19:01 ngày 31/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ngành logistics Việt Nam cần chuyển đổi để bứt phá

16:19 31/10/2024

(THPL) - Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đỗ Thành Trung, các doanh nghiệp logistics muốn tồn tại và phát triển bắt buộc phải cải tiến hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh.

Theo dự báo về triển vọng thị trường của Precedence Research, quy mô thị trường logistics toàn cầu có thể đạt 21,91 nghìn tỷ USD vào năm 2033, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 9,35% cho giai đoạn 2024 – 2033.

Liên quan đến ngành logistics, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đánh giá, trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển lĩnh vực quan trọng này, nhờ vậy năng lực và thứ hạng của ngành logistics của Việt Nam đã có cải thiện tích cực. Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận năm 2023 Việt Nam đứng thứ 43 trong bảng chỉ số hiệu quả logistics (LPI), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN. Theo Bảng xếp hạng về Chỉ số thị trường mới nổi của Agility - Nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận hàng đầu thế giới, năm 2023 Việt Nam đứng vị trí thứ 10/50 thị trường logistics mới nổi trên toàn cầu, tăng một bậc so với năm trước.

Tốc độ phát triển hàng năm của ngành logistics Việt Nam bình quân đạt 14% - 15%, quy mô 40 - 42 tỷ đô la Mỹ một năm. Doanh nghiệp logistics của Việt Nam tăng nhanh về số lượng, đến nay đã có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn logistics hàng đầu thế giới đang hoạt động.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics cũng đã không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp trong thời gian qua. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu đã cải thiện đáng kể. Các kết quả trên đã góp phần quan trọng đưa ngành logistics của Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.

Ngành logistics Việt Nam cần chuyển đổi để bứt phá. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Theo đó, chính sách, thể chế đối với ngành logistics Việt Nam còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ đối với ngành logistics; cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng logistics như kho hàng, bến bãi, trung tâm logistics còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa hình thành được các hành lang vận tải đa phương thức thông suốt, còn thiếu các trung tâm logistics ở vị trí chiến lược, kết nối với hệ thống cảng, sân bay, đường bộ và cơ sở sản xuất.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp logistics Việt Nam còn hạn chế về trình độ, kinh nghiệm, vốn, nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh còn yếu, thường đóng vai trò nhà thầu phụ hay đại lý cho các tập đoàn nước ngoài; nguồn nhân lực được đào tạo chuyên ngành logistics còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là thiếu các nhân sự logistics trình độ cao, có năng lực ứng dụng và triển khai các công nghệ mới tại các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng, các doanh nghiệp logistics muốn tồn tại và phát triển bắt buộc phải cải tiến hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh. Đây là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam vốn phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với kinh nghiệm, nguồn vốn, trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế.

“Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội lớn khi các doanh nghiệp được thúc đẩy thực hiện quá trình chuyển đổi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, thực chất hơn. Theo đó, doanh nghiệp nào nắm bắt tốt hơn các làn sóng công nghệ mới sẽ vượt lên trên các doanh nghiệp khác, cũng như quốc gia nào nắm bắt tốt hơn các làn sóng công nghệ mới sẽ vượt lên trên các quốc gia khác.”- Thứ trưởng Đỗ Thành Trung khẳng định.

Trước đó, nhận định về thị trường logistics năm 2024, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, tình trạng cạnh tranh để có được đơn hàng trong ngành logistics trở nên gay gắt hơn. Ngoài sức ép cạnh tranh về dịch vụ, các tiêu chuẩn mới của quốc tế và trong nước về môi trường và an toàn giao thông, an toàn lao động cũng đặt các doanh nghiệp dịch vụ logistics trước yêu cầu đổi mới.

Các doanh nghiệp logistics toàn cầu khi thuê ngoài dịch vụ yêu cầu tiêu chuẩn khí thải. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp logistics phải chủ động đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng “xanh hóa”, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp logistics và các hiệp hội ngành hàng, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh…

Tuấn Linh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu