22:13 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân làng Bàu Trúc cả một đời “sống cùng đất”

11:07 28/06/2023

(THPL) - Chỉ với tảng đất sét, 3 cúi khom lưng, đôi chân trần thoăn thoắt lùi xoay tròn theo chiếc chum sành dựng ngược làm trụ. Trong chốc lát, chiếc chum đựng nước được nghệ nhân Đàng Thị Hoa nặn ra tròn trịa, tinh xảo và mịn màng.

Cứ thế, suốt hơn 40 năm nay, nghệ nhân Đàng Thị Hoa theo đuổi cái nghề “sống cùng đất”, người Bàu Trúc vẫn nói vui rằng đó là cái nghề nặn bằng tay, xoay bằng mông.

Không mượt mà như màu đen của gốm Bát Tràng, cũng chẳng có nét vẽ mềm mại như gốm Chu Đậu. Nhưng gốm Bàu Trúc (làng Bàu Trúc, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10 km về hướng Nam) cho người ta thấy được sự thô kệch trong từng hoạ tiết, trong màu lửa rơm nung đôi chỗ không đều. Chính sự thô kệch bên ngoài ấy lại ẩn chứa bên trong là nét duyên thầm khiến ai cũng phải lòng với gốm Bàu Trúc thì vẫn cứ yêu và say đắm mãi.  

Nghệ nhân Đàng Thị Hoa chế tác gốm phục vụ nhu cầu mua quà lưu niệm của du khách tham quan làng Bàu Trúc.
Sản phẩm của Làng gốm Bàu Trúc khá đơn giản và mộc mạc, mang đậm tính cách hiền hòa của người dân tộc Chăm. 

Đến với làng gốm Bàu Trúc, gặp gỡ nghệ nhân Đàng Thị Hoa, được tận mắt trông thấy các sản phẩm gốm, chúng tôi còn được nghe kể về những kỷ niệm của nghệ nhân gắn bó với nghề truyền thống lâu đời. 

Nghệ nhân Hoa kể: “Từ năm 13 tuổi, tôi đã được người mẹ ruột là nghệ nhân Đàng Thị Đây truyền dạy nghề làm gốm. Bằng kinh nghiệm được truyền lại từ mẹ và sự tìm tòi mới của bản thân, tôi đã chế tác trên 100 mẫu sản phẩm gốm mỹ nghệ và trang trí hoa văn theo yêu cầu của khách. Điểm đặc biệt đáng ghi nhận trong lịch sử làng gốm Bàu Trúc, tôi còn là tác giả của trên 20 bình gốm Chăm mà ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đặt để làm quà tặng cho các thành viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO”.

Cũng theo nghệ nhân Đàng Thị Hoa, đạp đất bằng chân và nhồi đất bằng tay chính là bí quyết để mẻ gốm thành công. Nếu không “chiều” được đất, mẻ gốm khi nung lên sẽ nổ như pháo, công sức và vốn liếng của người thợ sẽ “đổ sông đổ bể” hết. “Làng gốm ra đời cả trăm năm nhưng chẳng ai giàu từ gốm cả” - Nghệ nhân Đàng Thị Hoa cười xoà nói. 

Điều đặc biệt ở làng gốm được xem là cổ nhất Đông Nam Á này chính là những sản phẩm hầu hết đều do bàn tay của người phụ nữ làm ra. Bởi lẽ, nghề gốm Bàu Trúc được truyền theo kiểu mẫu hệ, nghệ nhân Đàng Thị Hoa chia sẻ: “Chính nhờ tình yêu nghề của bà, của mẹ mà phụ nữ Chăm tự mày mò, học mót rồi tự sáng tạo ra mẫu mã mới. Ngoài ra, chẳng có sách vở nào có thể dạy làm gốm Bàu Trúc cả”.

Theo tìm hiểu, từ xưa nghề gốm Bàu Trúc do vợ chồng ông tổ Poklong Chang truyền dạy nghề làm gốm cho dân làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Nó đặc biệt và khác hẳn so với các làng nghề gốm đó là người thợ làm hoàn toàn thủ công và nung lộ thiên. 

Đất sét này được lấy về phơi khô, đập nhỏ và nhào nhuyễn cùng với nước tạo độ dẻo và kết dính cao. Đất sau khi đã được nhào kỹ, người làm gốm kết hợp với cát mịn để hoàn tất nguyên liệu làm nên gốm Bàu Trúc. 
Sản phẩm gốm Bàu Trúc được nung với phương pháp thủ công. 

Nói về kỹ thuật nung gốm, nghệ nhân Đàng Thị Hoa cho hay: “Kỹ thuật nung gốm lộ thiên của làng Bàu Trúc có thời gian nung từ 4-6 tiếng mới có thể chín đều phần đất. Để muốn biết gốm chín hay chưa, người thợ sẽ nhìn vào bên trong sẽ có màu đỏ tươi, khi đó gốm đã chín. Nguyên liệu tạo màu cho gốm có thể là nước vỏ điều, cũng có thể là vỏ cây ngâm tạo ra màu xám tro hoặc đen cho gốm”.

Làng Bàu Trúc hiện có trên 400 hộ gắn bó với nghề làm gốm, chiếm khoảng 70% số hộ đồng bào Chăm sinh sống ở địa phương, trong đó có 1 hợp tác xã và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm tạo việc làm thường xuyên cho trên 600 lao động. 

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tỉnh Ninh Thuận tổ chức đón Bằng chứng nhận của UNESCO vào dịp Lễ hội Nho và Vang năm 2023. Đây là niềm tự hào đối với người dân làng Bàu Trúc cũng như với nghệ nhân Đàng Thị Hoa, là nguồn động viên bà con làng nghề làm nhiều sản phẩm bền đẹp, xứng danh với di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. 

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, bao thăng trầm gian khó của cuộc sống, dân làng Bàu Trúc vẫn giữ được nghề gốm truyền thống mà vợ chồng ông tổ Poklong Chang truyền lại cho đến ngày nay. 

Hồng Phúc (Bài, ảnh)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu