23:14 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Lâm Đồng: Quyết tâm nâng tầm giá trị nông sản sau thu hoạch

| 20:36 02/12/2017

(THPL) - Với mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ sản phẩm rau, củ, quả qua sơ chế, chế biến, bảo quản và phân loại đúng quy trình kỹ thuật đạt 25-30%, giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%..., Lâm Ðồng đang từng bước nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản mang thương hiệu Ðà Lạt sau thu hoạch.

Nâng tầm nông sản sau thu hoạch

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình Trung tâm sau thu hoạch “Bảo quản và chế biến rau, củ, quả” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Với mục tiêu tăng khối lượng sản phẩm rau, củ, quả được sơ chế, chế biến, bảo quản, phân loại đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch, giảm tỷ lệ nông sản xuất bán thô, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

nâng tầm giá trị nông sản
Lâm Đồng: Quyết tâm nâng tầm giá trị nông sản sau thu hoạch.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mỗi năm tổn thất sau thu hoạch của cả nước về ngũ cốc là từ 10 - 12%, rau và quả từ 20 - 25%, tương đương khoảng 4 triệu tấn lúa, gần 1 triệu tấn ngô và 1,6 triệu tấn rau quả bị thất thoát. Việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch không chỉ giúp giảm tổn thất mà còn nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, từ đó nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Tuy nhiên, với vốn đầu tư lên đến hơn 1 tỷ đồng, nếu không có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, mô hình này khó có thể thực hiện được. Đến thời điểm này, những hệ thống bảo quản rau sau thu hoạch mới chỉ dừng ở các mô hình thí điểm dù hiệu quả là không thể phủ nhận.

Bên cạnh đó, ngành rau quả Việt Nam đang có nhiều thời cơ khi xếp thứ 3 bảng xếp hạng kim ngạch xuất khẩu nông sản. Trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu rau quả đã đạt kim ngạch 2,64 tỷ USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm 2016. Theo các chuyên gia, dư địa cho sự phát triển của ngành hàng này còn rất lớn, không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay cả ở thị trường trong nước nếu nâng cao được chất lượng, đảm bảo khâu sơ chế, bảo quản và chế biến sau thu hoạch.

phanloai_ygwm
quảng bá thương hiệu nông sản còn tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến...

Cũng theo ông Tôn Thiện San, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết: Hiện nay, diện tích gieo trồng rau, củ, quả của thành phố đạt khoảng 9.443 ha, sản lượng trên 349 ngàn tấn, với nhiều chủng loại đặc trưng như xà lách, súp lơ, bó xôi, bắp cải… Việc ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thương phẩm của nông sản. TP đã hình thành các mô hình liên kết trong sản xuất, bảo quản nông sản theo chuỗi giá trị đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc và các điều kiện an toàn thực phẩm, điển hình như HTX Anh Đào, Tân Tiến, Minh Thúy… Các mô hình đã đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật mới để kéo dài thời gian lưu trữ sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch cũng được áp dụng. Việc xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản còn tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch nên đến nay Đà Lạt đã phối hợp với các huyện cấp cho 104 đơn vị với 758 ha sử dụng thương hiệu Rau Đà Lạt.

Thực tế, với diện tích sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở quy mô hộ gia đình nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sơ chế, bảo quản sau thu hoạch vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Công nghệ sơ chế, bảo quản, đóng gói đã được thực hiện nhưng hầu như máy móc thiết bị chưa hiện đại do kinh phí đầu tư máy móc khá lớn.

Hỗ trợ hơn 300 tỷ đồng cho bà con nông dân trồng rau – củ - quả

Trong suốt thời gian qua, việc áp dụng công nghệ sau thu hoạch để bảo quản, chế biến sản phẩm được áp dụng nhưng vẫn chưa nhiều nên thực trạng “giải cứu nông sản” trong nước vẫn cứ tiếp tục tái diễn. Lâm Đồng cũng không ngoại lệ, nhiều lúc nông sản đến thời gian thu hoạch mà giá quá thấp khiến nông dân gặp nhiều khó khăn, thua lỗ càng thêm nặng.

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Giai đoạn 2017 - 2020, với kinh phí 309 tỷ đồng, tỉnh sẽ đặc biệt chú trọng đến việc bảo quản sau thu hoạch với các kỹ thuật mới. Phạm vi ưu tiên thực hiện tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và TP Đà Lạt, cho các sản phẩm được sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, EuroGAP và các sản phẩm được chứng nhận Rau Đà Lạt.

Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến như ISO 9001, ISO 22000, ISO 14001, HACCP, OHSAA 18001… quản lý chất lượng toàn diện, tinh gọn, xây dựng thương hiệu tiêu chuẩn cơ sở; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, phát triển thương mại, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Còn ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng nhận định:  Để tránh khỏi vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá hay được giá mất mùa”, bên cạnh việc ưu tiên đầu tư các thiết bị chế biến và bảo quản nông sản, xây dựng kho lưu trữ, dây chuyền đóng gói, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì Lâm Đồng cũng sẽ tiếp tục có chính sách phù hợp trong việc hỗ trợ áp dụng công nghệ bảo quản, chế biến những sản phẩm nông sản sau thu hoạch, tăng cường kết nối người nông dân với doanh nghiệp, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Để thực hiện được điều đó hiệu quả, cần phải có các chương trình truyền thông, hướng dẫn thủ tục hành chính và tài chính, cách tiếp cận nguồn vốn... cho các đối tượng như nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp… cùng tham gia. Nếu có nhiều cổng thông tin để trao đổi rộng rãi, doanh nghiệp và nhà khoa học sẽ xây dựng được niềm tin để đến với nhau nhanh chóng. Nhà quản lý cũng cần nhìn nhận tổng thể và thấu đáo để không “bỏ sót” ai trong cuộc chơi này.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu