng điện lớn được tham gia. Các khách hàng sử dụng điện khác chưa được tham gia mà phải đợi giai đoạn tiếp theo.

VCCI đề xuất doanh nghiệp, người dân được mua trực tiếp điện tái tạo. Ảnh minh hoạ

Do các bên sử dụng đường dây riêng, tác động đến hệ thống điện quốc gia không đáng kể nên VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 7 của dự thảo theo hướng cho phép không giới hạn vào nhóm khách hàng sử dụng điện lớn mà mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu.

Liên quan đến yêu cầu đối với đơn vị phát điện khi mua bán qua đường dây riêng, Điều 6.1 của dự thảo quy định “công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực”. Hiện nay, quy hoạch điện lực khống chế công suất tối đa phát triển năng lượng tái tạo. Một trong những lý do quan trọng của điều này là lo ngại ngại công suất điện tái tạo quá lớn nhưng không ổn định sẽ gây tác động tiêu cực cho hệ thống truyền tải điện quốc gia.

"Tuy nhiên, trong trường hợp mua bán điện qua đường dây riêng, không sử dụng hệ thống truyền tải chung, các tác động này không đáng kể. Do đó, việc yêu cầu công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch là không thực sự cần thiết. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này. Trong trường hợp vẫn có lo ngại tác động tiêu cực khi công suất điện tái tạo dư thừa phát lên hệ thống thì có thể bổ sung quy định các bên phải lắp thiết bị chống phát ngược lên lưới điện", VCCI kiến nghị.

Về yêu cầu đối với khách hàng sử dụng điện khi mua qua đường dây riêng, Điều 7.2 và Điều 7.3 yêu cầu khách hàng sử dụng điện khi mua điện trực tiếp qua đường dây riêng phải đầu tư hạ tầng lưới điện và có đội ngũ quản lý, vận hành lưới điện.

Theo VCCI, việc đầu tư và quản lý, vận hành đường dây truyền tải riêng này có thể thuộc về đơn vị phát điện, cũng có thể thuộc về khách hàng sử dụng điện, tuỳ vào thoả thuận cụ thể giữa hai bên. Do đó, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng hai bên mua bán điện có quyền thoả thuận về việc đầu tư và quản lý vận hành đường dây.

Cũng liên quan dự thảo Nghị định mua bán điện trực tiếp giữa các đơn vị phát điện với khách hàng (DPPA) và Dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt mái nhà dân, công sở, khu công nghiệp, cuối tháng 4/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời thắc mắc của dư luận liên quan đến chủ trương chỉ mua điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu của người dân, cơ quan, tổ chức với giá 0 đồng.

Theo ông Diên, chủ trương này nhằm ngăn chặn hiện tượng trục lợi chính sách. Ông Diên cho rằng, loại hình điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ không được bán hoặc bán giá 0 đồng. Tức, người dân có thể bán phần dư thừa nhưng Nhà nước chỉ ghi nhận sản lượng, không thanh toán tiền.

Trong giai đoạn hiện tại, trong bối cảnh điều kiện của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, biện pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng là phù hợp.

"Quy định này nhằm "đảm bảo được việc ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách. Những cơ chế khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu là bước đột phá trong nỗ lực tháo gỡ các rào cản pháp lý cho phát triển nguồn điện trong bối cảnh một số quy định pháp luật chuyên ngành chưa theo kịp thực tiễn", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu