22:17 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thuế tăng giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá từ 5% - 8%

Minh Anh (t/h) | 20:28 23/09/2024

(THPL) - Bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định, thuế là giải pháp hữu hiệu nhất để Việt Nam đạt mục tiêu kép về giảm tiêu dùng, giảm bệnh tật và tử vong, đồng thời giúp tăng cho ngân sách nhà nước. Theo ước tính, nếu thuế thuốc lá tăng 10% thì sẽ làm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá từ 5% - 8%.

Tại hội thảo “Sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt các mặt hàng có hại cho sức khỏe” do Bộ Y tế tổ chức mới đây, bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết thuốc lá, rượu bia và đồ uống có cồn đang trở thành gánh nặng cho ngành y tế Việt Nam, đặc biệt là bệnh không lây nhiễm.

Tại Việt Nam, 73,8% ca tử vong do bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, hô hấp mạn tính, tâm thần. Trong khi đó, yếu tố chính đối với mô hình bệnh tật này là dinh dưỡng, thuốc lá, rượu bia. Ước tính có 40.000 ca tử vong/năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá ở Việt Nam.

Theo bà Hương, Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Mặc dù tỷ lệ hút thuốc giảm nhưng số người sử dụng thuốc lá gia tăng từ 15,3 triệu người trưởng thành (2010) lên 15,6 triệu người (2015). Sản lượng tăng từ 4.355 triệu bao (2008) lên 7.533 triệu bao (2023)….

Thuế tăng giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá từ 5% - 8%. Ảnh minh hoạ

Cần tăng giá bán lẻ rượu bia, thuốc lá

Tại hội thảo, Ths. Nguyễn Tuấn Lâm chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, xu hướng sử dụng các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia và đồ uống có cồn đang tăng lên.

"Năm 2010, mỗi người Việt Nam tiêu thụ trung bình 6,6 lít cồn nguyên chất, năm 2019 tăng thành 9,3 lít. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành năm 2021 là 41,1%. Nếu không có các biện pháp can thiệp tỷ lệ này có thể tăng lên 43% vào năm 2030", ông Lâm nói.

WHO khuyến nghị cần tăng giá bán lẻ ít nhất 10%. Bộ Tài chính và Bộ Y tế cũng đề xuất lộ trình tăng giá bán rượu bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của WHO, nhằm giảm tỷ lệ sử dụng và ngăn tác hại sức khỏe.

Với thuốc lá, để giảm tỷ lệ tiêu dùng theo đúng mục tiêu tại Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá, WHO đưa ra phương án, mức tăng thuế đối với thuốc lá bắt đầu từ 5.000 đồng/hộp và đến năm 2030 đạt 15.000 đồng/hộp. Theo tính toán, mức tăng này cũng làm ngân sách nhà nước thu thêm được khoảng 37 nghìn tỷ đồng.

Theo đại diện của WHO, việc tăng thuế thuốc lá không phải là nguyên nhân dẫn đến buôn lậu, điều này được chứng minh từ thực tế thời gian qua tại Việt Nam cũng như ở nhiều nước. Tăng thuế cũng không ảnh hưởng tới việc làm, ngược lại còn làm tăng việc làm ở các ngành khác.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đưa ra hai phương án tăng thuế đối với thuốc lá:

Phương án 1: Mức thuế tuyệt đối năm đầu thực hiện (2026) là 2.000 đồng/hộp, sau đó mỗi năm tăng thêm 2.000 đồng để đến năm 2030 đạt 10.000 đồng/hộp.

Phương án 2: Mức thuế tuyệt đối năm đầu thực hiện (2026) là 5.000 đồng/hộp, sau đó mỗi năm tăng thêm 1.000 đồng để đến năm 2030 đạt 10.000 đồng/hộp.

Với nhóm rượu bia, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tăng thuế:

Phương án 1: Giá bán năm 2026 tăng 2-3% so 2025, các năm tiếp theo giá bán tăng 2-3%/năm so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập.

Phương án 2: Giá bán năm 2026 tăng 10% so 2025, các năm tiếp theo giá bán tăng 2-3%/năm so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập.

Thuế tăng giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá từ 5% - 8%

Trước những đề xuất cũng như nhận định về tác hại của thuốc lá và bia rượu, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định thuế là giải pháp hữu hiệu nhất để Việt Nam đạt mục tiêu kép về giảm tiêu dùng, giảm bệnh tật và tử vong, đồng thời giúp tăng cho ngân sách nhà nước. Theo ước tính, nếu thuế thuốc lá tăng 10% thì sẽ làm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá từ 5% - 8%.

Bộ Y tế đề nghị cơ quan soạn thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nghiên cứu, bổ sung thuế tuyệt đối cùng với thuế theo tỷ lệ để chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp. Tăng thuế theo lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 70-75% giá bán lẻ như khuyến cáo của WHO.

Các đề xuất này được đưa vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự kiến tháng 10 lấy ý kiến Quốc hội và thông qua vào tháng 5/2025.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu