04:46 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI giảm nhẹ

Minh Anh (T/h) | 12:08 08/05/2023

(THPL) - Theo thống kê, từ đầu năm đến hết ngày 15/4, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt 125,56 tỷ USD, giảm 14,2%.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/4 đạt 179,74 tỷ USD, giảm 14,6%, tương ứng giảm 30,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt 125,56 tỷ USD, giảm 14,2% (tương ứng giảm 20,7 tỷ USD). Như vậy, các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 67,4% mức sụt giảm kim ngạch của cả nước.

Về xuất khẩu, kỳ 1 tháng 4 (1-15/4), kim ngạch của doanh nghiệp FDI đạt 9,56 tỷ USD, giảm 20,5% tương ứng giảm 2,47 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 3/2023. Tính đến hết ngày 15/4/2023, đạt 68,6 tỷ USD, giảm 11%, tương ứng giảm 8,48 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 74,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Ở chiều ngược lại, kỳ 1 tháng 4 các doanh nghiệp FDI chi đạt 8,28 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa, giảm 8,6% (tương ứng giảm 779 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 3/2023. Tính đến hết ngày 15/4/2023, tổng kim ngạch đạt 56,96 tỷ USD, giảm 17,7% (tương ứng giảm 12,26 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 65,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI giảm nhẹ. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến nguyên nhân sụt giảm của xuất khẩu, Bộ Công Thương cho rằng là do yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, giảm tổng cầu trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, tác động đến từng ngành hàng có sự khác nhau.

Cụ thể, những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU,.. như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản có mức sụt giảm nhiều nhất; trong khi các ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là châu Á như cao su, gạo, rau quả, hạt điều... ít chịu tác động hơn. Bên cạnh đó, một số ngành hàng như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Vấn đề chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu.

Trong diễn biến liên quan, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, những khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu từ cuối năm 2022 chưa thể khắc phục ngay và dự báo còn kéo dài sang năm 2023. Sự sụt giảm của nhu cầu thế giới, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới, chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.

Bên cạnh đó, những cú sốc chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, khiến giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao. Tình hình xuất khẩu còn bị ảnh hưởng do lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển.

Minh Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu