14:08 ngày 18/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Lâm Đồng: Thị trường tơ lụa khởi sắc mạnh mẽ

19:45 20/12/2017

(THPL) - Sau nhiều năm lao đao và tuột dốc, nay ngành dâu tằm tơ Bảo Lộc (Lâm Đồng) - 'thủ phủ' dâu tằm tơ VN đang hồi sinh mạnh mẽ.

Theo TTXVN, trước những năm 1990, thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) được mệnh danh là thủ đô của nghề chăn tằm dệt lụa Việt Nam. Do nhu cầu sử dụng tơ lụa của thế giới giảm đã khiến cho nghề dâu tằm tơ của vùng đất này bước vào thời kỳ suy thoái.

Nhờ cuộc cách mạng công nghệ, thay đổi thiết bị sản xuất, cùng với thị trường thế giới khởi sắc, nghề dâu tằm tơ của Lâm Đồng hiện đã hồi sinh, đưa thành phố Bảo Lộc trở lại vị trí thủ phủ của nghề truyền thống từ hàng trăm năm này. 

Nghề dâu tằm tơ truyền thống Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã hồi sinh. Ảnh: TTXVN
Nghề dâu tằm tơ truyền thống Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã hồi sinh. Ảnh: TTXVN

Đã có thời kỳ, diện tích trồng dâu của tỉnh Lâm Đồng lên tới hàng chục ngàn ha, riêng thành phố Bảo Lộc cũng có trên 3.000 ha, nghề trồng dâu nuôi tằm là nghề chính của hàng vạn hộ nông dân trên địa bàn. Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam cũng đã đặt ở mảnh đất Bảo Lộc, cùng với các đơn vị khác như Trại giống tằm Trung ương, cùng hàng chục nhà máy ươm tơ, dệt lụa. 

Sau một thời kỳ suy thoái, người nông dân đã phải chuyển đổi từ cây dâu sang các loại cây công nghiệp khác, Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam phá sản kéo theo nhiều nhiều đơn vị khác. Bước qua thời kỳ suy thoái, từ năm 2010 đến nay, ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng đã bắt đầu phục hồi và phát triển. 

Diện tích trồng dâu tằm toàn tỉnh hiện đã tăng lên khoảng 5.500ha, chủ yếu tại các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Đạ Tẻh... Nhiều gia đình đã trở lại và bắt đầu làm giàu từ nghề truyền thống này. Ngay thành phố Bảo Lộc cũng có tới 350 ha dâu tằm đang phát triển tốt.  Trong những địa phương có nghề dâu tằm tơ phát triển mạnh phải kể đến xã Đamb’ri của thành phố Bảo Lộc. Riêng vùng đất này, đã có tới 400 hộ nuôi tằm trên diện tích trên 300 ha dâu.

Theo báo Thanh niên, thị trường khởi sắc, sản xuất tới đâu bán hết tới đó. Bà Hà Thị Hoa, Giám đốc Công ty Hà Bảo, sở hữu 2 nhà máy dệt lụa, cho biết trong năm 2017 Hà Bảo sản xuất được 700.000 m2 lụa, ấy vậy vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Bảo Lộc hiện có 40 hệ thống máy ươm tơ tự động hiện đại, công suất cao, cùng 6 nhà máy dệt lụa, chiếm 75% năng lực ươm tơ, 70% năng lực xe tơ dệt lụa của cả nước. Các nhà máy ươm tơ dệt lụa tạo ra nhiều sản phẩm lụa chất lượng cao, xuất khẩu ra các nước như Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và cả khối EU. Năm 2017 tổng sản lượng tơ đạt trên 1.700 tấn, tổng sản lượng lụa khoảng 6 triệu m2.

Ngoài “thủ phủ” tơ tằm Bảo Lộc, các huyện: Lâm Hà, Đức Trọng, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên (Lâm Đồng) đang canh tác khoảng 20.000 ha dâu và nuôi tằm, được xem là những “vệ tinh” cung cấp nguồn nguyên liệu kén tằm cho các nhà máy ở Bảo Lộc. Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, trung bình 1 ha dâu, mỗi tháng người dân có thể nuôi 3 hộp tằm và sản lượng kén thu được khoảng 180 kg, với giá hiện nay trên dưới 200.000 đồng/kg, có thể thu về 36 triệu đồng/tháng. Nếu mỗi năm nuôi 10 lứa tằm, có thể thu về 360 triệu đồng.

Ông Nghiêm Xuân Đức, Phó chủ tịch UBND TP.Bảo Lộc, cho biết trong Tuần văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc, tổ chức song song với Festival Hoa Đà Lạt 2017 (từ 23 - 27.12), tại Bảo Lộc sẽ khai trương “Việt Nam Silk house” (tại số 2 Trần Phú, TP.Bảo Lộc). Dịp này, nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh khởi xướng và mời gọi 13 nhà thiết kế nổi tiếng cùng địa phương lần đầu tổ chức trình diễn thời trang tơ lụa, giới thiệu những sản phẩm từ tơ lụa Bảo Lộc. Theo bà Minh Hạnh: “Đây là cơ hội để chúng ta hành động thiết thực đưa tơ lụa Việt về giá trị đúng nghĩa của nó, sau “cú sốc” Khaisilk vừa qua”.

Ông Phan Văn Đa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Tỉnh Lâm Đồng và TP.Bảo Lộc đang nỗ lực nhằm tạo ra sản phẩm tơ lụa đẹp, chất lượng, đặc trưng riêng, với mục tiêu phấn đấu 5 - 10 năm nữa Bảo Lộc trở thành thành phố tơ lụa VN”.

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu