02:51 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Trước thềm ĐHCĐ thường niên, nhìn lại hoạt động kinh doanh và cuộc chiến ghế “nóng” ở Eximbank

Đức Hoàng | 19:43 25/04/2024

(THPL) - Trong lĩnh vực ngân hàng, ghế “nóng” chủ tịch HĐQT ở Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank; mã: EIB) được xem là một cuộc chiến giành quyền lực tốn nhiều giấy mực. Từ năm 2015, ngân hàng này đã liên tục thay đổi chủ tịch, kéo theo hàng loạt lùm xùm và kinh doanh kém khả quan.

Đấu đá giành ghế chủ tịch

Theo đó, ngày 26/4, Eximbank dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Đáng chú ý, HĐQT Eximbank sẽ trình đại hội tờ trình về việc miễn nhiệm đối với Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020 – 2025). Đồng thời bầu bổ sung Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII.

Trước 2015, Eximbank được biết đến là một ông lớn trong khối ngân hàng thương mại cổ phần. Tuy nhiên, kể từ lúc ông Trần Hùng Dũng rời khỏi vị trí chủ tịch HĐQT năm 2015, cũng là thời điểm ngân hàng này bước vào một cuộc chiến giành quyền lực. Lúc này, các nhóm cổ đông đã liên tục thực hiện nhiều giải pháp để giành quyền kiểm soát đối với Eximbank.

Đến tháng 12/2015, sau nhiều lần ĐHCĐ không thành công, Eximbank đã bầu được ông Lê Minh Quốc vào vị trí chủ tịch HĐQT. Thế nhưng kết quả này lại nhận được sự phản đối quyết liệt của nội bộ cổ đồng, đồng thời tố cáo có sự gian lận trong quá trình bỏ phiếu.

Bà Đỗ Hà Phương - Chủ tịch HĐQT Eximbank vẫn chưa thể giúp ngân hàng này đạt được những kết quả kinh doanh tốt.

Yên ổn hoạt động chưa lâu, đến tháng 3/2019, HĐQT Eximbank đã ra Nghị quyết 112 bãi nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT của ông Lê Minh Quốc. Đồng thời, bà Lương Thị Cẩm Tú được ngồi vào ghế chủ tịch.

Nhưng quyết định này vấp phải sự phản đối mạnh của ông Lê Minh Quốc. Đồng thời, ông Quốc khẳng định vẫn là Chủ tịch  hợp pháp của Eximbank, cũng như cho rằng việc bãi nhiệm của HĐQT là không có giá trị pháp lý. Sau đó, ông Quốc đã gửi đơn kiện đến TAND TP.HCM. Tiếp đó, Toà án đã có quyết định buộc Eximbank tạm dừng việc thực hiện Nghị quyết 112.

Đến ngày 22/5/2019, Eximbank tiếp tục ban hành Nghị quyết về việc bầu ông Cao Xuân Ninh (lúc này là Thành viên HĐQT) tiếp quản ghế chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.

Thế nhưng với việc mâu thuẫn, bất đồng giữa các cổ đông/nhóm cổ đông trong nội bộ còn tiếp diễn, chưa thể dung hòa, tại vị được hơn 1 tháng, ông Cao Xuân Ninh đã từ chức.

Đến tháng 6/2020, HĐQT Eximbank đã thông qua bầu ông Yasuhiro Saitoh (lúc này Phó chủ tịch HĐQT) đảm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT thay thế cho ông Cao Xuân Ninh. Đây cũng là lần đầu tiên, Eximbank có một Chủ tịch HĐQT là người nước ngoài.

Đến tháng 4/2021, ghế nóng chủ tịch HĐQT của Eximbank lại trở thành tâm điểm chú ý của dư luận và giới ngân hàng. Cụ thể, trong ngày 13/4, Eximbank bất ngờ ban hành 2 nghị quyết, trong đó, HĐQT đã bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm thời làm Chủ tịch để chủ tọa cuộc họp cho đến khi bầu chủ tịch mới.

Sau đó, ông Nguyễn Quang Thông ký Nghị quyết 156 miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Yasuhiro Saitoh. Sau đó, Nghị quyết 157 ra đời, do chính ông Yasuhiro Saitoh ký, với nội dung bầu chính ông Yasuhiro Saitoh giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Đến tháng 2/2022, sau khi tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên, Eximbank đã bầu được Ngô Tony đã được bầu giữ chức danh Trưởng Ban Kiểm soát và bà Lương Thị Cẩm Tú ngồi vào ghế nóng Chủ tịch HĐQT ở nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Sau một thời gian ổn định, đến tối ngày 28/06/2023, Eximbank phát đi thông báo về việc miễn nhiệm đối với bà Lương Thị Cẩm Tú. Đồng thời cho biết bà Đỗ Hà Phương ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT của ngân hàng. Sau đó, bà Tú cũng đã có những phản ứng đối với việc bãi nhiệm mình.

Kinh doanh “bết bát”, ngày trở về thời hoàng kim còn xa

Cuộc khủng hoảng quyền lực ở vị trí chủ tịch HĐQT đã kéo theo những hệ luỵ không tốt trong hoạt động kinh doanh của Eximbank.

Trong quý 4/2023 thu nhập lãi thuần của Eximbank đạt hơn 1.397 tỷ đồng (giảm khoảng 3%) so với quý cùng kỳ năm trước. Thu từ dịch vụ ghi nhận hơn 128 tỷ đồng (giảm hơn 31%). Trong quý 4/2023, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận hơn 24 tỷ đồng, thua xa quý cùng kỳ năm 2022 khi ngân hàng đạt gần 255 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2023, nguồn thu từ lãi thuần của Eximbank được hơn 4.597 tỷ đồng (giảm 18%) so với năm trước. Lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 20%. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư là điểm sáng khi thu được 121 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm trước. Đồng thời, nguồn thu khác cũng tăng đột biến đến 73%, ghi nhận hơn 835 tỷ đồng.

Trong năm qua, chi phí hoạt động của Eximbank giảm 10% so với năm trước, chỉ còn 3.140 tỷ đồng, song lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn giảm 10%, chỉ còn 3.414 tỷ đồng. Năm 2023, Eximbank trích hơn 694 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp gần 7 lần năm trước. Kết quả, lợi nhuận trước thuế chỉ còn gần 2.720 tỷ đồng, giảm 27% so với năm 2022.

Như vậy, so với kế hoạch đại hội cổ đông (ĐHCĐ) đã thông qua là 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, năm qua Eximbank mới thực hiện 54,4% mục tiêu. Đồng thời cho thấy, ngày Eximbank trở lại thời kỳ hoàng kim còn rất xa. Khi mà năm 2011, lợi nhuận trước thuế của Eximbank 4.056 tỷ. Ở thời điểm này, Eximbank vẫn nằm trong nhóm 5 ngân hàng thương mại tư nhân lớn nhất thị trường

Tổng nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm 31/12/2023 đã tăng 58% so với đầu năm lên mức 3.726 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cũng theo đó tăng từ 1,8% hồi đầu năm lên 2,65% vào thời điểm cuối năm 2023.

Trong cơ cấu, nợ dưới tiêu chuẩn (Nhóm 3) ở mức 446 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm; nợ nghi ngờ (Nhóm 4) thậm chí còn tăng đột biến 213% so với đầu năm lên 1.412 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (Nhóm 5) ở mức 1.868 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm, chiếm một nửa tổng số dư nợ xấu tại ngày cuối năm.

Bên cạnh đó, nợ cần chú ý (Nhóm 2) của Eximbank cũng tăng 37% lên 1.839 tỷ đồng. Dù chưa được xếp vào nhóm nợ xấu, nhưng với việc nợ nhóm 2 gia tăng đáng kể cho thấy tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu rất cao.

Mới đây, trong bối cảnh kinh doanh kém sắc, theo báo cáo vừa gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM, Eximbank cho biết, không bán được cổ phiếu nào trong số 6,09 triệu đơn vị đăng ký từ ngày 15/1 đến 7/2 bởi giá thị trường chưa đạt kỳ vọng so với giá bán mục tiêu của ngân hàng.

Đức Hoàng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu