04:19 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Miến làng So – Chắt lọc tinh túy từ đất Mẹ

Thảo Nguyên | 08:28 11/08/2022

(THPL) – Thiên nhiên ban tặng cho làng So nguồn nước giếng đá ong trong vắt, ngọt ngào, cộng với sự cần cù, chịu thương chịu khó, người làng So đã tạo nên những sợi miến mộc mạc, trong trắng, dẻo dai.

Làng So (huyện Quốc Oai, Hà Nội) thuộc xứ Đoài xưa nổi tiếng với những giếng đá ong sâu gần 20 mét trên địa hình đất pha cát, chắt lọc ra thứ nước ngọt lành, trong mát, bốn mùa sóng sánh không cạn.

Chính từ nguồn nước đặc biệt này, người làng So đã khéo léo tạo nên những sợi miến nổi tiếng bởi sự trắng trong, dẻo dai, hương vị mộc mạc mà rất đậm đà – miến làng So. Miến làng So nếu không may nấu quá lửa vẫn giữ được độ dai giòn mà không nhũn nát. 

Miến làng So nổi tiếng bởi độ dẻo dai, mộc mạc mà đậm đà. 

Dân làng So cũng không rõ nghề làm miến ở đây có từ bao giờ, chỉ biết rằng, nhiều thế hệ vừa lớn lên đã thân thương với hình ảnh ông bà, cha mẹ cần mẫn bên những nồi tráng bánh bốc hơi nghi ngút trên bếp lửa hồng từ tờ mờ sáng. Là những buổi đi học xong về tranh thủ thu gom miến đã phơi khô, trắng tinh trong ánh nắng. Là những buổi trời bất chợt đổ mưa rào khiến lũ trẻ nhớn nhác “chạy” miến kẻo “đi tong” thành quả lao động của gia đình….

Những đứa trẻ làng So giúp gia đình phơi miến. 

Thứ bột dong riềng đã nghiền mịn, không pha tạp thu mua từ Điện Biên, Bắc Cạn, Sơn La…. được người dân làng So ngâm nhiều lần bằng nước giếng đá ong tinh khiết rồi lọc qua vải mịn để thu được bột dong nguyên chất. Hòa bột với lượng nước theo tỉ lệ nhất định là lúc đã sẵn sang để tráng bánh. 

Trước kia, các công đoạn hoàn toàn thủ công nên toàn bộ quy trình để tạo nên sợi miến, từ ngâm bột, hòa bột, tráng bánh, phơi, thái sợi.... tốn khá nhiều thời gian, công sức. Hiện nay, nhờ công nghệ phát triển, dân làng So đỡ vất vả hơn nhiều khi đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất bán công nghiệp. Cũng nhờ đó, năng lực sản xuất tăng lên đáng kể.

Sản xuất bán công nghiệp giúp năng suất tăng, chất lượng cao hơn so với sản xuất thủ công. 

Anh Vương Xuân Hải (chủ cơ sở miến Hải Thao), một trong những cơ sở lớn nhất làng So cho biết, sản xuất thủ công bằng tay mỗi ngày sản lượng đạt khoảng 2- 3 tạ. Dây chuyền máy móc bán công nghiệp giúp năng suất tăng gấp hơn 10 lần, tức khoảng 3- 4 tấn/ngày. Sản xuất bằng máy móc còn giúp tăng chất lượng sản phẩm nhờ sự đồng đều, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Anh Vương Xuân Hải, chủ cơ sở miến Hải Thao. 

Không phải “Hữu xạ tự nhiên hương”, chỉ dựa vào chất lượng mà miến làng So giờ đây đã có mặt từ các hàng tạp hóa, chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích đến các đại siêu thị trên khắp cả nước, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản… Có được thành công này là nhờ nhiều người con làng So như anh Vương Xuân Hải (chủ cơ sở miến Hải Thao), anh Vương Xuân Quyền (chủ cơ sở miến Quyền Thiết) … dám nghĩ, dám làm, chịu khó đầu tư quảng bá thương hiệu sản phẩm truyền thống địa phương.

Miến là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết của gia đình Việt.

Hiện cả làng So có hơn 100 hộ vừa sản xuất, kinh doanh miến, thu nhập bình quân của mỗi lao động trong các cơ sở đạt 6-7 triệu/tháng, riêng lao động tráng bánh là 400 nghìn đồng/ ngày.

Miến làng So sản xuất quanh năm nhưng cao điểm nhất là dịp cuối năm cận Tết Nguyên đán. Lúc này, cả làng tất bật làm việc, nhân công huy động tối đa, xe ra vào làng nhộn nhịp chở miến đi phân phối khắp nơi. Người làng So tự hào khi sản phẩm ẩm thực truyền thống của địa phương có mặt trang trọng trên mâm cỗ dâng lên ban thờ tổ tiên trong dịp Lễ, Tết thiêng liêng của bao gia đình Việt. 

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu