12:11 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thị trường bia Việt: "Mảnh đất màu mỡ" thu hút doanh nghiệp ngoại

| 09:23 24/09/2017

(THPL) - Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam được ví như "cục nam châm" thu hút hầu hết các "đại gia" bia ngoại, khiến thị trường bia trong nước đang có sự cạnh tranh hết sức khốc liệt để giành giật “miếng bánh” thị phần.

Cùng với chính sách thoái vốn nhà nước mạnh mẽ tại hai doanh nghiệp bia lớn là Habeco và Sabeco, tham vọng thống lĩnh thị trường bia Việt càng trở nên sáng sủa hơn bao giờ hết cho các doanh nghiệp ngoại.

Thị trường tiềm năng

Với mức thu nhập trung bình và nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao, Việt Nam đang dần trở thành một trong những thị trường tiêu dùng hấp dẫn nhất trên thế giới. Người Việt cũng ngày càng chú trọng hơn tới chất lượng của các mặt hàng, đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn, tạo ra một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất trong và ngoài nước.

Với sản lượng tiêu thụ bia năm 2016 đạt 3,8 tỷ lít, Việt Nam đã trở thành quốc gia tiêu thụ bia dẫn đầu khu vực ASEAN, đứng thứ ba ở châu Á. Tính trung bình mỗi người Việt uống khoảng 41 lít bia/năm, khiến sản lượng ngành bia Việt Nam trong 10 năm qua luôn tăng trưởng từ 5 đến 10%/năm.

Thị trường bia Việt Nam hiện đang nằm dưới sự chi phối của các thương hiệu bia trong nước như Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Tuy nhiên, chủ trương bán phần lớn số cổ phần của Sabeco và Habeco trong thời gian này tạo thêm động lực cho nhiều hãng bia trên thế giới muốn "nhảy" vào thị trường Việt Nam.

Dây chuyền sản xuất bia của Công ty Habeco. Ảnh: Nhân dân

Với Habeco, trước khi tiến hành cổ phần hoá, IPO hồi năm 2008, đơn vị này đã ký kết đối tác chiến lược với Carlsberg. Do đó, khi tiến hành tiếp tục thoái vốn nhà nước lần này, đương nhiên đối tác chiến lược của họ được quyền ưu tiên mua cổ phần với một thỏa thuận có nhiều ưu đãi.

Sau 9 phiên đàm phán giữa Habeco và Carlsberg cho tới thời điểm này, hai bên vẫn chưa chốt được phương án cuối cùng bởi những vướng mắc về cơ chế khi Carlsberg muốn mua ít nhất 51% cổ phần. Nhưng quy định của nhà nước không cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua quá 49% cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.

Trong khi đó các ngành nghề kinh doanh của Habeco lại bao gồm: Lương thực, bất động sản và rượu - bia - nước giải khát - là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều đó ngăn cản “tham vọng” chi phối Habeco - doanh nghiệp chiếm gần 19% thị phần bia của Việt Nam của đại gia nước ngoài Carlsberg.

Phó Tổng Giám đốc Habeco, ông Vương Toàn cho biết “sẽ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề đàm phán với Carlsberg trước ngày 15.11.2017”.

Nếu không giải tỏa được vướng mắc này, mục đích chi phối không đạt được, rất có khả năng Carlsberg sẽ bớt mặn mà với việc mua lại cổ phần tại Habeco. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới quá trình thoái vốn nhà nước tại Habeco mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới Sabeco, bởi dù phương án thoái vốn nhà nước tại Sabeco không vướng ràng buộc với đối tác chiến lược nhưng sự vướng mắc về cơ chế chung sẽ không tạo nên sức hút đặc biệt với nhà đầu tư lớn.

Trong khi đó, tỉ lệ vốn hóa của cả Habeco và Sabeco lên tới gần 19 nghìn tỉ đồng và hơn 150 nghìn tỉ đồng, do vậy nhà đầu tư nào muốn sở hữu lượng lớn cổ phần tại hai đơn vị này, thậm chí với tham vọng nắm giữ được lượng cổ phần chi phối thì cũng cần tới khoảng 10 nghìn tỉ đồng với Habeco và hơn 75 nghìn tỉ đồng đối với Sabeco.

Thách thức ngay trên sân nhà

Trong những năm gần đây, sự xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu bia quốc tế tại Việt Nam đã khiến cho sự cạnh tranh trên thị trường bia ngày càng trở nên khốc liệt, đặc biệt là trong phân khúc bia cao cấp. Có thể thấy, thị trường bia Việt Nam đang trở nên chật chội hơn khi đã có hơn 30 hãng bia lớn trên thế giới góp mặt. Đến nay, bia ngoại không chỉ đơn thuần được nhập khẩu mà DN nước ngoài còn tìm đến Việt Nam để xây dựng nhà máy và sản xuất nhằm mục đích tiếp cận thị trường nội địa hiệu quả hơn và tận dụng lợi thế về chính sách thuế.

Trước sự tấn công mạnh mẽ của các thương hiệu ngoại, đương nhiên các nhà sản xuất bia “nội” không thể ngồi yên nhường thị phần cho những “kẻ mới”. Trong năm qua, để ứng phó với Anheuser-Busch InBev và Sapporo, Sabeco và Habeco đã tập trung mở rộng thị trường phân phối xuống tận các khu vực nông thôn. Hiện tại, năng lực sản xuất của Sabeco và các công ty con, công ty liên kết là khoảng 1,7 tỷ lít/năm, còn Habeco với hệ thống của mình có năng lực sản xuất hơn 900 triệu lít/năm.

Theo Tổng Giám đốc Habeco Nguyễn Hồng Linh, trước sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ với sự góp mặt của các hãng bia lớn trên thế giới, hơn lúc nào hết đòi hỏi các DN sản xuất bia Việt Nam phải đa dạng hóa sản phẩm theo hướng cho ra đời các sản phẩm cao cấp, cận cao cấp với bao bì, mẫu mã đẹp, hiện đại và tiện ích.

Hiện Habeco là một trong những DN dẫn đầu ngành sản xuất bia tại Việt Nam với sản lượng bia mỗi năm đạt gần 700 triệu lít, chiếm gần 25% sản lượng tiêu thụ nội địa của toàn hệ thống cùng gần 700 nhà phân phối chính trải rộng trên cả nước. Trong phân khúc trung và cao cấp, sản lượng tiêu thụ của các loại bia Hà Nội tiếp tục tăng trưởng và chiếm ưu thế trên thị trường. Có được thành công đó, phần nhiều là do sự đổi mới tư duy, không ngừng sáng tạo trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường của ban lãnh đạo cũng như tập thể cán bộ, công nhân viên Habeco.

Nhìn vào thực tế của thị trường bia trong nước, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt cho rằng, trước đây bia Việt Nam gần như độc chiếm thị trường, song thời gian gần đây thị phần của các DN bia “nội” có xu hướng giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do mở cửa hội nhập, đồng thời bia ngoại phát triển mạnh do là những thương hiệu mạnh, tài chính tốt, kinh nghiệm quảng cáo và tiếp thị giỏi,…

Mặc dù có lợi thế truyền thống sử dụng bia “nội” của người tiêu dùng nhưng bia Việt cần nỗ lực nhiều hơn để nâng cao chất lượng, giá cả cạnh tranh nhằm giữ vững thị trường. Bởi cũng như ngành bán lẻ, việc mua số lượng lớn cổ phần các công ty bia nội để tham gia ngay vào thị trường là chiến lược đúng hướng mà các tập đoàn nước ngoài đang nhắm đến. Không những sở hữu được mấy chục nhà máy bia công suất lớn với khối tài sản hấp dẫn mà các hãng bia ngoại còn nhắm đến hệ thống phân phối rộng khắp, lâu đời của các hãng bia trong nước.

Anh Thư (T.H)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu