09:14 ngày 19/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Khách hàng phản ánh hệ thống Eyssight trên ôtô Subaru Forester bị lỗi, luật sư nói gì?

08:27 22/09/2022

(THPL) – Trong trường hợp không thể thỏa thuận được, để đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình (khoản 7 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010).

Đó là ý kiến của Luật sư Đặng Thành Chung – Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Đồng thời, Luật sư Đặng Thành Chung đánh giá: Theo mô tả thì hệ thống EyeSight là tính năng của dòng xe này, như vậy có thể xác định EyeSight là một hệ thống ăn khớp, hợp thành chỉnh thể để dòng xe này vận hành bình thường; nếu hệ thống EyeSight có vấn đề hoặc không hoạt động là vấn đề về chất lượng, giá trị sử dụng của hàng hóa (ô tô) – khuyết tật của hàng hóa.

Luật sư Đặng Thành Chung – Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 cũng quy định rất rõ như sau:

Người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp;(…..); Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết (Điều 8);

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hàng hóa, nghiêm cấm lừa dối hoặc gây nhầm lẫn thông tin cho người tiêu dùng thông qua quảng cáo (khoản 1 Điều 10); thu hồi hàng hóa có khuyết tật (Điều 22); bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra (Điều 23).

Ngoài ra, tại Điều 445 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định: “Bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán; nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay cho bên bán khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác, giảm giá và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Từ các căn cứ nêu trên, luật sư Đặng Thành Chung cho rằng: “Nếu người tiêu dùng cho rằng hệ thống EyeSight không hoạt động và đề nghị bên bán làm rõ thì tôi nghĩ bên bán nên và cần chủ động hợp tác, phối hợp làm rõ, còn theo quy định pháp luật đây là trách nhiệm của bên bán. Thông tin càng rõ ràng, cụ thể thì càng thuận lợi giải quyết vấn đề cũng như xác định được đúng trách nhiệm của các bên.”

“Trong trường hợp không thể thỏa thuận được, để đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình (khoản 7 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010).”  Luật sư Đặng Thành Chung khẳng định.

Xe của khách hàng N.A.Đ bị va chạm khiến phần đầu xe hư hỏng nặng. Ảnh  khách hàng cung cấp.

Trước đó, Thương hiệu & Pháp luật nhận được phản ánh của khách hàng về việc tính năng “cảnh báo, phanh phòng chống va chạm” trên xe ôtô Subaru Forester 2.0 i-S Eyesight không hoạt động mặc dù di chuyển trong điều kiện thời tiết bình thường. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản cũng như sức khỏe của khách hàng.

Tuy nhiên, điều khiến khách hàng bức xúc đó là cách làm việc của đại lý Subaru tại Hà Nội gây nhiều ức chế cho khách hàng, không hợp tác và có dấu hiệu thiếu tôn trọng khách  hàng. Đồng thời, đại lý này để sự việc kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

Ở một diễn biến khác, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Công ty TNHH Hình Tượng Ô tô Việt Nam (Đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền sản phẩm Subaru tại Việt Nam), đề nghị tiếp nhận, giải quyết và báo cáo kết quả giải quyết yêu cầu, phản ánh của người tiêu dùng.

Văn bản của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Công ty TNHH Hình Tượng Ô tô Việt Nam.

Bên cạnh đó, trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty TNHH Hình Tượng Ô tô Việt Nam (MIV) cho biết, hiện tại MIV đã tiếp nhận và làm việc ban đầu với khách hàng. Đồng thời, MIV đang chờ một số thông tin cần thiết từ phía nhà máy bên Nhật sau đó mới tiến hành làm việc tiếp với khách hàng.

Thiết nghĩ, để củng cố niềm tin của khách hàng cũng như thể hiện cách làm việc chuyên nghiệp, MIV cũng như các đơn vị liên quan cần sớm có phương án giải quyết, tránh để đơn thư khiếu nại kéo dài, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, danh dự, uy tín và chi phí, thời gian của hai bên.

Thắng Nguyễn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu