08:15 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nguyễn Văn Khương - Nghệ nhân phục dựng kiến trúc cổ tài hoa vùng đất Nam Định

Quang Bình | 20:43 27/03/2021

(THPL) – Gắn bó với nghề hơn 30 năm và mong muốn phát huy nghề phục dựng kiến trúc cổ truyền thống của cha ông, nghệ nhân Nguyễn Văn Khương đã tìm tòi hướng đi mới, đó là phục dựng những ngôi nhà cổ, đồng thời xây dựng nhiều công trình theo lối nhà cổ.

Đền, chùa, miếu mạo....xưa nay là một phần không thể thiếu trong tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam. Mái ngói, rêu phong…hoa văn độc đáo cùng với đó là dáng vẻ cổ kính, trang nghiêm như tô đậm thêm khung cảnh bình yên của làng quê Việt. Từ đôi bàn tay khéo léo của cha ông, những ngôi đền, ngôi chùa cổ mang nét đẹp văn hóa của dân tộc đã ghi lại những dấu mốc lịch sử, như những chứng nhân cho sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt.

Công trình chùa Phúc An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định do nghệ nhân Nguyễn Văn Khương thi công.

Với dòng chảy của thời gian cùng biến cố lịch sử, nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng và để lại những vết “sẹo” của thời gian. Những giá trị lịch sử đó đã được Nhà nước chú trọng phục dựng, bảo tồn. Tham gia vào quá trình đó không thể thiếu đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân tại các làng nghề.

Chùa Phúc An, Huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê Đồng bằng Bắc bộ, trong gia đình giàu truyền thống với cái nghề phục dựng những công trình kiến trúc cổ. Nghệ nhân Nguyễn Văn Khương là con trai của cố nghệ nhân Nguyễn Văn Khoan ở xã Hải Phong, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vẫn hàng ngày cần mẫn, say mê cống hiến cho đời.

Là người con trai duy nhất trong gia đình đông anh chị em, cộng thêm sự khó khăn mọi mặt khi cha mình là cố nghệ nhân Nguyễn Văn Khoan thường xuyên vắng nhà, đi thực hiện các công trình ở các tỉnh, miền. Nghệ nhân Nguyễn Văn Khương đã cùng mẹ và các chị em trong gia đình, cáng đáng mọi việc để người cha, người chồng yên tâm thực hiện đam mê của mình.

Những công trình được nghện nhân: Nguyễn Văn Khương tâm huyết phục dựng.

Chính những khó khăn đó đã rèn luyện nên một con người tự lực và có tính độc lập từ nhỏ. Và cũng không biết tự bao giờ, vẻ đẹp huyền bí của những hoa văn họa tiết tại các công trình, cộng với sự chỉ dạy một cách rất tự nhiên từ người cha, nghệ nhân Nguyễn Văn Khương có sự yêu thích và say đắm với nghề ngay từ nhỏ.

May mắn được cha dìu dắt và truyền nghề từ nhỏ cùng với sự dày công khổ luyện, từ những nét hoa văn đơn giản cho đến những công trình có quy mô lớn cầu kỳ đều được ông tái hiện một cách chân thực và tinh xảo….như thể hiện sự trân quý của ông với nền mỹ thuật tâm linh Việt Nam.

Những chi tiết hoa văn được nghệ nhân Nguyễn văn Khương phục dựng.

Không chỉ dựa vào đôi bàn tay khéo léo, quan trọng là người nghệ nhân phải nhận thức được đúng, am hiểu sâu sắc nét văn hóa hồn cốt của từng tác phẩm. Ở mỗi công trình lại có những đặc trưng kiến trúc riêng của từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử của đất nước. Ẩn trong đó là chuẩn mực nghệ thuật kiến trúc cổ của ông cha để lại. Chính vì thế, cái Tâm luôn luôn là điều kiện tiên quyết đối với mỗi người làm nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Khương: Người lưu giữ “hồn quê” 

Ông Khương chia sẻ, đã nhiều năm trong nghề, đến nay ông cũng không thể nhớ được đã tham gia phục dựng bao nhiêu công trình; đào tạo bao nhiêu thanh niên để từ đó không chỉ có cái nghề mà còn làm giàu được từ chính nghề mà cha ông đã nhiều năm gây dựng. Hơn thế nữa, qua mỗi công trình, mỗi chi tiết, nghệ nhân Nguyễn Văn Khương cũng như những người làm nghề đã góp phần lưu giữ và tái hiện lại những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc.

Được tận mắt chứng kiến sự khéo léo tỉ mỉ khi thi công từng chi tiết của những người thợ làm công việc đặc thù này, chúng ta mới cảm nhận hết niềm đam mê và tâm huyết của họ. Nhờ thế mỗi chi tiết, công trình đều có thần thái sống động, lưu giữ được hồn cốt của văn hóa, lịch sử.

Nghề trùng tu di tích, phục dựng công trình kiến trúc cổ được ví là nghề chữa bệnh cho một bệnh nhân đặc biệt. Ở đó, không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, sáng tạo mà ẩn trong nó là sự tâm huyết, nhân văn, văn hóa dân tộc. Lưu giữ “hồn quê” giúp cho chúng ta xích lại gần hơn với những giá trị truyền thống, giúp kiến trúc cổ hồi sinh, hòa vào dòng chảy đương đại, giữ lại những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Quang Bình

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu