23:26 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân 6 thập kỷ lưu giữ “linh hồn” của làng nón ngựa Phú Gia

13:43 21/08/2023

(THPL) - Dù đã bước sang tuổi 76 nhưng nghệ nhân Đỗ Văn Lan (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã có gần 60 năm gắn bó với nghề làm nón ngựa Phú Gia.

Cách TP Quy Nhơn khoảng 35 km về hướng Bắc, làng nón ngựa Phú Gia thuộc thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có tuổi đời hơn 300 năm. Nhắc đến làng nón ngựa Phú Gia thì không thể không nói đến nghệ nhân Đỗ Văn Lan, bởi ông là nghệ nhân có tuổi đời làm nón lâu nhất làng. 

Theo nghệ nhân Đỗ Văn Lan, nón ngựa Phú Gia không giống với nón lá của làng Chuông (Hà Nội) bởi sự dẻo dai, chắc chắn và phù hợp khi cưỡi ngựa trong đội quân của vua Quang Trung. 

Từ năm 13 tuổi, nghệ nhân Đỗ Văn Lan bắt đầu theo ông nội, cha, mẹ học nghề làm nón ngựa của làng nghề nón ngựa Phú Gia. (Ảnh: Việt Cường) 

Xưa kia, nón ngựa Phú Gia được sản xuất phục vụ cho giới phong lưu, quyền quý; nhất là những chiếc nón bịt bạc, chạm trổ hình rồng phượng trên đỉnh nón. Hình ảnh các lý trưởng, chánh tổng ngồi trên lưng ngựa đội nón ngựa bịt bạc trên các nẻo đường làng đã trở thành ký ức ở làng quê Bình Định trước những năm 1945. “Nón ngựa Phú Gia khi gặp nắng, mưa đều rất rắn chắc”, nghệ nhân Đỗ Văn Lan nhấn mạnh. 

Muốn làm được khung nón chắc, người làng Phú Gia thường phải lên tận nguồn An Tượng để chặt cây giang đem về chẻ ra thành từng miếng cật dày hoặc mua ở chợ nón Gò Đăng. 

Chợ nón Gò Đăng hình thành từ thời Tây Sơn, họp từ nhá nhem đến khi hửng sáng sẽ tan. Tại đây chỉ bán các vật liệu thô và các nguyên liệu làm nón. Dưới ánh đèn dầu le lói, các hoạt động buôn bán được diễn ra tấp nập song vẫn đủ để người mua, kẻ bán xem được chất lượng sản phẩm; nhìn thấy đồng tiền giao thương qua lại. 

Mỗi chiếc nón ngựa Phú Gia là sự kết tinh giữa vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ và bàn tay tài hoa khéo léo của người nghệ nhân; chỉ có nghệ nhân bậc thầy mới có thể làm ra chiếc nón ngựa vừa có giá trị kinh tế vừa mang tính nghệ thuật cao.

Nguyên liệu sau khi thu mua, chuẩn bị sẽ được nghệ nhân Đỗ Văn Lan bắt tay vào công đoạn sản xuất. Ông chia sẻ: “Lá kè rất dai để hàng chục năm cũng không có mục nên ông cha ta đã sử dụng lợp lên nón ngựa. Cật giang được cạo sạch vỏ, phơi khô sau đó chẻ thành cây tăm thật nhỏ và đều. Đây là khâu rất quan trọng quyết định độ bền của nón được gọi là đan sườn. Cách thức đan được đan theo kiểu đan giỏ, lỗ nan có hình lục giác tạo thành một miếng mê lớn. Muốn có được miếng mê khéo, người thợ phải giữ sao cho chuẩn giúp các lỗ đều nhau”. 

Lá kè (hay còn gọi là lá cọ) để làm nón không được quá già hoặc quá non. Sau khi khoét bỏ đường gân, lá kè sẽ được đem hun khói, phơi nắng phơi sương hoặc ép thẳng trên bếp củi để lá khô, có độ mềm dẻo. Đối với các nguyên liệu: rễ dứa rừng, cước, chỉ màu, vải the cũng đều được tuyển chọn kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào 4 công đoạn quan trọng nhất của việc làm nón ngựa Phú Gia: tạo sườn mê, thắt nan sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá cho nón. 

Sau các công đoạn này, nghệ nhân sẽ dùng chỉ ngũ sắc thêu lên sườn nón. Các mẫu hoa văn có sẵn như: long - lân - quy - phượng, tùng - cúc - trúc - mai, bài thơ, câu đối hay cảnh vật hoa lá, đỉnh là núm hình quả chám nhọn hoắt. 

Đôi tay thoăn thoắt thêu dệt tinh hoa dân tộc vào từng chiếc nón, nghệ nhân Đỗ Văn Lan chia sẻ cho chúng tôi về các công đoạn tiếp theo gồm: can ốc (xoáy ốc) cho nón, bủa lá, chằm thành phẩm.

Ở công đoạn can ốc (xoáy ốc), người thợ sẽ kết hình chóp nhỏ, có chiều cao từ 3 đến 4 cm và đường kính từ 4 đến 5 cm và kết vào sườn nón. Tiếp đó, là kè dùng một đầu kim khâu xuyên qua, tay kia xoè ra theo hình rẽ quạt, khoảng cách giữa các lá là 2 ly thu hẹp về phía đỉnh, trải dài từ chóp đến sườn, công đoạn này gọi là bủa lá.

Cuối cùng là công đoạn chằm thành phẩm, việc chằm nón đòi hỏi sự khéo léo theo từng đường kim, mũi chỉ để lá kết chằm vào sườn không bị nghênh, bị lật mà trông nón vẫn thanh. Bởi thế mà người xưa mới có câu:

“Ai về Bình Định ba ngày

Dặn mua chiếc nón lá dày không mua”

Mỗi chiếc nón ngựa Phú Gia là sự kết tinh giữa vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ và bàn tay tài hoa khéo léo của người nghệ nhân (Ảnh: Việt Cường)
Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống (Ảnh: Việt Cường)

Nón ngựa ngày nay đã có nhiều cách tân, thay đổi để phù hợp hơn nhưng số lượng bán ra vẫn không nhiều, người mua chủ yếu là khách du lịch. Tuy nhiên, nghệ nhân Đỗ Văn Lan vẫn quyết tâm giữ nghề như gìn giữ văn hoá tinh hoa của cha ông ngày trước. 

Bằng niềm đam mê của mình, nghệ nhân Đỗ Văn Lan không ngừng mày mò suy nghĩ và nắm bắt từng khoảnh khắc, hình ảnh hoa văn mà ông vô tình bắt gặp, để tạo nên những hoa văn độc đáo.

Hiện nay, nón ngựa ở làng Phú Gia có hơn 200 lao động còn theo nghề làm nón,  giá dao động 50.000 - 100.000 đồng một chiếc, tùy vào chất lượng. Những chiếc làm theo nguyên mẫu truyền thống có giá hơn 400.000 đồng mỗi chiếc.

Nón ngựa Phú Gia được kết bằng những vành tre cật, chuốt nhỏ như tăm, đan thành 3 lớp mể sườn. Bên ngoài phủ lớp lá kè non chằm bằng những mũi chỉ tàu thơm trắng muốt và đều đặn.

Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và được chọn xây dựng mô hình tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Sự quan tâm của cấp Uỷ, chính quyền đã tạo động lực để những người ở làng nón ngựa Phú Gia quyết tâm giữ nghề, như giữ lại nét văn hóa, tinh hoa của cha ông được gây dựng từ hơn 300 năm trước.

Hào Hiệp

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu