18:09 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với hơn 300 nông dân xuất sắc

Minh Anh (tổng hợp) | 09:16 29/09/2020

(THPL) - Chiều ngày 28/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi đối thoại với khoảng 400 đại biểu, trong đó hơn 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu trên cả nước tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Đây là cuộc đối thoại lần thứ 3 của Thủ tướng với nông dân, sau lần đầu tại Hải Dương năm 2018, lần hai tại Cần Thơ năm 2019.

Theo đó, đã có hơn 1.400 câu hỏi của nông dân cả nước, trong đó đa số là câu hỏi của nông dân miền Trung-Tây Nguyên gửi tới cuộc đối thoại. Tại hội trường, các nông dân đã trực tiếp đặt ra 22 câu hỏi đối với Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành.

Là người đầu tiên đặt câu hỏi với Thủ tướng, nông dân Đỗ Quý Toán, ở thôn Tân Lập, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, chuyên sản xuất cà phê chồn theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Lộc Trời cho biết, vừa qua, lô cà phê đầu tiên đã được xuất khẩu sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu, với thuế suất 0%. Đây là cơ hội tốt mở ra cho ngành sản xuất, chế biến cà phê, nhất là khi trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ có cà phê Buôn Ma Thuột. “Xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ có giải pháp gì để phát triển ngành chế biến, xuất khẩu cà phê bền vững?”

Anh Toán phản ánh, thời gian qua, giá cà phê xuống rất thấp, khiến nông dân nhiều địa phương lo lắng, muốn chặt đi để trồng cây khác và nêu câu hỏi: “Xin Thủ tướng cho biết, người trồng cà phê chúng tôi có nên tiếp tục duy trì cây trồng gắn với lịch sử, văn hóa của Tây Nguyên hay không?”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cà phê là sản phẩm chủ lực chiến lược của Việt Nam, chất lượng cà phê Việt Nam rất tốt, được thế giới đánh giá cao. “Vì vậy, tôi khuyên bà con chúng ta vẫn tiếp tục trồng cà phê. Tuy nhiên, phải quy hoạch vùng trồng cho rõ ràng”. Nông dân không được tiếp tục phá rừng tự nhiên để trồng cà phê. Về phía Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tiếp tục mở rộng ổn định thị trường, cấp vốn để tái canh cà phê, nâng cao chất lượng tái canh.

Bên cạnh đó, chúng ta phải đẩy mạnh chế biến sâu, hiện nay, tỉ lệ chế biến sâu mới đạt 12%, còn lại chủ yếu là sản xuất thô, cùng với đó quy hoạch vùng trồng nơi nào phù hợp nhất. Trách nhiệm của nông dân và doanh nghiệp là phải giữ vững thương hiệu cà phê Tây Nguyên. Cà phê Tây Nguyên là thương hiệu quý hơn vàng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi đối thoại (Nguồn: VGP)

Theo báo Chính phủ, không chỉ khâu sản xuất, nhiều ý kiến nông dân thể hiện quan tâm đến cả lĩnh vực chế biến. Nông dân Phạm Lê Mạnh, ở xã Ea Riêng, huyện M'drắk, tỉnh Đắk Lắk, cho rằng Tây Nguyên có tới 2 triệu ha đất canh tác nông nghiệp với một loạt nông sản chủ lực, nhưng lại có rất ít nhà máy chế biến nông sản. “Xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ sẽ có giải pháp gì để xây dựng, mở rộng nhiều nhà máy chế biến nông sản ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, biến Tây Nguyên thành khu vực công nghiệp chế biến nông sản lớn của cả khu vực Đông Nam Á?”

Ghi nhận ý kiến của anh Phạm Lê Mạnh, Thủ tướng cho biết, những năm qua, công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam đã có tiến bộ. Ví dụ như trong năm nay, chúng ta khánh thành 15 nhà máy chế biến nông sản, trong đó có nhà máy chế biến thịt gà đứng vào tốp lớn nhất thế giới… Dù vậy, dư địa về phát triển chế biến nông sản của Việt Nam còn rất lớn.

Về giải pháp, Thủ tướng khẳng định sẽ tạo mọi cơ chế chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường và đầu tư vào chế biến nông sản. “Ai làm chế biến nông sản thì Trung ương sẽ hỗ trợ về vốn và địa phương sẽ hỗ trợ mặt bằng”, Thủ tướng khẳng định. Nhưng quan trọng, muốn phát triển được chế biến nông sản thì không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà chúng ta phải sản xuất có quy hoạch. Nếu như tỉnh Đắk Lắk không tổ chức quy hoạch sản xuất được thì kêu gọi tất cả các tỉnh, thành phố khác cùng bắt tay tham gia phát triển. Phát triển nông nghiệp chế biến là hướng đi đúng giúp nâng cao giá trị nông nghiệp của Việt Nam.

“Để sản xuất nông nghiệp tốt hơn, làm ra nông sản sạch, an toàn hơn thì thời gian tới đây Chính phủ, các bộ ngành có giải pháp nào triệt để hơn để chấm dứt tình trạng phân bón giả?”, chị Trần Thị Hoàng Anh, HTX mật ong Phương Di, xã Ia Der, huyện Ia Grai, Gia Lai, liên kết với doanh nghiệp trồng 600 ha điều hữu cơ, nuôi ong lấy mật, chứng nhận hữu cơ, đặt câu hỏi.

Thủ tướng trả lời, nhấn mạnh việc điều tra truy tố nghiêm khắc nhất theo Bộ luật Hình sự đối với những tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón giả.

Liên quan đến vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, 4 năm trước chúng ta có chưa đến 80.000 tấn phân bón hữu cơ thì đến nay chúng ta có gần 4 triệu tấn phân hữu cơ. Đó là một sự thay đổi rất lớn về nhận thức. Nông nghiệp hữu cơ trong 4 năm qua có bước phát triển rất mạnh.

Đến giờ phút này, nước ta có 125.000 ha gieo trồng trồng nông nghiệp bằng phương thức hữu cơ. Và năm ngoái, chúng ta đã xuất khẩu 353 triệu USD nông sản hữu cơ đi 80 nước. Điều đó chứng minh rằng chúng ta đang vận hành một nền nông nghiệp văn minh, một nền nông nghiệp sạch, ổn định. Tuy nhiên, không phải tất cả đã tốt rồi, còn nhiều chỗ chúng ta cần phải tiếp tục chấn chỉnh, kể cả những đơn vị sản xuất phân bón, kể cả quy trình ứng dụng…”.

Ngoài ra, cuộc đối thoại cũng tập trung vào thảo luận những vấn đề lớn như: tiêu thụ nông sản, phát triển thị trường, vấn đề đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, bảo đảm nông thôn văn minh, hiện đại; vấn đề vốn, chống tín dụng đen, di dân tự do…

Báo Vnexpress cho hay, kết luận tại buổi trao đổi, Thủ tướng hoan nghênh nhà đầu tư, doanh nghiệp phối hợp giúp nông nghiệp phát triển. Hiện nay đã có nhiều chương trình hỗ trợ, đầu tư hạ tầng, chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là chương trình hỗ trợ giống, vật nuôi, thiên tai, lũ lụt, hỗ trợ tín dụng cùng các chính sách liên quan.

Thủ tướng nhấn mạnh, yếu tố quyết định chính là ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp như robot, tự động hóa, máy bay không người lái... để nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chính phủ, các bộ ngành cần quan tâm xử lý, giải quyết, tạo điều kiện cho nông nghiệp nông thôn, nông dân nâng cao thu nhập, phát triển bền vững; chính sách về tín dụng phải đẩy mạnh ở vùng nông thôn, vùng nhiều thiên tai, bệnh tật xảy ra; giải quyết vấn đề đất đai cho nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, có đất sản xuất; kêu gọi, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư việc chế biến ở những vùng có điều kiện, trách tình trạng được mùa rớt giá, được giá mất mùa.

Các bộ ngành tiếp tục hướng dẫn thị trường tiêu thụ nông sản cùng với bà con; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong bối cảnh Covid-19 với hình thức thích hợp; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo điều kiện, chính sách chế độ ở nông thôn thuận lợi hơn.

Cơ quan chức năng khẩn trương giải quyết các vấn đề bức xúc mà nông dân đã nêu ra trong buổi đối thoại lần này, theo hướng ưu tiên những vấn đề tháo gỡ được thì phải làm trên tinh thần cởi mở, minh bạch.

"Những kiến nghị, thắc mắc của nông dân trong buổi đối thoại hôm nay, là dịp để chúng ta nghiên cứu đưa nội dung đó vào dự thảo văn kiện, với tư cách nông dân chiếm trên 65% dân số cả nước", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Minh Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu