14:40 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Làm cỗ

09:00 12/02/2021

(THPL) - Ngày 30 Tết, ấy là ngày cuối cùng của năm rồi. Nghỉ học được mấy ngày, đã chơi chán, nghịch chán ở chợ Tết. Đây là lúc lũ trẻ chúng tôi trở về nhà để tập trung làm cỗ ngày 30 Tết.

Thuở còn đói kém, chẳng lấy đâu ra tiền mà sắm Tết dần dần như bây giờ. Lúc đó trông chờ cả vào ngày 30. Những món nợ sau nhiều ngày hối thúc có đòi được cũng chỉ là chờ lúc “năm hết Tết đến” này. Những món gà, lá dong, lá chuối, chuối xanh… bán được bao nhiêu cũng dồn cả vào ngày này. Lúc ấy mẹ tôi mới biết chắc trong tay mình có bao nhiêu tiền để mà chia ra chi tiêu xem ưu tiên cái gì, cắt giảm cái gì. Người lớn thường giấu trẻ con sự nghèo khó nên tất nhiên chẳng bàn bạc xem sẽ sắm sửa ra sao. Lũ trẻ chúng tôi đành chờ để tận mắt được thấy Tết năm nay nhà mình có những gì.

Sáng 30 Tết bao giờ cũng bắt đầu bằng tiếng gáy o o rất to của con gà trống cưỡng nuôi làm giống, già đời, trải bao cái Tết trong nhà, ung dung vì biết rằng mình sẽ còn hưởng thêm vài mùa xuân nữa, không bị vào nồi phen này. Trời còn tối lắm, ngoài sân phải bật đèn. Gió thì cứ thổi thông thốc từ bờ tre dưới sông lên nhưng dậy thì cứ phải dậy thôi. Người lớn đương nhiên dậy trước vì phải gói bánh chưng. Gạo nếp đỗ xanh là thứ có sẵn vì nhà tôi cho mượn ruộng ở quê, hàng năm người ta vẫn mang vào biếu gạo, đỗ gọi là “lại quả”. Không phải mua thứ gì là may thứ ấy, nên Tết dù đói đến đâu vẫn tha hồ bánh chưng cho bọn trẻ ăn thả cửa. Chúng tôi nằm trong chăn ấm, chầu hẫu mắt nhìn ra ngoài sân, thấy bà, bố, mẹ, anh mỗi người một việc. Bà với mẹ thì rửa lá đãi đỗ, chuẩn bị sẵn chiếu, khuôn, lạt để tí nữa sẽ gói bánh. Tí nữa là vì còn phải chờ bố và anh đi mổ thịt lợn đụng về mới có thịt. Trời rét lắm, thấy bà và mẹ cứ xuýt xoa, may được cái nước giếng ấm nên không đến nỗi cóng tay. Bố và anh thì mặc áo to sụ, quàng khăn, đội mũ chùm đầu kín mít, lên xe phóng đi.

Chẳng biết là bố và anh đi bao lâu, vì thường là chúng tôi lại lăn ra ngủ thiếp đi, đến khi dậy thì bánh đang gói dở dang, thúng thịt lợn đã đặt ngay ngắn gần giếng rồi. Cả lũ à lên, mắt cố mở to vì dèm dử còn bám bặt, soi xem nhà mình có những gì. Thịt ba chỉ thì đương nhiên đã pha ra để gói bánh chưng rồi. Còn hai cái chân giò, có cả thịt cả móng này, hai cái tai lợn này, rất nhiều xương và thịt ở các mô khác nhau nhưng chẳng biết nó ở bộ phận nào. Chỉ biết, cái thúng gần đầy, thế là mừng hớn hở. Năm nay ăn Tết to đây. Năm nào nhìn thấy vẫn cái thúng ấy nhưng vơi vơi, lỏng chỏng vài thứ xếp rời rạc bên nhau, đứa nào cũng buồn hẳn. Đói kém quanh năm, trông chờ ngày Tết để được ăn cho đã, thế mà ít thịt thế kia thì hẳn nhiên là chỉ độ ngày mùng 3, mùng 4 là có khi đã phải quay về điệp khúc “rau rau toàn rau” hàng ngày rồi.

Mâm cỗ ngày Tết cổ truyền dân tộc.

Dù thế nào thì chúng tôi cũng sẽ được ăn sáng, bữa sáng hẳn hoi, có lẽ là bữa sáng duy nhất trong năm vì ngày thường mỗi ngày chỉ ăn hai bữa trưa và tối. Bữa sáng ngày 30 Tết chính là cháo lòng, nấu từ lòng con lợn đụng. Cả một chiếc nồi được anh cả vác về đặt trên bếp vẫn còn sôi sùng sục, thơm nức mũi. Mỗi đứa một bát tô, bên trong đã để sẵn hành thái, vài miếng gan, vài miếng lòng non, tiết, dồi, cổ hũ, cứ thế múc cháo ra mà ăn. Đứa nào cũng chẳng kịp đánh răng rửa mặt, sà vào ăn lấy ăn để. Thơm ngon ngọt bùi đến đâu thì cái rét tái tê bị đánh bật ra đến đấy. Tôi lúc nào cũng tranh phần rửa bát để còn được vét quèn quẹt đáy nồi.

Ăn xong, cũng là lúc bánh chưng đã gói xong. Bố lo việc chất củi đun bánh. Mẹ tất tả chạy đi chợ, bà lo dọn dẹp nhà cửa để bày biện cỗ bàn còn chúng tôi đứa nào vào việc nấy. Anh cả mang dao thớt ra phân chia thúng thịt. Tất cả được mang rửa sạch rồi bắt đầu tính. Thịt nạc vai, thịt thăn để làm nem, nướng chả thì mang thái miếng hoặc băm nhuyễn. Xương thì chặt ra để nấu canh măng, xào chua ngọt. Tai và lưỡi, bì thì để làm giò xào. Hai cái chân giò thì cạo sạch lông, chặt và thái ra để nấu đông. Cứ thế anh băm chặt kí cốc luôn chân luôn tay. Mấy đứa nhép chúng tôi vừa ngồi xem để biết việc sau này lớn mà làm vừa phải chia nhau ngâm miến, mộc nhĩ, nhặt hành, cuốn nem, xiên chả, chân nọ đá chân kia mà việc vẫn cứ ngồn ngộn ra. Đứa nào cũng than mỏi, than mệt nhưng cứ được làm nhiều là vui vì làm nhiều tức là sẽ được ăn nhiều món, có nhiều cái ăn, ăn được dài ngày. Ngày ấy lấy đâu ra tủ lạnh, đồ ăn thức uống của mấy ngày Tết đều phải chế biến hết, khi nào ăn thì mang ra nấu lại thôi.

Khi công cuộc sơ chế đã xong, bà cũng dọn sạch nhà, mấy bà cháu quay ra nấu nướng. Cái đun hàng ngày chỉ là lá mít, lá tre thì ngày Tết được ưu tiên củi là cành xoan đào, cành mít, lõi ngô chả nhỡ oi khói mất thức ăn. Bếp lúc nào cũng đỏ rừng rực, hết ninh măng xương thì lại đặt nồi đông lên sôi liu riu. Rồi đến lúc quạt chả, rán nem thơm cộn cạo thì tôi chợt nhớ ra, hét lên: “Ơ, quên ăn trưa à, một giờ chiều rồi”. Chị tôi lừ mắt, ghìm giọng: “Nói bé thôi chả hàng xóm nghe thấy”. Thở thiếu thốn nghèo đói, người ta còn sợ cả hàng xóm cười chê, xấu hổ. Tôi xanh mặt rụt vai lại cun cút lảng đi, giả vờ ngó xem nồi bánh chưng sôi đến đâu, có cạn nước không để còn cho tiếp vào. Mẹ thi thoảng đạp xe về, bố chạy ra đỡ khi thì nải chuối với hai chục quả quất, quả bưởi bày  bàn thờ, lúc lại bó hoa, ít rau bắp cải, súp lơ, su hào, lúc thì bó hoa thược dược, lay ơn rực rỡ. Giá cả nhảy múa chóng mặt được mẹ thông báo mỗi lần đưa hàng về. Nào thì “Sáng có 2 trăm thì cứ đắn đo chưa mua, giờ cau vọt lên năm trăm một quả rồi”. Nào thì “Ối dồi, may quá, mua được nải chuối rõ to, chứ giờ mới mua thì bảy trăm một quả mà toàn nải bé tẹo, tranh cướp nhau”. Ngay đến cả củ su hào, bông thược dược, hộp hương vòng cũng mỗi lúc mỗi giá, ngồi nhà nghe mà cũng sốt cả ruột, thế mới biết người đi chợ tính cũng chẳng lại với thị trường, đấy là nghe bố tôi bảo thế, chứ chúng tôi biết gì mà tính. Chỉ biết cứ thấy mẹ mua thêm về cái gì là mừng cái đó.

Có lúc ngơi tay một tí, tôi lon ton chạy ra đón mẹ, tưng hửng chạy vào vì bố mẹ chẳng cho đỡ thứ gì, tính tôi láu táu ẩu đoảng, nhỡ đánh rơi, vỡ, dập nát thì lại tốn tiền mua cái khác. Chắc thương tôi quá, có lần về mẹ dúi cho mấy củ khoai lang, khoai tây be bé, tôi hớn hở chạy ngay ra chỗ nồi bánh chưng, tùi vào, lát sau đã thấy mùi khoai bén than thơm lừng lên. Mấy anh chị em ào ra ăn ngồm ngoàm, mặt mũi nhọ nhem, đen thui, mẹ nhìn thấy vừa buồn cười vừa thương, nhắc: “Ăn ít thôi chả tí nữa không ăn được cỗ”. Gớm, nói vậy chứ chờ mãi mới đến cỗ tất niên, no mấy thì tôi vẫn còn phải ních được bao nhiêu thứ nữa.

Khi con gà cúng tất niên và giao thừa đã thịt xong, bánh chưng đã vớt, bà và mẹ bắt tay vào xào xáo, làm công đoạn cuối cùng chuẩn bị cỗ cúng thì chúng tôi chia nhau đi tắm tất niên. Nồi nước lá mùi già to đùng đặt trên bếp nấu bánh chưng còn đỏ rừng rực than giữa vườn lúc nào cũng sôi sùng sục, đủ cả lũ tắm thỏa thuê. Cả ngày quần quật làm cỗ, chân tay bết những mỡ và hành, nước lá mùi già ngấm đến đâu ghét bở ra đến đấy, sảng khoái kì lạ. Tắm xong cả lũ thong thả đi ngắm hàng dài bánh chưng xếp ngay ngắn trước hiên nhà, ngắm bình hoa thược dược, lay ơn, đồng tiền khoe sắc và cành đào bắt đầu bung nụ hai bên bàn thờ, ngắm mâm cỗ tất niên đầy những món chả nướng, giò, nem, thịt gà, miến xào, bánh chưng… đang bốc khói, thầm mong “các cụ ăn nhanh lên”. Cuối cùng cũng đến lúc được ăn cỗ. Những cái mồm háu ăn nhai nuốt như những cái máy nghiền, đũa gắp thức ăn va vào bát lanh canh, đĩa nào đĩa nấy gần như sạch bong, ánh mắt của mẹ tôi, bố tôi, bà tôi dường như cũng lấp lánh sáng theo ánh điện của cuối ngày bừng lên náo nức. Tết đã đến thật rồi.

Mọi công đoạn làm cỗ đã xong, gà cúng giao thừa đã luộc, xôi cũng đơm rồi, cổng ngõ đã quét sạch tinh tươm, những đốm lửa đốt đống rấm ngoài kia vẫn còn nghi ngút khói, thi thoảng theo gió bùng lên sáng lập lòa, không gian đặc quánh mùi hương trầm, chỉ còn chờ sang canh. Cả nhà ngồi bỏ hạt dưa, hạt bí ra cắn chắt.

Lũ chúng tôi lúc này háo hức nhất vì thể nào mẹ cũng mang quần áo mới ra phân phát. Những chiếc quần áo này mẹ mua từ mọi hôm hoặc chỉ mới mua sáng nay thôi, khi chúng tôi còn đang túi bụi làm cỗ. Anh tôi được chiếc áo sơ mi trắng, mặc vào ra dáng thanh niên, tha hồ tự hào trước ánh mắt ngưỡng mộ của các cô bạn gái, tôi đoán thế. Chị hai tôi được chiếc áo màu tím, trông dịu dàng khác hẳn ngày thường. Chị ba thì được chiếc áo màu vàng, thêu bông hoa mai, chị cứ xoay xoay quanh gương ngỡ mình được mặc váy công chúa.

Còn tôi, chiếc áo màu hồng thêu hoa đào, đúng màu tôi thích. Khỏi nói tôi vui thế nào, cứ nhảy chân sáo tung tăng quanh nhà, mẹ phải ngăn bớt lại chả đụng vào những rổ bánh chưng, giò, những hộp nem hay bị những xiên chả và đòn giò xào treo lủng lẳng trên cửa sổ rơi vào người thì bẩn hết áo. Tôi hết ngắm gia tài thức ăn đang ngồn ngộn trên bàn lại ngắm chiếc áo màu hồng đang mặc, lòng rộn lên như có trống đánh ở trong.

Có lúc tôi giật mình, chùng xuống vì chiếc quần mặc từ năm ngoái có thủng mấy lỗ ở đầu gối và đôi dép tổ ong đang có nguy cơ cụt mõm. Cơ mà thôi, Tết có áo mới, có cả bàn dài thức ăn thế kia cũng đã mãn nguyện lắm rồi. Hãy còn thòm thèm, tôi bốc trộm miếng nem còn sót lại từ bữa cỗ tất niên. Không ai đứng gần nhưng tôi cũng biết, có cho tiền tôi cũng chẳng dám động vào chỗ thức ăn làm sẵn kia, vì còn để cúng cụ.

Hương Giang

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu