14:45 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Hướng đi nào cho thương hiệu sản phẩm làng nghề Thụy Ứng?

| 08:23 30/12/2017

(THPL) - Nghề chế biến xương, sừng trâu, bò xuất khẩu khắp các nước trên thế giới, được nhiều người trong vùng biết đến và là giải pháp xóa đói giảm nghèo hiệu quả của người dân làng Thụy Ứng, nhưng làng nghề vẫn không thể xây dựng được thương hiệu riêng cho mình.

Đến làng nghề mỹ nghệ xương sừng Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội), PV Thương hiệu và Pháp luật chứng kiến hàng chục hộ chuyên làm chế biến các sản phẩm từ xương, sừng trâu bò… với các sản phẩm như: Đũa, lược, bút, môi, đồ trang trí tủ, hạt cườm… giá trị vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/chiếc, tùy vào công phu, họa tiết tỷ mỉ...

Những sản phẩm mỹ nghệ từ sừng được các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Mỹ… đặc biệt ưa chuộng do được làm hoàn toàn thủ công. Quyết tâm mang sản phẩm làng nghề đi khắp thế giới, những người làm nghề vẫn đang nung nấu xây dựng một thương hiệu riêng cho mình như gia đình ông Nguyễn Văn Phụ, anh Phạm Văn Sử...

Tại nhà ông Nguyễn Văn Phụ, thôn Thụy Ứng, khi PV vào thăm xưởng sản xuất, ông Phụ đang cưa cắt từng khúc xương sừng trâu, bò bốc mùi khó chịu, cùng với đó là bụi bay mù mịt khắp nơi. Bên cạnh là những công nhân và bà Phụ đang cặm cụi chế tác, họa tiết những sản phẩm mỹ nghệ. Ông Phụ giới thiệu cho chúng tôi các sản phẩm được chế biến từ xương, sừng như: Môi, đũa, hạt cườm, đồ trang trí tủ, lược, bút… có giá trị từ vài ba trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng.

làng nghề Thụy Ứng
Ông Phụ giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ từ xương sừng Thụy Ứng với PV.

Theo ông Phụ, sản phẩm cơ sở làm ra, nhiều khách khắp nơi về đặt mua, thậm chí xuất rất nhiều sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Ông Phụ tự hào kể về lịch sử hình thành nghề. Từ hàng trăm năm nay, trên khắp đất nước Việt Nam, làng nghề Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, (Hà Nội) tự hào là nơi làm ra những chiếc lược sừng vừa bền, vừa tiện dụng. Không chỉ là làng nghề độc đáo, với bàn tay tài hoa, ngày nay, người dân Thụy Ứng còn sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mỹ nghệ từ chất liệu sừng trâu, bò để xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Không phải vô cớ mà người làng Thụy Ứng được mệnh danh là những người "thổi hồn sừng"…

Làm xương, sừng cũng lắm công phu… Để có được một chiếc lược sừng, phải trải qua ít nhất 30 công đoạn, từ luộc, ép đến thành khuôn, cắt răng, chà lát, đánh bóng… Kinh nghiệm làm lược, nếu làm thớ ngang, lược dễ gãy, làm thớ dọc thì lược sẽ bền đẹp. Lược màu trắng, làm từ sừng trâu trắng có giá hơn lược đen. Lược làm từ sừng cũng có giá trị hơn lược làm từ móng. Nhưng phải là người Thụy Ứng mới phân biệt được đâu là chất sừng từ móng, đâu là chất sừng thuộc cặp sừng. Đưa ra một miếng nguyên liệu phôi thành phẩm, anh Thiêm chỉ cho chúng tôi xem rồi giải thích: "Khi ép ra, phần có màu trắng là đế móng, phần trên móng có màu đen. Những chiếc lược sừng làm từ móng thường có 2 màu là vì vậy".

Ông Phụ tự hào cho biết, theo sách về những làng nghề trên đất nước Việt Nam, cả nước có hai làng nghề làm lược là làng nghề lược sừng Thụy Ứng và làng nghề làm lược bằng xương, tre (lược bí) Trầm Vạc, tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, đến hôm nay, làng nghề lược bí Trầm Vạc hầu như đã mai một hết. Duy chỉ còn làng nghề lược sừng Thụy Ứng vẫn tồn tại và phát triển.

Theo những gì mà xã Hòa Bình ghi chép lại, lược sừng Thụy Ứng có từ thời vua Lê Trung Tông, hiệu Thuận Bình (từ năm 1549 đến năm 1556). Ông tổ nghề, và khoảng thời gian xuất hiện nghề lược sừng ở Thụy Ứng như sau: Có hai anh em là cháu Tiến sĩ Trần Đắc, người làng Thụy Ứng. Không rõ người anh hay người em đã dạy cho dân nghề làm lược. Mặc dù không rõ tên tuổi ông tổ dạy nghề, nhưng dân làng đã làm bức ảnh chân dung ông tổ nghề bằng khảm trai ốc, lồng trong giá gương để thờ tại tam bảo chùa làng.

IMG_0151
Xưởng sản xuất mỹ nghệ từ xương sừng luôn bốc mùi khó chịu, du khách đến đây không quay lại.

Nghề phát triển mạnh đến nay với hàng chục cơ sở, người làm nghề mỹ nghệ xương sừng Thụy Ứng tận dụng hết từ trâu bò thịt xong, những sản phẩm còn lại đều được người làm nghề tận dụng hết. Ngoài sừng, móng là nguyên liệu chính để chế tác các sản phẩm mỹ nghệ, da được thuộc, xương thì nghiền làm thức ăn gia súc, lông đuôi được dùng làm bàn chải, mùn sừng là loại phân bón hữu cơ tốt…

Đến thăm các xưởng sản xuất nhỏ trong các hộ gia đình ở Thụy Ứng mới thấy công đoạn chế tác sừng cũng lắm công phu. Sừng, móng tươi được thu mua từ các nơi về, phơi khoảng 1 tuần cho khô. Trước khi chế tác thành đồ mỹ nghệ, nguyên liệu thô phải luộc trong dầu sôi cho mềm rồi đưa vào máy ép thủy lực, cán thành những miếng sừng mỏng.

“Ngày trước, khi chưa có máy ép, những người thợ phải dùng vồ gỗ nặng vài chục cân đập cho phẳng, vừa tốn sức, năng suất lại thấp. Công đoạn luộc, ép sừng rất độc hại. Người thợ phải trực tiếp ngồi bên nồi dầu sôi bỏng rát mặt, mùi dầu cộng với mùi hôi của móng trâu, bò nồng nặc. Muốn có nguyên liệu ưng ý, phụ thuộc vào kinh nghiệm của từng người thợ. Tùy theo từng chiếc sừng mà hơ, ép, pha, cắt cho phù hợp, sừng trâu non uốn khỏi tay lại cong vênh ngay” - ông Phụ cho biết.

Vào thăm nhà anh Nguyễn Văn Sử, một "đại gia" của làng nghề Thụy Ứng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những sản phẩm tinh xảo từ sừng. Anh Sử hồ hởi cho biết, gia đình vừa được lựa chọn làm đại diện các làng nghề làm đồ mỹ nghệ tại Hà Nội tham gia hội chợ thương mại các làng nghề tại Bằng Tường, Trung Quốc. Số hàng mang đi tham dự hội chợ trong mấy ngày đã hết veo. Điều mừng hơn là sau hội chợ, anh nhận được rất nhiều đơn hàng từ các công ty nước ngoài, mở ra cơ hội làm ăn mới cho gia đình. Nhưng để trở thành "đại gia" như ngày hôm nay, với anh Sử là cả quãng đường truân chuyên.

Khởi đầu chỉ là một người bán hàng rong, những chiếc lược sừng được anh Sử mang đi các tỉnh trong Nam ngoài Bắc bán dạo. Hồi đó, sản phẩm từ sừng của Thụy Ứng chỉ dừng lại ở mặt hàng lược chải đầu, những chiếc lược giản dị, chưa trạm trổ hoa văn cầu kỳ, thẩm mỹ như bây giờ. Thời kỳ hội nhập, sản phẩm làng nghề độc đáo được người nước ngoài hết sức ưa chuộng. Là người đi đây đi đó, nắm bắt được nhu cầu này, anh Sử đã về làng, mở rộng quy mô sản xuất theo thị hiếu của khách.

Tuy nhiên, hiện nay, lược nhựa đã lấn át thị trường, khiến thương hiệu làng nghề làm lược sừng của dân làng Thụy Ứng lao đao. Nhiều hộ chuyển sang nghề thuộc da trâu, bò. Lợi đâu chưa thấy, nhưng mối hại ô nhiễm môi trường thì đã quá rõ. Mùi hôi thối nồng nặc đầu làng cuối xóm, ruồi nhặng vo ve ngày đêm... khiến Thụy Ứng bị đưa vào danh sách "đen" về các làng nghề gây ô nhiễm môi trường.

Khi được hỏi về tình trạng ô nhiễm môi trường làm nghề, ông Phụ xua tay phân bua: “Gia đình tôi làm 3 - 4 đời nay có sao đâu, vẫn sống bình thường… Tôi sống đến tuổi này chả thấy bệnh tật gì về hô hấp hay hen suyễn…”. Nhìn những đống xương sừng trâu, bò bốc mùi khó chịu án ngữ ngay cửa ra vào, tràn xuống sân chúng tôi ái ngại cho cuộc sống người dân nơi đây. Có thể người làm nghề hàng ngày tiếp xúc quen lên không cảm thấy gì, khách lạ như chúng tôi cảm thấy khó chịu. Sự ô nhiễm đã ảnh hưởng lớn tới du lịch làng nghề bởi khách tham quan, đặc biệt là khách nước ngoài một đi không trở lại.

Được biết, câu chuyện thành lập Hội làng nghề Hòa Bình không thành do một bộ phận người dân không mấy mặn mà. Vì vậy đến nay, làng nghề mỹ nghệ Thụy Ứng mặc dù đã xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới song vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho mình.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu