23:48 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ba Vì, Hà Nội: Bến bãi VLXD không phép hoạt động nhiều năm, chính quyền xử lý “lấy lệ”?

Thắng Nguyễn - Ngọc Tân | 14:00 14/01/2022

(THPL) – Quy mô lớn, khối lượng VLXD “khủng”, hoạt động không phép nhiều năm nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm. Đây là thực trạng đã và đang diễn ra tại các bến bãi tập kết VLXD trên địa bàn xã Minh Quang, huyện Ba Vì, TP Hà Nội.

Hoạt động không phép nhiều năm

Người dân nơi đây cho biết, từ nhiều năm nay, đã phải chịu cảnh bụi bặm, cát rơi vãi khắp dọc đường do các xe tải trọng lớn chở cát từ các bến bãi trên địa bàn đi các nơi tiêu thụ. Điều đáng nói, các bến bãi này tất cả đều không có phép, không đảm bảo đầy đủ các quy định của pháp luật, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Theo ghi nhận thực tế của PV, tại thôn Cốc – Đồng Tâm, xã Minh Quang có 2 bãi VLXD đang hoạt động rầm rộ, xe tải ra vào tấp nập, máy xúc hoạt động hết công suất. Người dân nơi đây cho biết 2 bến bãi VLXD này là của ông Nguyễn Bá Quốc và ông Đặng Văn Long đã tồn tại từ hàng chục năm nay.

Theo quan sát, tại khu tập kết VLXD phía trong của ông Nguyễn Bá Quốc, cát, sỏi được chất cao như núi, còn tại bãi tập kết phía ngoài, 2 máy xúc hoạt động liên tục xúc cát trực tiếp từ các tàu neo đậu dọc bờ sông, hình thành nên các bến thủy nội địa trái phép gây mất an toàn giao thông đường thủy. Không những thế, tại bến thủy trái phép này, chủ bến đã ngang nhiên cho đóng nhiều cọc sắt xuống sông, đổ đất tạo mặt bằng để thuận tiện cho việc trung chuyển VLXD.

Từ bãi của ông Nguyễn Bá Quốc, xuôi hướng đi Cầu Đồng Quang, ngay gần ngã ba, đường rẽ vào UBND xã Minh Quang là bãi tập kết của ông Đăng Văn Long. Tại đây, cát, sỏi được hút trực tiếp từ các tàu neo đậu cạnh bờ sông lên bãi tập kết.

Bãi tập kết VLXD của ông Long và Ông Quốc đã hoạt động không phép nhiều năm nhưng không được xử lý dứt điểm.

Tiếp tục di chuyển theo đường ĐT414 (đường đê Minh Khánh) theo hướng đi trung tâm Hà Nội, đoạn gần chân cầu Đồng Quang, phóng viên không khỏi bất ngờ trước cảnh nhộn nhịp cũng như quy mô rất lớn tại bến VLXD không phép thứ ba trên địa bàn xã Minh Quang. Theo tìm hiểu của phóng viên, bến bãi VLXD này trước kia là điểm lên xuống của người dân đi phà qua sông. Kể từ khi cầu Đồng Quang được thông xe, điểm lên xuống phà này bị một số thành phần lấn chiếm và biến thành bến thủy bốc dỡ VLXD trái phép.

Một người dân nơi đây cho biết, bến bãi của ông Long và ông Quốc thì hoạt động từ lâu lắm rồi. Trong khi các bãi cũ chưa được xử lý dứt điểm thì lại “mọc” thêm bến bãi nữa ở điểm gần chân cầu Đồng Quang. Các bến bãi này gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân mà không thấy chính quyền xử lý dứt điểm.

Thay vì hút cát lên bãi tập kết như trước, chủ các bến bãi cho đóng cọc lấn chiếm lòng sông, tạo mặt bằng để xúc cát trực tiếp như thế này.

Lực lượng chức năng xử lý “lấy lệ”?

Để làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý bến bãi VLXD trên địa bàn, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Trần Quang Hảo – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang. Ông Hảo cho biết, hiện trên địa bàn xã tồn tại 4 bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, tất cả đều không phép và tồn tại từ nhiều năm nay, trong đó 2 bến bãi không nằm trong diện quy hoạch phải giải tỏa và UBND xã đã giải quyết và không cho tập kết VLXD ở đó. Còn 2 bến bãi trong diện quy hoạch, huyện và xã đang “tạo điều kiện” để họ hoạt động trong quá trình làm các thủ tục liên quan.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, tất cả các bến bãi trên địa bàn xã tất cả đều không có phép, tại sao UBND xã không tiến hành xử lý toàn bộ? Ông Hảo lấy lý do, nếu xử lý hết thì dân ở đây muốn mua VLXD để làm nhà cũng khó khăn và thực ra đây cũng là do lịch sử để lại nên cũng khó xử lý dứt điểm.

 UBND xã Minh Qang có xử lý "lấy lệ" đối với các bến bãi VLXD không phép trên địa bàn? (Ảnh: Trụ sở Đảng Uỷ - UBND - UBMTTQ  xã Minh Quang)

Như vậy, trước thực trạng trên, người dân không khỏi hoài nghi về sự quyết liệt của chính quyền địa phương trong công tác xử lý các sai phạm. Phải chăng, UBND xã Minh Quang chỉ xử lý “lấy lệ” khi không cho các bến bãi tập kết VLXD nhưng lại để các bến bãi này vẫn hoạt động một cách bình thường. Có chăng chỉ là thay đổi cách thức, từ việc tập kết như trước kia, thì nay chủ bến bãi dùng máy xúc, xúc cát trực tiếp từ các tàu neo đậu cạnh bờ sông lên xe.

Cũng phải thông tin thêm cho bạn đọc, từ năm 2013, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các quận, huyện, thị xã trên địa bàn giải tỏa bến bãi trung chuyển không phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, trên địa bàn xã Minh Quang, huyện Ba Vì lại đang tồn tại hàng loạt bãi tập kết vật liệu xây dựng hoạt động không phép từ nhiều năm nay. Hoạt động của các bến bãi này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, cùng với nhiều hệ lụy liên quan. Những hệ lụy này cụ thể ra sao, phóng viên Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục phân tích trong bài tiếp theo: "Minh Quang, Ba Vì (Hà Nội): Hệ lụy từ bến bãi VLXD không phép".

Thương hiệu & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Thắng Nguyễn - Ngọc Tân

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu