10:39 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nhiều sản phẩm sáng tạo hội tụ tại Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2022

Tú Chi (t/h) | 10:21 04/11/2022

(THPL) - Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 nhằm tạo sân chơi, tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi phát huy ý tưởng sáng tạo, tạo ra những tác phẩm thủ công mỹ nghệ có tính mới, kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao và đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Đây cũng là cơ hội kết nối văn hoá vùng miền, giúp cho các làng nghề, cơ sở nghề hợp tác cùng phát triển; định hướng sản xuất kinh doanh, mở rộng tiếp cận thị trường. Đồng thời, góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Sau 6 tháng phát động, Ban tổ chức Hội thi đã tiếp nhận 369 sản phẩm của 196 tác giả, nhóm tác giả cả 3 miền Bắc - Trung - Nam; trong đó, khu vực miền Bắc có 251 sản phẩm của 132 tác giả; miền Trung 32 sản phẩm của 15 tác giả, miền Nam là 85 sản phẩm của 49 tác giả. Mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ là một tác phẩm kết tinh từ sự lao động cần mẫn, nghiêm túc, sáng tạo không ngừng cùng với công nghệ tiên tiến của các nghệ nhân, người lao động, thợ thủ công mỹ nghệ và người dân nông thôn. Có sản phẩm mang tính độc lạ từ chất liệu lá, vỏ khô… Nhiều sản phẩm mang tính đa năng, vừa là vật dụng trang trí mà vẫn sử dụng được hàng ngày.

Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2022 quy tụ nhiều sản phẩm sáng tạo. Ảnh: Internet

Qua thời gian làm việc công tâm, Ban tổ chức Hội thi đã lựa chọn ra 48 sản phẩm để trao 1 Giải Đặc biệt; 5 Giải Nhất; 10 Giải Nhì; 15 Giải Ba và 17 Giải Khuyến khích. Những sản phẩm đạt giải đã đại diện cho các vùng miền, tập trung ở 16 tỉnh, TP. Trong đó, Hà Nội – cái nôi của làng nghề là địa phương có số lượng sản phẩm đạt giải lớn nhất.

Tác giả có sản phẩm đạt Giải Nhất tại hội thi. Ảnh: Internet

Theo tin từ Bộ NN&PTNT, các sản phẩm đạt giải tại Hội thi sẽ được quảng bá, giới thiệu dưới nhiều hình thức để người dân trong nước và nước ngoài biết đến; tạo sự giao thoa văn hoá. Mỗi nghệ nhân sẽ là một sứ giả ngoại giao và mỗi sản phẩm làng nghề là một tấm visa thông hành, đưa tinh hoa, văn hoá của Việt Nam hướng ra thế giới.

Cũng tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Việt Nam có bề dày lịch sử, với nhiều nghề truyền thống, làng nghề truyền thống. Các sản phẩm làng nghề thông qua đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, thợ giỏi đã kết tinh thành giá trị. Đó cũng chính là hồn cốt, tinh hoa, tinh tuý sản phẩm làng nghề của đất nước Việt Nam. Khi nhìn vào những tác phẩm của các nghệ nhân, chúng ta không chỉ nhìn ở khía cạnh giá trị một tác phẩm, mà hãy xem đó là tinh hoa của đất nước, của dân tộc, là tâm hồn của người Việt nằm trong chính những tác phẩm đó, từ đó, sẽ kết tinh thành những giá trị, đúng như chủ đề của Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 “Tài hoa kết tinh thành giá trị” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn tất cả cùng nâng niu những tác phẩm của từng làng nghề, từng nghệ nhân, cùng nhau tạo dựng lên hệ sinh thái sản phẩm làng nghề, để thấy rằng Việt Nam có một báu vật, một di sản để nâng niu, trân trọng, bảo vệ và phát huy.

Được biết, từ năm 2020, Bộ NN&PTNT đã tổ chức thành công Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam, qua đó đã thu hút được 174 nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế, các tổ chức, cá nhân và 339 sản phẩm tham gia Hội thi. Sau Hội thi, các sản phẩm đạt giải đã được giới thiệu, quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; nhiều làng nghề, làng nghề truyền đã kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã; các nghệ nhân, thợ giỏi cũng được nhiều lao động biết đến để theo học nghề thủ công mỹ nghệ.

Tính đến hết năm 2021, cả nước có 181 nghề truyền thống; 1.983 làng nghề, làng nghề truyền thống và 54 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình Nghề thủ công truyền thống được công nhận. Tổng số cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh các làng nghề năm 2021 là khoảng 213.000 cơ sở. Trong đó, có gần 2.000 doanh nghiệp, 350 hợp tác xã, 330 tổ hợp tác và 210.000 hộ gia đình; tạo việc làm cho trên 672.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn trong các làng nghề đã được công nhận năm 2021 đạt gần 60.000 tỷ đồng. Một số sản phẩm ngành nghề nông thôn đạt được kết quả xuất khẩu cao như: Sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt trên 878 triệu USD (tăng 43,8% so với năm 2020); Sản phẩm gốm, sứ đạt trên 674 triệu USD (tăng 16,1% so với năm 2020).

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu