06:32 ngày 08/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Nức tiếng thơm giò chả làng nghề Ước Lễ

09:58 07/01/2023

(THPL) - Từ lâu, làng Ước Lễ đã nổi tiếng với nghề làm giò chả truyền thống. Chẳng vậy mà khi nhắc tới sự phát triển của nghề làm giò chả tại Ước Lễ, nhiều người nghĩ ngay tới câu ca dao tục ngữ quen thuộc “Khéo thì thợ may, vụng tay chày cối”.

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km về phía Tây Nam, làng nghề Ước Lễ thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai. Trước đó, Ước Lễ vốn nổi tiếng với không gian kiến trúc cảnh quan đẹp cũng như nhiều công trình kiến trúc truyền thống có giá trị.

Theo sử sách ghi lại: Vào thời nhà Mạc (1527 - 1592) có một cung tần trong triều đình vốn là người làng Ước Lễ về xây cổng làng và dạy cho dân làng nghề giò chả. Do đặc thù giò chả cần thị trường tiêu thụ ở những thành phố lớn, nên người dân làng Ước Lễ đi khắp nơi làm ăn. Người dân Ước Lễ tảo tần, chịu khó và hễ nơi nào có thể làm ăn được là tìm đến. 

Hằng năm cứ vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch, Ước Lễ tổ chức ngày hội làng, người dân làng từ khắp nơi trong và ngoài nước lại tụ họp về quê tham gia hội làng, tôn vinh nghề truyền thống của tổ tiên. Các thanh niên mổ lợn giã giò suốt đêm, bà con quây quần ngồi gói giò, làm chả tại sân đình. Những miếng chả thơm hương quế, những cây giò luộc còn nóng hổi là những đặc sản để người dân dâng lên cúng Thành Hoàng làng.

Từ gốc rễ là giò lụa và chả quế, người dân Ước lễ đã sáng tạo ra nhiều loại giò, chả khác nhau với những hương vị quê nhà
Lễ hội tại Ước Lễ tái hiện quy trình giã giò truyền thống bằng cối đá

Theo các nghệ nhân trong làng cho biết: Nguyên liệu chính để làm giò là thịt lợn. Nếu muốn có một cân giò hoặc một bìa chả ngon thì miếng thịt nó phải “au” màu da vải. Người làng nghề Ước Lễ chọn nguyên liệu làm giò chả tinh tế, tỉ mỉ như một nghệ sĩ thực thụ. Và cũng thông qua màu sắc và thớ thịt, nghệ nhân làng nghề Ước Lễ có thể đoán được chính xác độ tươi ngon và thời gian nuôi của từng con lợn.

Khi mở rộng sản phẩm giò trâu, giò bò, họ còn phân biệt được trâu, bò được chăn thả ở miền núi hay nuôi ở miền xuôi. Điều này giúp người dân làng nghề tính toán, gia giảm, cân bằng gia vị trong pha chế và thời gian chế biến nhằm tạo nên sản phẩm hài lòng thực khách. 

Đặc biệt, làng nghề quy định trong pha chế bao giờ cũng cân bằng ngũ hành, âm dương. Trong miếng thịt, người ta cũng phân biệt thịt nạc là dương, thịt mỡ là âm; muối là âm, mật là dương; muối tạo giòn, mật tạo dai và dứt khoát phải có nước mắm cốt truyền thống. “Hương thơm của nước mắm cốt được pha chế hòa quyện âm dương ngũ hành, vị ngọt, giòn, dai…, như vậy mới chuẩn vị giò, chả làng Ước Lễ.

Từ gốc rễ là giò lụa và chả quế, người dân Ước lễ đã sáng tạo ra nhiều loại giò, chả khác nhau với những hương vị quê nhà như: giò bò, giò xào, giò bì, rồi chả quế, chả rán, nem chua…ăn kèm với bánh chưng, bánh giầy. Loại giò chả nào cũng ngon, cũng được thị trường Việt Nam ưa chuộng, nhiều du khách quốc tế đến du lịch Việt Nam cũng yêu thích món này và tìm để thưởng thức.

Những người con làng Ước Lễ sẽ mãi gìn giữ và phát triển nghề truyền thống giò chả

Tưởng chừng chỉ là ẩm thực gia truyền gói gọn trong ngôi làng nhỏ bé thế nhưng giò chả Ước Lễ đã vươn xa hơn, vượt qua ý nghĩa của một món ăn và trở thành một nét văn hóa đậm chất Việt trong đời sống người dân. Trong mỗi bữa cơm giản dị hay trong những dịp lễ trọng đại, những ngày Tết cổ truyền đều có đĩa giò, đĩa chả đúng vị Ước Lễ trong mâm cơm. Người ta quan niệm rằng: “Thiếu đi giò chả là thiếu đi một nét văn hóa rất riêng của người Việt”.

Rời Ước Lễ khi góc sân đình vẫn đang rộn ràng tiếng cười nói hòa trong tiếng giã giò chắc nịch, chúng tôi nhớ lại chia sẻ của ông Nguyễn Đức Bình - Nghệ nhân làng nghề Ước Lễ cho biết: Sống với nghề, bám lấy nghề giò chả Ước Lễ không chỉ là cuộc mưu sinh, mà còn là giữ nghề cha ông, giữ cái nếp của làng, như sợ chỉ nhãng đi một cái, là sẽ chẳng còn một thứ nghề đã trải qua khá nhiều thăng trầm cùng lịch sử. Đó là niềm tự hào của con cháu thế hệ sau, khi cuộc sống hiện đại, vẫn tiếp nối những vinh quang mà cha ông xưa từng làm thức ăn ngon đến thế. Có lẽ vì thế mà hơn 500 năm qua, tiếng thơm của làng nghề truyền thống Ước Lễ vẫn tồn tại, vẫn để lại trong lòng thực khách những hương vị khó quên. 

Thanh Huyền

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu