Thích ứng nhanh với chuyển đổi số, làng nghề Hà Nội đưa sản phẩm chinh phục nhiều thị trường
(THPL) - Thích ứng với chuyển đổi số, nhiều làng nghề ở Hà Nội đã và đang ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng côngnghiệp 4.0 vào kinh doanh, giới thiệu, quảng bá, đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiếp cận nhiều hơn các đối tượng khách hàng và chinh phục những thị trường mới.
Nắm bắt xu hướng thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, 2 năm trở lại đây, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Vịnh Linh, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) bắt đầu làm quen và đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada… Cơ sở cũng kết hợp giới thiệu sản phẩm, quy trình sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok… Nhờ vậy, số lượng sản phẩm tiêu thụ của cơ sở tăng lên nhiều lần.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Vịnh Linh cho biết: “Nhờ tham gia các sàn thương mại điện tử và giới thiệu, bán hàng trên mạng xã hội, sản phẩm của cơ sở chúng tôi được quảng bá nhanh chóng, không chỉ giới hạn ở Hà Nội hay các tỉnh miền Bắc mà người tiêu dùng ở khắp cả nước biết đến. Hiện nay, trong tổng số đơn hàng chúng tôi xuất đi thì tỷ lệ đặt hàng qua thương mại điện tử chiếm đến 60%, có thời điểm đạt 80%. So với hình thức bán hàng truyền thống phải phụ thuộc phần lớn vào thương lái, đây là kênh bán hàng rất hiệu quả, giúp cơ sở không chỉ chủ động về thời gian, không gian trong kinh doanh mà còn xây dựng thương hiệu lâu dài”.
Cũng là hộ sản xuất làng nghề thay đổi tư duy kinh doanh sau khi tiếp cận với thương mại điện tử, bà Đặng Thị Thêu, chủ cơ sở thủ công mỹ nghệ ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên chia sẻ: "Ban đầu, việc tiếp cận và ứng dụng mạng xã hội để bán hàng cơ sở còn khá bỡ ngỡ, song, với sự hỗ trợ, giúp sức của chính quyền địa phương, bản thân chúng tôi đã nhận thức rõ hiệu quả mang lại từ hình thức kinh doanh hiện đại này, chúng tôi dần thông thạo và giờ đây đã thường xuyên Livestream để bán hàng, giới thiệu sản phẩm. Điều này không chỉ giúp chúng tôi tiếp cận khách hàng mới, mà còn là cơ hội quảng bá giá trị văn hóa làng nghề truyền thống đi xa hơn, rộng hơn".
Theo thống kê tại huyện Phú Xuyên, địa phương được đánh giá là “điểm sáng” về chuyển đổi số trong thương mại làng nghề của Thủ đô, doanh thu từ thương mại điện tử tại các làng nghề liên tục gia tăng. Nếu năm 2023, doanh thu đạt khoảng 147 tỷ đồng thì năm 2024, doanh thu kê khai từ các hộ kinh doanh đạt khoảng 1.100 tỷ đồng. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2025, doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử của huyện ước đạt 689 tỷ đồng.

Việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, nhất là hình thức livestream bán hàng đã tạo đột phá trong tiêu thụ sản phẩm tại các làng nghề thuộc huyện Phú Xuyên.
Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Bính cho biết: “Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu để các làng nghề phát triển bền vững, để hỗ trợ các làng nghề thích ứng, Phú Xuyên triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, như: Hỗ trợ bao bì, nhãn mác, thiết kế sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng; tăng cường bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan làng nghề xanh, sạch, đẹp kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm; đẩy mạnh đào tạo kỹ năng bán hàng trực tuyến, giúp người dân làng nghề tự tin tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước”.
Để kết nối sản phẩm làng nghề với thị trường số, Phú Xuyên đã hỗ trợ mỗi xã, thị trấn một bộ dụng cụ giúp người dân dễ dàng tiếp cận với hình thức livestream bán hàng. Địa phương cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện, mời tiktoker nổi tiếng thực hiện các phiên livestream quảng bá sản phẩm làng nghề; xây dựng các trang mạng xã hội facebook, tiktok, kênh youtube, liên tục tổ chức các phiên bán hàng trực tuyến để quảng bá, giới thiệu về sản phẩm làng nghề huyện Phú Xuyên.
Cùng chuyển động với các làng nghề ở Phú Xuyên, nhiều làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội cũng đang thích ứng mạnh mẽ với thương mại điện tử. Các sản phẩm như gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, các sản phẩm mây tre đan, đồ gỗ, đồ đồng, khảm trai, sơn mài… có mặt nhiều hơn trên các sàn thương mại điện tử hoặc ngày càng được bán phổ biến trên các ứng dụng mạng xã hội.

Theo thống kê từ sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia Amazon, liên tục trong những năm gần đây, nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ trang trí nhà cửa và nhà bếp của Việt Nam luôn lọt danh sách ngành hàng bán chạy nhất. Người tiêu dùng quốc tế ưa chuộng, tìm mua phổ biến các sản phẩm trang trí tường, đèn treo/thả, rèm cửa làm từ nguyên liệu địa phương của Việt Nam như mây, tre, dừa, cỏ… Các vật dụng lưu trữ, sắp xếp không gian sống như: giỏ, sọt, khay, hộp bằng mây tre thủ công; đồ nội, ngoại thất hoặc các sản phẩm làm từ gỗ cũng ghi nhận lượng tìm kiếm và đặt hàng gia tăng trên Amazon. Điều này cho thấy việc tận dụng thương mại điện tử không chỉ giúp các sản phẩm làng nghề chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn có nhiều “dư địa” chinh phục thị trường quốc tế.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết: Thành phố đã và đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, hàng hóa làng nghề truyền thống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Các đơn vị, địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Bên cạnh mang lại những lợi ích đột phá, quá trình áp dụng các nền tảng số trong kinh doanh trực tuyến tại nhiều làng nghề cũng gặp phải những khó khăn. Theo chia sẻ của đại diện một hội làng nghề ở huyện Thanh Oai: Quá trình bán hàng trên không gian mạng thường có sự cạnh tranh gay gắt. Người mua hàng không thể trực tiếp xem sản phẩm khiến niềm tin của khách hàng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân của cả người mua và người bán. Hàng hóa dễ tồn kho nhiều nếu không có chiến lược kinh doanh tốt và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm...

Các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề cần tiếp tục được nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử
Từ góc nhìn chuyên gia, ông Vũ Hy Thiều, thành viên Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng: Ứng dụng thương mại điện tử còn có những trở ngại chủ quan đến từ các làng nghề. Trong đó, mấu chốt nhất là các làng nghề còn yếu về phát triển sản phẩm. Thường các làng nghề đi lấy mẫu trên mạng về sản xuất theo, chưa có sản phẩm đặc trưng mang tính riêng biệt của chính mình.
Cũng theo ông Vũ Hy Thiều, một khó khăn nữa là kinh doanh thương mại điện tử không đưa sản phẩm đến tận tay khách hàng nên yêu cầu bao bì là quan trọng hơn cả. Nhiều sản phẩm xuất khẩu từng bị trả về vì bao bì không bảo đảm. Do vậy, cần tăng cường đào tạo cho các làng nghề nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã, bao bì, đóng gói sản phẩm và cần có các trung tâm hỗ trợ giúp đỡ họ trong quá trình phát triển…
Có thể thấy, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Trong đó, thương mại điện tử đã, đang trở thành phương thức kinh doanh hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề.
Để tận dụng tối đa những lợi ích của các nền tảng số trong thương mại làng nghề, bên cạnh sự chủ động thích ứng, làm chủ công nghệ của các cơ sở, doanh nghiệp, tiếp tục cần sự định hướng, hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị quản lý, chuyên môn. Tập trung vào đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức ứng dụng thương mại điện tử cho chủ các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số tại các làng nghề…
Hoàng Yến
Tin khác
Quảng Ninh kiểm tra việc vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Chính phủ quyết định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng
Gạo Việt vươn lên nhờ lợi thế giá và chất lượng
Đèo Cả chuẩn bị kỹ lưỡng để nhập cuộc các dự án giải đường sắt
Siết chặt trách nhiệm người nổi tiếng trong hoạt động quảng cáo
"Tín ngưỡng Việt - Hồn thiêng dân tộc" - Kỷ niệm 7 năm thành lập Viện Nghiên cứu và phát triển Đạo Mẫu Việt Nam
Tiết lộ bước đi chiến lược quan trọng của NDA
(THPL) - Hai nền tảng công nghệ cốt lõi về Blockchain là bước đi chiến lược của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia (NDA), giúp Việt Nam sở hữu hạ...16/06/2025 20:39:19Thanh toán không dùng tiền mặt trên kênh số đạt 4,5 tỷ giao dịch
(THPL) - Trong 5,5 tỷ giao dịch thanh toán không tiền mặt trong quý I/2025, Việt Nam đã có 4,5 tỷ giao dịch trên kênh số.16/06/2025 16:27:40Thanh Hóa: Tăng cường đảm bảo an ninh cho sân bay Thọ Xuân
(TH&PL) - Trước thực trạng vật thể bay không người lái xâm phạm trái phép, ảnh hưởng đến an ninh khu khu vực sân bay, các lực lượng có liên...16/06/2025 20:26:57Biển số xe các địa phương được giữ nguyên sau sáp nhập
(THPL) - Theo Cục CSGT, sau khi hợp nhất các địa phương, biển số xe các địa phương được giữ nguyên, đối với các địa phương được sáp...16/06/2025 16:56:01
ĐỌC NHIỀU NHẤT
Quảng bá thương hiệu Việt
-
Ngân hàng Lộc Phát (LPBank): Ghi dấu ấn với Tổng đài đa kênh thông minh tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2025
- Điểm danh những “tọa độ” hot nhất Đà thành dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5
- Cầu Ngọc Hồi chuẩn bị khởi công: khẳng định xu hướng ở ngoại ô, làm...
- “Bỏ túi” cách bảo vệ sức khỏe vừa tiết kiệm, vừa mang lại hiệu...
Tôn vinh thương hiệu toàn cầu
- Thuê máy photocopy màu
- Phần mềm quản lý bán hàng dms winmap.vn Quản lý sale thị trường nhàn tênh
- Công ty in tem nhãn hàng hóa In Sơn Nguyên
- báo giá thiết kế logo chuyên nghiệp