10:12 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân "thổi hồn" quê xưa cũ qua nếp nhà cổ Bắc Bộ

| 18:12 24/06/2023

(THPL) - Bằng đôi tay tài hoa và kinh nghiệm quý báu từ gia tộc mình, nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến đã sáng tạo, bảo tồn và gìn giữ nếp nhà cổ, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Khuyến (sinh năm 1958) là nghệ nhân làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ dân dụng, người tạo nên thương hiệu mộc Gia Nguyễn nổi tiếng - thương hiệu mộc của làng Phù Đổng. Năm 2016, gia tộc họ Nguyễn của nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến được vinh danh bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam. 

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến, hai kiểu cấu trúc nhà cổ Bắc Bộ cơ bản là: cấu trúc hình thước thợ (có nhà chính và nhà phụ) và cấu trúc hình chữ ngôn (kết cấu nhà chính nằm ở giữa, hai bên có hai nhà phụ). Ở một số địa phương khác còn có kiểu nhà chữ đinh, chữ nhất, chữ công…

Năm 2016, gia tộc họ Nguyễn của nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến được vinh danh bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam. 
Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (ngoài cùng bên phải) và đồng chí Lê Thanh Kim, Phó tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân trao hoa và bảng vàng cho nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến.  

Mặc dù ở những làng quê Bắc Bộ nói riêng hay Trung - Nam Bộ, toàn bộ cấu trúc ngôi nhà nằm trong một quần thể của làng xã nhưng điểm chung của các ngôi nhà chính là có sự phân tách riêng biệt, có sự ấm cúng và đảm bảo hài hoà với tổng thể.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến chia sẻ thêm: “Thông thường, nhà cổ Bắc Bộ thường có bố cục gian lẻ: 1, 3, 5, hay 7 gian cùng với hai trái, rất hiếm nhà có số gian chẵn. Tuỳ thuộc vào kinh tế của từng gia đình sẽ làm số lượng gian và chọn lựa chất liệu để làm nhà. Ở gian giữa của ngôi nhà sẽ được dùng để làm bàn thờ và nơi tiếp khách, bàn thờ được trang hoàng các bức hoành phi, câu đối bằng chữ Nho hoặc chữ Nôm”.

Như bao ngôi nhà cổ truyền thống khác, nhà cổ của Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến là nơi sinh hoạt của bốn thế hệ cùng chung sống. “Từ thời của ông nội tôi đã tạo nên một nếp sống như vậy. Ngôi nhà tồn tại vững chắc và được truyền từ đời này sang đời khác”, Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến nói. 

Từ xưa đến nay, người Việt đã quen với ba việc quan trọng nhất của đời người: dựng nhà, cưới vợ, tậu trâu. Do đó, làm một ngôi nhà là việc hết sức được người Việt quan tâm. 

Với con mắt và kinh nghiệm làm nghề, Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến cho biết: “Có thể là nguyên vật liệu có sẵn ngoài tự nhiên như gỗ, tre, đất cát ở từng địa phương, những người thợ tài hoa đã khéo léo tạo nên bộ xương của ngôi nhà bằng hệ thống  ăn khớp, chắc chắn. Thậm chí, những ngôi nhà có hình dáng  mộng đuôi én, mộng đuôi cá được hình thành; tường nhà có thể bằng gỗ, xây bằng gạch, xếp bằng đá ong hoặc bằng bùn đất trộn nhuyễn với rơm.

Sự hài hoà của ngôi nhà còn được nhìn từ trên xuống thông qua ngói âm dương, mái dốc thuần túy, không trang trí cầu kỳ. Bên dưới mái nhà là hàng cột hiên với các bức tường quét vôi trắng, tạo sự khiêm nhường, giản dị cho hình thức bên ngoài của mỗi gia đình. Bao quanh ngôi nhà là các công trình khác như: giếng nước, sân phơi, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, ao thả cá, vườn tược, hàng rào và cổng”.

Ngôi nhà cổ của Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến do chính đôi tay của ông làm nên. Trong ngôi nhà này, làm theo phong tục của các cụ xưa, là theo luật phong thủy thì không làm nóc đinh, ở bốn cái cột trụ, bốn cột cái của ngôi nhà, cũng làm có 3 cột lim và trong đó có một cái cột thứ tư làm bằng gỗ khác. 

Sản phẩm mộc của nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến mang đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến nhận giấy khen của Tiến sĩ Lê Ngọc Dũng - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Hội Mỹ Nghệ Kim hoàn đá quý Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phát biểu tại chương trình.

Xã hội ngày càng phát triển, xu hướng xây nhà theo hướng hiện đại sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong sinh hoạt. Nhưng trong tâm thức của nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến: Không gian sống của ngôi nhà mang trong mình nét hoài niệm về những giá trị cổ xưa của dân tộc, những nét mộc mạc, dung dị đem lại cho gia đình ông một cảm giác ấm áp, như được che chở, được sống đúng con người và giá trị của mình. 

Trong ký ức của mỗi người con đất Việt được sinh ra và lớn lên ở các làng quê Việt Nam thanh bình, yên ả thì một cái nhà gỗ, một cái sân gạch, một mảnh vườn đều không thể quên được. Từ khắp bốn phương trời, những hình ảnh đó sẽ lại về như dấu tích của một tuổi thơ tươi đẹp.  

Tuy nhiên, bóng dáng của những ngôi nhà gỗ truyền thống ấy cũng đang dần vắng bóng, thay thế bởi tốc độ đô thị hoá của xã hội, sự phát triển của những vật liệu mới và nhu cầu sinh hoạt hiện đại. Đứng trước những trăn trở này, Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến đã miệt mài, tìm tòi phục dựng các kiểu nhà cổ Bắc Bộ. Bởi lẽ, việc phục dựng ngôi nhà xưa không phải để trú mưa, trú nắng mà phục dựng nơi nuôi dưỡng tinh thần văn hóa, nơi để con cháu sau này có thể nhớ và tìm về với cội nguồn. 

Dù cuộc sống hôm nay có nhiều thay đổi, nhưng điều đáng nói trong sự đổi thay gấp gáp của cuộc sống hiện đại, con người hơn bao giờ hết lại nhớ thương về những căn nhà xưa cũ để tâm hồn mình cảm thấy bình an, để cuộc sống chậm hơn, bình dị hơn.

Phúc An (Bài, ảnh)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu