10:31 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Quế Phong - Nghệ An: Xã Tri Lễ xoá đói giảm nghèo nơi biên cương

Thanh Huyền | 10:32 05/01/2023

(THPL) - Tri Lễ là xã biên giới phía Tây Nam của huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An, cách trung tâm huyện hơn 30 km, có chiều dài đường biên giới 17,5km với 8 cột mốc giáp huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, CHDCND Lào. Xã Tri Lễ có 4 dân tộc Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú sinh sống với 10.233 nhân khẩu với 2.038 hộ dân; phân bố ở 33 xóm, trong đó xóm nhiều nhất có 123 hộ và xóm ít nhất là 24 hộ. Xã Tri Lễ trước đây được biết đến là một là xã nghèo miền núi vùng sâu, vùng xa. Giờ đây trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tri Lễ luôn phát huy thành quả cách mạng, đoàn kết, nỗ lực vươn lên, xây dựng quê hương, ngày càng phát triển khang trang và giàu đẹp, từ thành quả của việc thực hiện thành công chương trình xoá đói giảm nghèo.

Trao đổi với phóng viên của Thương hiệu và Pháp luật, ông Vi Văn Cường - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tri Lễ cho biết: Những năm qua, cùng với các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và địa phương, xã Tri Lễ đã triển khai hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, góp phần ổn định an ninh chính trị, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Giảm nghèo toàn diện và bền vững luôn là bước đi được xác định là ưu tiên hàng đầu trong đường lối, chính sách phát triển của xã nhằm nâng cao đời sống nhân dân và thực hiện các mục tiêu phát triển. Hàng năm, xã chỉ đạo rà soát xác định rõ nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của từng hộ; trong đó ưu tiên nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo có lao động, có đất hoặc một phần đất canh tác nhưng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế được hỗ trợ trước để chỉ đạo hỗ trợ đất sản xuất hoặc hỗ trợ công cụ sản xuất thay cho hỗ trợ đất; đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Mấy năm trước, nhắc đến cây trồng chủ lực ở Tri Lễ, người ta thường nhắc nhiều đến cây chanh leo. Còn hiện nay khi việc phát triển chanh leo bắt đầu đi vào khó khăn, xã Tri Lễ đã phát triển nhiều mô hình phù hợp với từng vùng. Chẳng hạn mở rộng phát triển mô hình lúa thơm Tri Lễ, là giống lúa chịu lạnh, phù hợp với các bản Người Mông; phát triển cây măng đắng, cây đào ở các bản Pả Khốm, Huồi Mới, Huồi Xái. Đến nay, bà con các bản đã trồng được vài nghìn gốc đào vừa làm đẹp cảnh quan, vừa cho thu nhập khá. Theo lời ông Vi Văn Cường thì đây cũng nằm trong kế hoạch phát triển du lịch sinh thái thu hút du khách đến với Tri Lễ nhiều hơn.

Một góc bản của Bản làng người Mông ở xã Tri Lễ. Ảnh: TH 

Xã tập trung triển khai hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, chính sách đối với hộ nghèo. huy động vốn tự có trong nhân dân kết hợp vốn vay của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng để giúp người dân phát triển sản xuất; nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế để chuyển giao cho nông dân. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, đáp ứng được nhu cầu của người dân, tập trung chỉ đạo đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, khai hoang ruộng nước, ruộng bậc thang, tạo sinh kế, phát triển các hợp tác xã.... Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các chương trình, chính sách giảm nghèo, tiêu chí nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội trong thực hiện giảm nghèo bền vững. Đồng thời thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chính sách an sinh xã hội hiện hành và các chính sách mới được ban hành.

Giờ thì ở Tri Lễ cũng có triệu phú làm kinh tế giỏi, đi lên từ chăn nuôi như anh Lỳ Nỏ Pó ở bản Na Niếng với 45 con bò, 25 con trâu (có thời điểm nuôi trên 100 con trâu bò); Thò Bá Thông ở bản Mường Lống 40 con trâu đực, vài chục con trâu cái. Nhiều gia đình có nhà xây hiện đại, có ô tô bán tải như gia đình anh Thò Bá Bờ Lồng – bản Tam Hợp … “So với trước đây, bây giờ Tri Lễ tuy xa mà gần bởi đường sá đi lại thuận tiện hơn với những chuyến xe xuôi ngược hàng ngày, vì thế các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi của người dân làm ra tiêu thụ cũng dễ dàng hơn”, anh Lỳ Nỏ Pó chia sẻ.

Kinh tế tăng trưởng với tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách đạt khá, các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân dần ổn định và ngày càng được nâng lên. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân năm 2022 đạt 6,07%. Tỷ trọng cơ cấu ngành: Công nghiệp – xây dựng 15,05 %; Nông, lâm, thủy sản: 55,39 %; Thương mại – dịch vụ: 28,56%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt: 10,86 triệu đồng/người/năm.

Đàn bò của anh Lỳ Nỏ Pó ở bản Na Niếng. Ảnh: TH

Năm 2022, tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 4.083,7 tấn, sản lượng lương thực bình quân/đầu người đạt 386,5kg/người/năm. Chính quyền thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân sản xuất lúa, cung ứng giống vụ Xuân: nếp 97, Nhị ưu 986, QP5, Vật tư NA6: 3.700, Japonica. Đối với vụ mùa là giống lúa nếp ĐT 52, giống lúa khâu cậy Nỏi… Xã đã thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã trồng các loại cây nông nghiệp hàng hoá trong đó đu đủ Hồng Phi (Đài Loan): 4 ha, đào Mông: 5 ha, chanh leo giảm 3 ha.

Tổng đàn Trâu: 2495 con, đạt 102% KH; đàn Bò: 4335 con, đạt 101% KH, đàn Lợn: 3280 con, đạt 92,3%, đàn Dê:  433 con, đạt 104% KH, đàn Ngựa: 69 con. Gia cầm: 45.793 con, đạt 105%.

Điểm nhấn ở Tri Lễ là chú trọng phát triển hệ thống mạng lưới an sinh xã hội để giúp đỡ đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội, trong thu nhập và đời sống tinh thần giữa đô thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tổ chức lại sản xuất, khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với hộ nghèo, cận nghèo để sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững và thực hiện có hiệu quả phát triển các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn gắn với các mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững. Những kết quả đạt được trong thời gian qua là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tri Lễ vươn lên giành nhiều thành tựu mới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội nơi tuyến đầu biên cương của Tổ quốc.

Rời Tri Lễ, trong cái lạnh buốt giá của những ngày đông, trong làn sương mù bao phủ quanh các triền núi, thấp thoáng những ngôi nhà lợp gỗ samu nâu nhuốm màu thời gian, chúng tôi cảm thất rất ấm áp. Đọng lại mãi là những cái nắm tay thân tình, những lời mời hẹn “Lúc nào có thời gian lại lên thăm đồng bào Tri Lễ ”.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu