05:17 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Huyện Thạch An: Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nhanh và bền vững

Mộc Trà | 10:43 06/10/2024

(THPL) - Xác định rõ tầm quan trọng của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng đã chủ động khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung. Trong đó, tập trung hỗ trợ nhân dân thay đổi tư duy làm kinh tế, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển hiệu quả và bền vững.

Thạch An là huyện miền núi, biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng với 13 xã, 1 thị trấn, trong đó có 11 xã và 1 thị trấn thuộc khu vực III, 69/95 xóm đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 5 dân tộc sinh sống gồm Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh với dân số 31.518 người, 3.720 hộ nghèo, chiếm 46,7%. Do địa bàn huyện bị chia cắt phức tạp, dân cư phân tán, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từng bước giúp người dân cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững, huyện đã huy động mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG. Trong đó gồm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hình ảnh thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An) góc nhìn từ trên cao (Ảnh: Báo Cao Bằng)

Để triển khai thực hiện các chương trình, UBND huyện Thạch An đã ban hành quyết định, lên kế hoạch, công văn giao nhiệm vụ, hướng dẫn đôn đốc các phòng, ban, xã, thị trấn thực hiện chương trình một cách căn cơ và bài bản. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị triển khai các công việc nhanh chóng và đạt hiệu quả cao nhất.

Việc tuyên truyền, vận động đã mang lại hiệu quả trong nhận thức và tư duy của cán bộ, công chức, nhân dân và các thành phần kinh tế trên địa bàn về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Người dân các xã đã nhận thức rõ hơn về lợi ích, trách nhiệm và tự giác tham gia: Bàn bạc, trao đổi, thống nhất phương án thực hiện; trực tiếp theo dõi, quản lý, giám sát công trình xây dựng trên địa bàn; chỉnh trang nhà ở, cổng, sân vườn, xóm, ngõ; khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường nơi ở; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình; đóng góp ngày công, vật liệu, tiền của để thực hiện xây dựng các công trình đường.

Trong công tác xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Đức Long và xã Lê Lai giữ vững danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới; 1 xã đạt 17 tiêu chí thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (xã Đức Xuân); 10 xã đạt từ 10-12 tiêu chí; không còn xã dưới 10 tiêu chí, bình quân toàn huyện đạt 12,7 tiêu chí/xã.

Những con đường được bê tông hóa từ chương trình "Nông thôn mới" tại các xã tại Thạch An (Ảnh: Báo Cao Bằng)

Về với quê hương Thạch An hôm nay có thể thấy hạ tầng giao thông các xã đã được khoác lên màu áo mới, các tuyến đường giao thông thôn, xóm được duy tu, bảo dưỡng, kiên cố hóa, đảm bảo an toàn, không lầy lội vào mùa mưa và có hệ thống điện chiếu sáng xuyên suốt. Hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng được cải tạo, các kênh mương tưới, tiêu đảm bảo dòng chảy thông thoáng, đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu sản xuất, dân sinh…

Góp phần tạo nên những đổi thay tích cực ấy không thể không nhắc đến vai trò của Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Thạch An. Những năm qua, khi được UBND huyện giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư hầu hết các công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn, Ban Quản lý Dự án huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý các dự án, góp phần đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả các công trình. Hiện tại, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội của huyện ngày càng được hoàn thiện; nhiều công trình phúc lợi công cộng như trụ sở UBND, trường học, trạm y tế… được đầu tư xây mới, nâng cấp đảm bảo tính kiên cố, thuận tiện và đạt chuẩn theo tiêu chí xây dựng NTM.

Thành công trong xây dựng NTM ở Thạch An còn phải kể đến việc huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, trong đó, chú trọng phát triển các cây trồng đặc hữu thành hàng hóa phát triển kinh tế - xã hội. Cây thạch đen, cây lê vàng, cây hồi, cây quế, bí hương… đặc biệt là cây thạch đen được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của huyện Thạch An và là cây trồng được nhiều hộ dân lựa chọn để thoát nghèo.

Nhiều hộ dân các xã đã mạnh dạn đầu tư máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất tham gia vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bước đầu huyện đã hình thành chuỗi liên kết giá trị; thực hiện dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc đối với cây lê, thạch đen… Việc chăn nuôi cũng có sự chuyển dịch rõ nét, từ tự cung, tự cấp tại các hộ gia đình, đến nay một số hộ đã chuyển sang mô hình chăn nuôi tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hình ảnh Các lực lượng chức năng cùng nhân dân trên địa bàn cùng nhau xây dựng Nông thôn mới

Chị Nông Thị May, xã Trọng Con, một trong những hộ trồng thạch đen điển hình của xã chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi quanh năm trồng ngô, lúa nên chỉ đủ ăn, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Từ nhiều năm trở lại đây, gia đình tôi chuyển dần diện tích trồng ngô, tận dụng thêm diện tích đất đồi để trồng thạch đen. Từ vài nghìn m2 ban đầu, hiện nay gia đình mỗi năm trồng hơn 1 ha thạch đen ở ruộng và trên rẫy, thu nhập trung bình hơn 100 triệu đồng/năm. Nhờ trồng thạch đen, kinh tế gia đình đã có bước phát triển rõ rệt, có tiền mua sắm thiết bị tiện nghi trong sinh hoạt. Từ kinh nghiệm thực tế có được, gia đình tôi đã hỗ trợ và giúp đỡ các hộ gia đình khác cùng nhau phát triển, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bên cạnh việc hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Thạch An cũng được các cấp lãnh đạo chú trọng và thực hiện tương đối tốt. Đồng bào các dân tộc huyện Thạch An rất phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc thường xuyên chăm lo cả về vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Chính quyền các cấp đã tạo điều kiện, huy động mọi nguồn lực, thực hiện tốt các chính sách kinh tế của Nhà nước để phát triển, nhờ đó cuộc sống của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện và nâng cao.

Là người chứng kiến sự "thay da, đổi thịt" của quê hương từng ngày, đồng chí Nông Thế Phúc, Chủ tịch UBND huyện Thạch An cho biết: Những thành quả đạt được là kết quả của cả một quá trình phấn đấu nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các thế hệ người dân Thạch An. Những kinh nghiệm rút ra trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo như là bài học quý để địa phương vững tin viết tiếp những thành tựu mới trên chặng đường dài phía trước.

Theo đó huyện Thạch An tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh triển khai tốt các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương; ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện nhiều mô hình, dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững; tăng cường huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn.

Với hành trang là những thành tựu đạt được cùng sự đoàn kết, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch An sẽ phát huy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, xây dựng quê hương Thạch An ngày càng giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.

Mộc Trà

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu