15:17 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng: Ngàn năm tỏa sáng nét tinh hoa

Thảo Nguyên | 10:45 13/07/2022

(THPL) – Trải qua hơn 1000 năm hình thành và phát triển, nghề điêu khắc đồ gỗ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) góp phần tạo nên những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Đến làng nghề điêu khắc gỗ Sơn Đồng, du khách sẽ được nghe âm thanh chạm đục lách cách rộn rã vang khắp các nẻo đường làng ngõ xóm.

Nơi đây chính là địa chỉ nổi danh sản xuất, chế tác tượng thờ, đồ thờ phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng. Cũng chính bởi đặc trưng sản phẩm gắn liền với tâm linh, tín ngưỡng nên như nghệ nhân Nguyễn Như Hải (làng Sơn Đồng) tâm sự: "Mỗi nhát đục, nét chạm khắc, người thợ ngoài sử dụng kỹ thuật điêu luyện mà phải dồn cả “cái tâm, cái tình” vào đó". 

Mỗi nét chạm, đục, người nghệ nhân gửi cả cái tâm, cái tình vào đó. 

Nhắc tới làng nghề đồ thờ Sơn Đồng, chính là nhắc tới những sản phẩm đồ thờ làm bằng gỗ đẹp, tinh xảo như: Tượng Phật: Quan Âm Bồ Tát, A di đà, Tam Thánh Phật, Văn Thù Bồ Tát…

Tượng thờ Tam Tứ Phủ: tượng Mẫu, tượng Quan Lớn, tượng Đức Trần Triều, tượng Cô, tượng Cậu… Các loại bàn thờ: bàn án gian thờ, hương án, sập thờ, bàn thờ ô xa, chấp tải, tủ thờ, bàn thờ ông địa – thần tài …Các đồ thờ cúng: cuốn thư, hoành phi – câu đối, ngai thờ, ỷ thờ, thiều châu, khám thờ, hoa sen gỗ, kiệu gỗ thờ,…

Những bức tượng như Phật bà nghìn mắt nghìn tay, Phật Thích ca, Phật A di đà, tượng Di lặc, La Hán, Tam Tứ Phủ....  do những nghệ nhân làng Sơn Đồng tạo tác với thần thái vô cùng uy nghiêm mà lại rất nhân từ, gần gũi, phù hợp với tín ngưỡng, văn hóa người Việt, đã có mặt trong không gian thờ tự linh thiêng chùa, đình, đền... trên khắp cả nước từ ngàn năm qua.

Tượng thờ thần thái rất uy nghiêm, nhân từ. 

Tượng thờ là sản phẩm làm khó nhất. Khâu đầu tiên của việc đục tượng bắt đầu từ việc chọn gỗ. Nguyên liệu để làm tượng Phật phổ biến là gỗ mít, làm đồ thờ có thêm gỗ dổi, gỗ vàng tâm. Gỗ mít có đặc tính dẻo, mềm, thớ dặm, nhờ đó tránh được những sơ suất trong khi đục. Gỗ mít còn có độ bền cao, ít nứt, dễ gọt. Người dân Sơn Đồng phải mua nguồn gỗ mít từ các tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An... Gỗ chở về loại bỏ hết phần giác, chỉ dùng lõi để đục.

Gỗ chế tác tượng là loại gỗ chất lượng cao

Mỗi bức tượng đạt yêu cầu là phải khắc họa sắc thái của từng đấng, bậc trong tôn giáo đó, cũng như nổi bật được thần thái của các ngài. Do đó, người thợ phải hiểu được điển tích, tính cách, vị trí của từng pho tượng, kết hợp với nắm vững thủ pháp bí truyền riêng biệt để “thổi hồn” vào mỗi pho tượng.

Hiện nay, cả xã Sơn Đồng có hơn 4.000 lao động làm nghề thủ công mỹ nghệ thường xuyên, trong đó có đến hơn một nửa là thợ giỏi và nhiều thợ giỏi được tôn vinh, phong danh hiệu nghệ nhân.

Sản phẩm của Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm khoảng trên 50% thị phần toàn quốc về tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc phủ màu hoàng kim, phục vụ đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người dân.

Đồ thờ tự do các nghệ nhân Sơn Đồng chế tác rất tinh xảo, cầu kỳ

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường, những nghệ nhân Sơn Đồng luôn tìm tòi, sáng tạo thêm sản phẩm đồ gỗ điêu khắc đa dạng về mẫu mã, giá thành.

Ngày 10/6/2002, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng đã ra Quyết định số 20/QĐ-UB thành lập Hiệp hội Làng nghề Mỹ nghệ Sơn Đồng. Cùng với đó, để bảo vệ và xây dựng thương hiệu làng nghề Sơn Đồng ngày càng phát triển bền vững, năm 2013, làng nghề mỹ nghệ xã Sơn Đồng đã triển khai thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể nghề điêu khắc, tạc tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, bạc Sơn Đồng. Tháng 9/2015, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ đã ra quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký cho Hội làng nghề mỹ nghệ xã Sơn Đồng quản lý và sử dụng Nhãn hiệu 20 nhóm sản phẩm làm từ gỗ sơn son thếp vàng, thếp bạc.

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu