08:05 ngày 04/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân Mỹ Lý - một đời trọn vẹn nghĩa tình với thư pháp

08:17 03/09/2023

(THPL) - Nghệ nhân Mỹ Lý tên đầy đủ là Huỳnh Thị Mỹ Lý (sinh năm 1954) chỉ mới bén duyên với thư pháp từ năm 2010. Nhưng với bà, thư pháp vẫn tồn tại bằng sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam.

Vào một ngày đẹp trời, tình cờ bà Mỹ Lý biết tới triển lãm 100 chữ mẹ của Câu lạc bộ nghệ thuật người Hoa tổ chức. Được tận mắt chiêm ngưỡng những bức thư pháp của họa sĩ Trần Văn Hải tại triển lãm, bà đã đem lòng yêu mến từ lúc nào. 

Bỏ qua định kiến về thân phận, tuổi tác bà đã xin gặp và xin theo học thư pháp với họa sĩ Trần Văn Hải. Cứ thế, nghiệp bà đồ đã gắn bó với bà được trọn vẹn 10 năm. 

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua”.

(Ông đồ, Vũ Đình Liên)

Ngay đầu cuộc trò chuyện, bà Mỹ Lý đã lấy 4 câu thơ trong bài thơ nổi tiếng của tác giả Vũ Đình Liên để kể cho chúng tôi về một bộ môn nghệ thuật có lịch sử lâu đời và gắn bó mật thiết với văn minh nhân loại.  

Nghệ nhân Mỹ Lý giúp cho người chơi hiểu thêm về những cái hay, cái đẹp của từng câu chữ của thư pháp (Ảnh: NVCC)
Tác phẩm của nghệ nhân Mỹ Lý tại phố ông đồ Hà Nội 

Bà cho biết, thư pháp không chỉ gần gũi mà còn giúp cho người chơi hiểu thêm về những cái hay, cái đẹp của từng câu chữ. Ngoài ra, thư pháp còn là nghệ thuật dưỡng tâm, rèn tính, hướng tới sự cân bằng cho cuộc sống. 

Thư pháp từ lâu trở thành một môn nghệ thuật thể hiện tâm tư, tình cảm của con người chứa đựng giá trị truyền thống con người, mang tính chất giáo dục về đạo đức, nhân sinh quan trong cuộc sống. 

Một tác phẩm thư pháp đẹp, có chiều sâu phải chứa đựng thông điệp của người viết và tính mỹ thuật của chữ viết, qua nét chữ, hình thức trình bày, hình dáng câu chữ, màu sắc. 

Bà Mỹ Lý cho biết thêm, thư pháp nói nôm na là một phương pháp viết chữ. Nhưng nếu nói là phương pháp viết chữ thì có lẽ nó chưa thẩm thấu hết được ý nghĩa của bộ môn này. Từ khi nhân loại phát triển các phương tiện viết, công cụ viết như phát triển cây bút lông, giấy xuyến để thấm mực thì người viết chấm mực vào và viết lên thì độ hút của giấy làm cho các nét xước. 

Mực tạo ra những nét xước gọi là nét phi bạch thì lúc đấy người ta mới thấy chất liệu này khiến người viết cảm giác được rằng không chỉ dừng lại ở phương pháp viết chữ mà thông qua đó người ta có thể cảm được cái nét đó. Cho nên thư pháp có thể hiểu như là một loại hình viết chữ nhưng mà thông qua đó người viết thể hiện được tinh thần, ý tưởng hay triết học của mình thông qua văn tự mình viết. 

Từ khi chữ viết ra đời thì nghệ thuật viết chữ bắt đầu được song hành. Đến Việt Nam, văn hoá Việt Nam có 3 lớp chính: văn hoá bản địa, văn hoá giao lưu với Trung Quốc và văn hoá giao lưu với phương Tây. 

Ứng với mỗi lớp văn hoá đó lại xuất hiện một văn tự, xuất hiện các chữ viết khác nhau dẫn đến nghệ thuật viết chữ cũng khác. Chúng ta có một sự phong phú so với các quốc gia khác là thư pháp Việt có luôn hai loại văn tự song hành là vừa Hán vừa chữ Quốc ngữ. Trong lớp Hán thì chúng ta còn xuất hiện chữ Nôm cho nên gọi là thư pháp Hán Nôm cộng với thư pháp Quốc ngữ ngày nay. 

Trong thư pháp có câu khá hay: Giấy một núi, bút một rừng, mực một ao và nhẫn ngàn chữ thì mới có thể viết thư pháp được, đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn. Đối với thư pháp, người ta thường gọi là văn phòng tứ bảo là 4 cái bảo vật trong phòng văn. 

Văn phòng tứ bảo bao gồm: bút lông, mực, nghiên mực và giấy viết. Đây là những vật dụng không thể thiếu trong thư phòng của người viết thư pháp. Trong đó, bút lông là dụng cụ quan trọng nhất, được ví như người bạn tri kỷ của người viết thư pháp. Ngoài các dụng cụ chính, các vật dụng hỗ trợ cho người viết rất đa dạng như giá treo bút, gác bút, mực nước, mực màu.

Theo định nghĩa, thư pháp là một loại hình viết chữ nhưng thông qua đó, người ta bày tỏ được cảm xúc của mình, ý là mang phong khí của thời đại. Còn đối với từng cá nhân thì mang cảm xúc riêng của từng tác giả. 

Thư pháp mà gọi là hoạ tự nó cũng chỉ là một nghệ thuật viết chữ. Nhưng khác là một cái có tính ngẫu hứng cao như khi mình viết giống như chữ ký vậy. Viết một lần mà không được đồ lại. 

Còn hoạ tự là vẽ chữ, cần ý tưởng sáng tạo nhiều hơn. Cái viết chữ ngược này cũng không phải là mới tại vì thập niên 30, 40 thì một số nhà văn, nhà thơ đã từng viết chữ ngược, nó có trước cả thư pháp chữ quốc ngữ hiện nay. Chữ ngược viết xong phải xoay ngược ra ánh sáng thì mới thấy được. Nếu bỏ vào khung kính thì phải dùng gương soi rồi nhìn vào gương. 

Nghệ nhân Mỹ Lý giới thiệu cho du khách về thư pháp Việt Nam 
Nghệ nhân Mỹ Lý viết chữ tại lễ kỉ niệm 1010 năm Thăng Long Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Để quen với bút thì phải viết được nét căn bản, bà Mỹ Lý dạy cho chúng tôi cách viết cơ bản. Những nét bút múa lượn, tinh xảo, trau chuốt thể hiện tính cách và khí chất của một con người.  

Người xưa có câu: Học tập thư pháp là khả dĩ tu thân, dưỡng tính, đà dã tâm tình. Nghĩa là sửa lòng mình, nuôi dưỡng những tính cách tốt đẹp của mình và đặc biệt truyền tải những tâm tư, tình cảm của mình đến những người nhận. 

Có thể thấy nghệ thuật thư pháp - nơi những nghiên mực, bút lông tạo nên những khoảng lặng trong tâm hồn, giúp chúng ta bình yên với hoài niệm và truyền thống. Mặc dù thời vàng son của thư pháp đã qua nhưng những con người đam mê thư pháp vẫn học tập và trau dồi con chữ để làm đẹp hơn loại hình nghệ thuật truyền thống của người Việt. 

Thư pháp là một loại hình nghệ thuật thú vị và mang đậm chiều sâu văn hoá. Hiện nay, thu hút đông đảo các người trẻ tham gia. Họ tìm hiểu thư pháp không chỉ đơn giản là tìm hiểu về bản sắc văn hoá dân tộc mà nó còn cho thấy rằng sức sống mãnh liệt của thư pháp trong tương lai.

Hào Hiệp

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu