02:21 ngày 11/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Lễ hội Pồn Pôông - nét đặc sắc của đồng bào Mường Ngọc Lặc ở Thanh Hóa

07:04 12/06/2017

(THPL) - Trong đời sống của người Mường, lễ hội Pồn Pôông là một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn bó mật thiết với con người, có ý nghĩa lớn về tâm linh, góp phần làm nên diện mạo văn hóa Mường.

Theo quan niệm của người Mường, lễ hội Pồn Pôông còn được gọi là hội chơi hoa, chơi bông, do bà Máy tổ chức, đứng ra chủ trì, bên cạnh đó còn có các “con mày”, “con nuôi”, ngoài ra có thêm con trai, con gái trong làng cùng với những người yêu thích pồn pôông.

Ông Mo, bà Máy là những người hái thuốc chữa bệnh trong dân gian dưới sự chứng kiến của thần linh (ma nổ), còn những người được chữa khỏi bệnh gọi là “con mày”, “con nuôi”, có nhiệm vụ hàng năm phải dựng cây bông để trả ơn cho ma nổ nhà Ậu Máy. Trong quá trình dâng hoa cho thần linh sẽ thực hiện cả quá trình các lễ tiết, lễ thức, và các biểu hiện văn hóa sinh động.

Hình ảnh lễ hội Pồn Pôông.

Không ai khẳng định được pồn pôông ra đời khi nào, nguồn gốc tiếng Mường nào, chỉ biết từ lâu nó đã trở thành bộ phận không thể tách rời trong đời sống cộng đồng người Mường. Thậm chí, cho đến ngày nay, ở Ngọc Lặc, pồn pôông còn được tổ chức rộng rãi trong các lễ hội của người Mường.

Việc tổ chức pồn pôông là công việc bắt buộc khi thầy lang đã trở thành Ậu, Máy. Vật trung tâm trong lễ hội là cây bông, tượng trưng cho vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa ban tặng cho con người, dựng cây bông đồng nghĩa với việc trả ơn cho thần linh và ngược lại để thần linh vui chung với người trần gian. Ngoài những yếu tố tín ngưỡng, pồn pôông còn là món ăn tinh thần độc đáo thông qua những trò diễn vui nhộn, người ta đến xem pồn pôông bằng tấm lòng sùng kính, đây cũng là dịp để thưởng thức tài nghệ diễn xuất của Ậu, Máy.

Lễ hội này thể hiện rõ nét đặc trưng của văn hóa truyền thống Mường Ngọc Lặc nói riêng và của người Mường Thanh Hóa nói chung.

 Để tổ chức pồn pôông, cây bông được dựng theo thứ tự hàng của Ậu Máy:

Khi lập nổ thì dùng quạt “con bướm” và dựng cây hoa ba tầng

   Ba năm sau vẫn dùng quạt bướm và dựng cây hoa 5 tầng

   Ba năm sau nữa được dùng quạt con hạc và dựng cây hoa 7 tầng

   Ba năm sau vẫn dùng quạt con hạc và dựng cây hoa 9 tầng

   Bậc cuối cùng là dùng quạt con rồng và dựng cây hoa 12 tầng”.

Hết chu kỳ này, nếu Ậu đã già khi chết sẽ trở về làm ma nổ, nếu Ậu còn trẻ lại phải quay về lại từ đầu, ở đây Ậu là người chủ cây bông, là người điều hành, đồng thời trở thành linh hồn trong suốt cuộc bói bông. Trên cây bông cao hơn 1m, thuộc loại thân gỗ (còn có tên gọi khác là cây chạng bạng), mọc nhiều ở các chân núi đá vôi, được chặt về phơi nắng, phơi sương, bỏ vỏ, người Mường tiến hành tỉa hoa, các nghệ nhân phải dùng dao lưỡi nhỏ, sắc gọt cẩn thận theo vòng tròn từ ngoài vào trong cho đến hết.

Mỗi bông hoa tùy theo nhu cầu thẩm mỹ, có thể dùng phẩm màu sặc sỡ để nhuộm cánh hoa hoặc để màu tự nhiên của thân cây, từ những bông hoa đơn lẻ, sẽ xâu thành từng chùm, từng cành… Xung quanh cây bông, người ta có thể đặt xung quanh những mâm cỗ, cùng các món ăn truyền thống của đồng bào Mường.

Trong lễ hội Pồn Pôông, Ậu Máy là người tổ chức, đóng vai trò như thầy mo, thầy cúng. Vào khai lễ, Ậu Máy – bà chủ của cây bông - sẽ làm đủ mọi nghi thức, từ khấn ma nổ, phụ Eenh Chàng Bông Danh, Nàng Choong Loong Đồng Thiếp, cho đến khấn, mời bà Lắm lý lắm lẽ vẽ công việc về xuống thăm cây bông, cây hoa.

Trong phần lễ, nghi thức rước ma nổ và các Vua Ba Vì trên Thung Chấn (các thần Tản Viên sơn thánh), người Mường phải dùng một lá vải dệt bằng lụa tơ tằm, bắc từ ngoài ngõ vào đến cây bông, dưới gốc cây bông có 3 mâm cỗ và chĩnh rượu cần. Nội dung của phần lễ là tỏ lòng biết ơn thần linh đã che chở, cứu vớt mọi người thoát khỏi bệnh tật và mời thần tổ, vua cha về vui chơi…

Vui nhất phải kể đến phần hội, lúc này cánh thanh niên nam nữ cùng nhau nhảy múa bên những âm thanh cồng chiêng, nô nức diễn trên 48 trò, mô phỏng toàn bộ đời sống lao động, sinh hoạt, tồn tại và phát triển của con người ở trong vũ trụ, trời đất.

Ngày nay, lễ hội Pồn Pôông đã và đang thực sự mang lại sức hấp dẫn khó cưỡng đối với du khách, cũng như những người muốn tìm hiểu phong tục, tập quán, sinh hoạt của đồng bào Mường, lễ hội này thể hiện rõ nét đặc trưng của văn hóa truyền thống Mường Ngọc Lặc nói riêng, của người Mường Thanh Hóa nói chung.

Lê Trung

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu