01:28 ngày 13/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Đẩy mạnh phát triển ngành logistics nhằm thu hút và giữ chân nhà đầu tư FDI

15:37 28/08/2023

(THPL) - Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để ngành logistics phát triển, cần có sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương và địa phương. Qua đó, tạo sự thống nhất, đồng bộ quan điểm quản lý, xây dựng và thực thi chính sách phát triển ngành cũng như xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp một cách nhanh chóng nhất.

Nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics. Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm từ 14-16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu và thương mại điện tử ở mức hai con số.

Theo bảng xếp hạng Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép. Hiện có hơn 40.000 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Liên quan đến ngành logistics, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành logistics Việt Nam vẫn còn một số hạn chế khi chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin... trong nước và với khu vực còn yếu; chi phí dịch vụ còn cao; chất lượng một số dịch vụ có vấn đề trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay đang diễn ra cạnh tranh gay gắt.

Đẩy mạnh phát triển ngành logistics nhằm thu hút và giữ chân nhà đầu tư FDI. Ảnh minh hoạ

Theo đại diện Bộ Công Thương, nguyên nhân của tình trạng này chính là sự thiếu liên kết giữa các bên của chuỗi cung ứng và các bên liên quan của ngành, thể hiện qua tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics ở Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển khác. Mức độ chuyên nghiệp của ngành logistics chưa cao, chưa tạo được niềm tin cho đối tác. Tư duy của nhiều doanh nghiệp sản xuất, thương mại vẫn theo hướng tự làm khép kín mà chưa nhìn nhận được những ích lợi của việc thuê ngoài.

Trong khi đó, lợi ích mang lại từ việc thuê ngoài dịch vụ logistics rất lớn, giúp doanh nghiệp tập trung vào chuyên môn, lĩnh vực có thế mạnh của mình; giảm chi phí đầu tư, quản lý phương tiện, kho bãi, nhân sự; hoạt động logistics được xử lý bởi bàn tay chuyên nghiệp…

Cũng liên quan đến ngành logistics, mới đây Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã có cuộc làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam để thảo luận các vấn đề về hiện trạng ngành logistics (dịch vụ hậu cần), những khó khăn vướng mắc hiện này về chi phí, về quy hoạch phát triển và triển vọng trong ngắn hạn cùng tầm nhìn dài hạn.

Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong lĩnh vực logistics như quy hoạch trung tâm logistics hiện chưa được triển khai quyết liệt. Các nhà máy, container rỗng, cảng nằm rải rác ở những nơi khác nhau khiến cho chi phí vận chuyển bị đội giá. Không những thế, bến bãi đỗ container ở gần các cảng lớn cũng không được quy hoạch.

Cụ thể như trường hợp cảng Cát Lái là ví dụ điển hình. Theo Báo cáo của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), trung bình mỗi ngày có khoảng 16.400 xe tải tới cảng Cái Lái, nhưng tại đây lại không có chỗ đậu, khiến các tuyến đường gần dẫn vào cảng luôn trong tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

Giải quyết bài toán liên kết vùng và quy hoạch đất đai rất cần sự vào cuộc của Chính phủ. Bởi theo ghi nhận, các doanh nghiệp ngành logistics đang rất cần các quỹ đất riêng để phát triển kho bãi với giá cả hợp lý. Thậm chí trong một vài trường hợp, việc thuê đất vẫn luôn gặp trở ngại vì môi giới bất động sản luôn đẩy giá đất lên quá cao.

Theo một khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tuy chất lượng hạ tầng được nhận định là đã có cải thiện qua quá trình tăng đầu tư, nhưng Việt Nam vẫn đứng sau các quốc gia trong khu vực. Thiếu hụt đầu tư cho hạ tầng sẽ hạn chế khả năng để Việt Nam thu hút và giữ chân nhà đầu tư FDI. Tất cả những yếu tố này, đương nhiên sẽ là rào cản và thách thức lớn đối với ngành logistics trong tương lai gần.

Nhằm thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng trong thời gian tới, bên cạnh những giải pháp căn cơ đã và đang được thực hiện, thì giải pháp cần tập trung triển khai mạnh chính là củng cố, tăng cường các mối liên kết trong ngành. Cụ thể, cần tăng cường thực hiện liên kết các vùng kinh tế, gồm liên kết liên vùng và nội vùng trong xây dựng hệ thống logistics. Hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông và trung tâm logistics phù hợp nhằm phát huy tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý, bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, thực thi cơ chế chính sách về hoạt động logistics và các chính sách hỗ trợ khác.

"Để ngành logistics phát triển, cần có sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương và địa phương. Qua đó, tạo sự thống nhất, đồng bộ quan điểm quản lý, xây dựng và thực thi chính sách phát triển ngành cũng như xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp một cách nhanh chóng nhất", đại diện Bộ Công Thương đề xuất.

Sự phối hợp, liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp thông qua cầu nối là các hiệp hội có vai trò quan trọng. Vì vậy, cần tăng cường liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp logistics và các hiệp hội ngành hàng, giữa các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp trong việc đào tạo và phát triển nhân lực phục vụ ngành logistics. Phát triển các chương trình đào tạo liên kết nhà trường và doanh nghiệp, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp phát triển đội ngũ nhân lực logistics chất lượng cao, tay nghề tốt, đáp ứng được nhu cầu thực tế công việc ngay khi ra trường.

Đại diện Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, việc tăng cường hợp tác, liên kết giữa các bên của chuỗi cung ứng, giữa các hiệp hội, doanh nghiệp là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát và có thể thực hiện được. Điều quan trọng là cần có những doanh nghiệp, cá nhân có đủ tâm, đủ tầm, đủ nhiệt huyết, uy tín, tích cực đứng ra kết nối, từ đó có hợp tác lâu dài, giúp ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển bền vững.

Thanh Mai (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu