04:42 ngày 06/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Cao Bằng đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

09:59 24/04/2024

(THPL) - Thời gian qua, các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả ba chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Quá trình thực hiện đã phát huy hiệu quả, tích cực, giúp cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững. Kết quả thực hiện các chương trình đã giúp các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi diện mạo, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng ngày càng khởi sắc.

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc với diện tích đất tự nhiên 6.690,72 km², là cao nguyên đá vôi xen lẫn núi đất. Là một trong số ít các tỉnh miền núi phía Bắc có tỉ lệ đồng bào các dân tộc ít người cao tới gần 95% dân số toàn tỉnh, với 34 thành phần dân tộc, nhưng chủ yếu chỉ có 08 dân tộc cùng sinh sống lâu đời (Tày chiếm 40,84%; Nùng 29,81%; Mông 11,65%; Dao 10,36%; Kinh 5,12%; Sán Chỉ 1,49%; Lô Lô 0,54%; Hoa 0,02%; dân tộc khác 0,17%). Toàn tỉnh gồm 10 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 7 huyện biên giới và 7 huyện nghèo (theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022); có 161 xã, phường, thị trấn, trong đó có 37 xã biên giới, 126 xã đặc biệt khó khăn và 996 thôn đặc biệt khó khăn.

Với mục tiêu đề ra trong thực hiện 03 chương trình MTQG là khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của từng địa phương; thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều; tiếp tục xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế nông thôn, vùng dân tộc thiểu số đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đồng bộ; hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước… Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình đã được tập trung triển khai thực hiện. Điều đầu tiên mang tính quyết định để việc triển khai thực hiện mang lại hiệu quả là ban chỉ đạo các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 các cấp và tổ công tác của các chương trình sớm được thành lập, kiện toàn, đảm bảo cho hoạt động điều hành và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, điều hành theo đúng quy định của Trung ương.

Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng: Đài phát thanh và Truyền hình, Báo Cao Bằng; phổ biến qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo đối thoại chính sách tại cấp xã, huyện, tỉnh; qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ thực hiện chương trình MTQG ở các cấp và ý thức trách nhiệm tự lực vươn lên của người dân.

Thực hiện các Quyết định giao vốn của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn chương trình MTQG, các sở, ngành chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các Nghị quyết phân bổ vốn thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cho các đơn vị thực hiện đảm bảo tiến độ, thời gian, tiêu chí. Đến nay, các đơn vị, địa phương đã cơ bản hoàn tất việc phân bổ, giao vốn đầu tư trung hạn cho các cấp trực thuộc để tổ chức thực hiện.

Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn là hơn 6.624 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư ngân sách Trung ương (NSTW) hơn 4.706 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh hơn 253 tỷ đồng. Nguồn vốn này phân bổ cho chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng vào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 2.815 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 1.724 tỷ đồng, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hơn 419 tỷ đồng.

Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ tại xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình được triển khai từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2021- 2023, việc thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc thực hiện mục tiêu mà các chương trình MTQG đề ra, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực về kinh tế- xã hội. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh có có 17/139 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã dưới 05 tiêu chí; tiêu chí bình quân đạt 10,19 tiêu chí/xã; có 16 xóm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong năm 2023, hộ nghèo toàn tỉnh Cao Bằng đã giảm 5.349 hộ (4,23%), đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 28,94% xuống còn 24,71%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo bình quân giảm 5,65%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,21%.

Riêng với chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đây là chương trình mới bởi vậy trong quá trình triển khai thực hiện ít nhiều còn lúng túng. Tuy nhiên những kết quả đạt được đáng ghi nhận, cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân giảm 4%/năm; diện tích đường giao thông cơ bản được nhựa hóa/bê tông hóa; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%; trên 80% phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 3 lần trong thai kỳ, sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; trên 3.000 lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số…

Có thể thấy, những kết quả trên đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương. Chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, nổi bật nhất là việc bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, hàng loạt lễ hội truyền thống tốt đẹp được tổ chức bài bản ở khắp các vùng quê. Cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được hoàn thiện, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả kết quả đã đạt được, đồng thời hoàn thành các mục tiêu đề ra, thời gian tới, các bộ phận chức năng có liên quan cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG; tiếp tục rà soát, kiện toàn, tăng cường hoạt động, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo chương trình MTQG các cấp để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 03 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Sử dụng có hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước; huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để thúc đẩy hoàn thành các dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cơ sở; tăng cường sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo tồn phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, khu vực đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, khu vực biên giới. Thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, thông tin tuyên truyền. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện các chính sách, dự án của từng chương trình … với tinh thần quyết liệt, khẩn trương và hiệu quả cao nhất nhằm hiện thực hóa mục tiêu đề ra.

Lê Thị Thư - Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, tỉnh Cao Bằng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu