Thủ tướng đề nghị các chuyên gia kiều bào góp sức để Việt Nam làm chủ những công nghệ chiến lược
(THPL) - Thủ tướng đề nghị các chuyên gia đề xuất, tham gia xây dựng, triển khai các dự án, chương trình cụ thể để phục vụ cho "những bước đi ban đầu" để triển khai các dự án lớn của đất nước, làm chủ công nghệ trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Chiều ngày 10/6, (theo giờ địa phương), tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp, làm việc với đại diện các chuyên gia, trí thức kiều bào tại nước này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: VGP
Tại buổi gặp gỡ, các trí thức kiều bào đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, đề xuất thiết thực để Việt Nam tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, đón đầu bước phát triển trong các lĩnh vực trọng tâm, có khả năng mang lại sự phát triển bứt phá cho đất nước như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, năng lượng hạt nhân, đường sắt cao tốc.
Trong đó, ông Bùi Nguyễn Hoàng, đại diện Mạng lưới chuyên gia Việt Nam tại Pháp trong lĩnh vực hạt nhân (VietNuc) đánh giá cao Đảng, Nhà nước ta đã có chiến lược đúng đắn về phát triển điện hạt nhân, giúp bảo đảm an ninh năng lượng, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp và công nghệ cao.
Trong phát triển năng lượng hạt nhân, an toàn hạt nhân là yếu tố tiên quyết, với 3 trụ cột về công nghệ, tổ chức và nhân lực. Mạng lưới VietNuc, với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đang công tác tại các viện nghiên cứu, tập đoàn năng lượng của Pháp và một số nước châu Âu, mong muốn đồng hành cùng các cơ quan trong nước để phát triển ngành năng lượng hạt nhân của Việt Nam.

Tương tự, GS. Nguyễn Văn Tâm, Chủ nhiệm khoa Khoa học máy tính và Mạng, Đại học Télécom Paris, nêu một số đề xuất Việt Nam có thể bắt kịp và dẫn dắt làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu trong 10-20 năm tới.
Thứ nhất là phát triển con người – đào tạo nhân tài AI đẳng cấp quốc tế. Thứ hai là phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ AI, thành lập 3 cụm AI mang tầm quốc tế tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó mỗi cụm là một hệ sinh thái toàn diện. Thứ ba là tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm, như AI cho thiết kế vi mạch, AI cho y tế và AI cho khoa học nhận thức.
Giáo sư Tâm cho rằng việc định hướng phát triển đúng đắn, đầu tư sớm ngay từ bây giờ sẽ giúp định hình tương lai công nghệ và xã hội của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới, tạo cơ hội để chúng ta không chỉ bắt kịp mà còn dẫn dắt xu thế toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sẽ bảo đảm bố trí ít nhất 3% ngân sách cho khoa học và công nghệ, trong đó dự kiến sẽ dành 40-50% ngân sách khoa học - công nghệ cho 11 lĩnh vực công nghệ chiến lược, trong đó có các lĩnh vực được các chuyên gia trao đổi.
Do đó, Bộ trưởng kỳ vọng một số hướng đi với các chuyên gia để giúp đất nước: Về nước và trở thành các chuyên gia đầu ngành dẫn dắt trong lĩnh vực chuyên môn; ở lại Pháp và nhận công việc; tư vấn chiến lược.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ hết sức trân trọng, cảm ơn các chuyên gia đã chia sẻ về các công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, thể hiện nhiệt huyết, tinh thần sẵn sàng cống hiến cho đất nước; đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Bộ KH-CN khẩn trương trình danh mục công nghệ chiến lược.
Thủ tướng cho biết, chúng ta quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; trong quá trình đó không thể không độc lập, tự chủ về công nghệ. Đồng thời, để tăng trưởng 2 con số trong những năm tới thì không thể không phát triển đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, với lộ trình phù hợp, hiệu quả và ngắn nhất có thể.
Do đó, chúng ta đang chuyển trạng thái trong triển khai các dự án lớn, từ mô hình EPC (các đối tác thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công công trình) sang chuyển giao, nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ.
Trong một cuộc gặp ngắn không thể giải quyết tất cả các vấn đề, Thủ tướng mong các chuyên gia tiếp tục góp ý, phản biện vào các vấn đề mấu chốt trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược: tham khảo kinh nghiệm các nước để xây dựng, hoàn thiện thể chế bảo đảm thông thoáng, biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh.
Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, lựa chọn công nghệ phù hợp; phát triển hạ tầng bảo đảm tối ưu nhất, đầu tư ít nhất nhưng hiệu quả cao nhất, vừa giải quyết được bài toán trước mắt và lâu dài; xây dựng hệ sinh thái đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng đề nghị các chuyên gia đề xuất, tham gia xây dựng, triển khai các dự án, chương trình cụ thể phục vụ cho "những bước đi ban đầu" để triển khai các dự án lớn của đất nước, làm chủ công nghệ trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…; tương tự dự án đào tạo 100 chuyên gia trí tuệ nhân tạo của GS Nguyễn Văn Tâm.
Nhấn mạnh đây là những việc mà "chúng ta phải làm, hiện đang làm và làm thì phải thắng, phải thành công", Thủ tướng cho biết sẽ đặt hàng các dự án cụ thể với các chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác với các nước để làm. "Về ngân sách, các bạn giúp đất nước bao nhiêu thì quý bấy nhiêu, còn lại thì sẽ thanh toán", Thủ tướng nói.
Minh Anh
Tin khác
Quảng Ninh kiểm tra việc vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Chính phủ quyết định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng
Gạo Việt vươn lên nhờ lợi thế giá và chất lượng
Đèo Cả chuẩn bị kỹ lưỡng để nhập cuộc các dự án giải đường sắt
Siết chặt trách nhiệm người nổi tiếng trong hoạt động quảng cáo
"Tín ngưỡng Việt - Hồn thiêng dân tộc" - Kỷ niệm 7 năm thành lập Viện Nghiên cứu và phát triển Đạo Mẫu Việt Nam
Tiết lộ bước đi chiến lược quan trọng của NDA
(THPL) - Hai nền tảng công nghệ cốt lõi về Blockchain là bước đi chiến lược của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia (NDA), giúp Việt Nam sở hữu hạ...16/06/2025 20:39:19Thanh toán không dùng tiền mặt trên kênh số đạt 4,5 tỷ giao dịch
(THPL) - Trong 5,5 tỷ giao dịch thanh toán không tiền mặt trong quý I/2025, Việt Nam đã có 4,5 tỷ giao dịch trên kênh số.16/06/2025 16:27:40Thanh Hóa: Tăng cường đảm bảo an ninh cho sân bay Thọ Xuân
(TH&PL) - Trước thực trạng vật thể bay không người lái xâm phạm trái phép, ảnh hưởng đến an ninh khu khu vực sân bay, các lực lượng có liên...16/06/2025 20:26:57Biển số xe các địa phương được giữ nguyên sau sáp nhập
(THPL) - Theo Cục CSGT, sau khi hợp nhất các địa phương, biển số xe các địa phương được giữ nguyên, đối với các địa phương được sáp...16/06/2025 16:56:01
ĐỌC NHIỀU NHẤT
Quảng bá thương hiệu Việt
-
Ngân hàng Lộc Phát (LPBank): Ghi dấu ấn với Tổng đài đa kênh thông minh tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2025
- Điểm danh những “tọa độ” hot nhất Đà thành dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5
- Cầu Ngọc Hồi chuẩn bị khởi công: khẳng định xu hướng ở ngoại ô, làm...
- “Bỏ túi” cách bảo vệ sức khỏe vừa tiết kiệm, vừa mang lại hiệu...