14:59 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Giáo viên - Chủ thể quan trọng của cải cách giáo dục từ năm học tới

09:51 11/01/2024

(THPL) - Dù được trao quyền lựa chọn sách giáo khoa từ năm học tới theo đúng tinh thần của Thông tư 27/2003/TT-BGDĐT, nhưng đội ngũ giáo viên vẫn sẽ là chủ thể quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục, phát triển toàn diện học sinh thời đại công nghệ 4.0.

Vì sao phóng viên lại có lời khẳng định như vậy? Trước đó, Thương hiệu và Pháp luật đã có cuộc khảo sát nhỏ với rất nhiều thầy cô giáo trên cả nước về “tầm quan trọng của việc đổi mới, cải cách giáo dục theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” sẽ phụ thuộc bởi yếu tố nào? Gần 90% thầy cô tham gia khảo sát đều cho rằng: “Việc lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp sẽ quyết định thành công của công cuộc đổi mới, cải cách giáo dục”. 

Giáo viên - Nhà nghiên cứu tiên phong trên mặt trận tri thức

Thông tư 27/2003/TT-BGDĐT được ban hành kèm theo các danh mục sách giáo khoa của chương trình lớp 5,9 và 12 đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi để giáo viên được làm chủ, trở thành nhà nghiên cứu tiên phong trên mặt trận tri thức. 

Từ xưa đến nay, các vấn đề thực tiễn của toàn ngành giáo dục đều xuất phát từ chính chủ thể là thầy cô giáo. Họ chủ động, sáng tạo xây dựng các chương trình dạy phù hợp dựa trên cơ sở nghiên cứu sách giáo khoa đổi mới, từ thực tiễn dạy và học để tổng hợp đúc kết kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm đó cho tập thể sư phạm của nhà trường. 

 

Đội ngũ giáo viên vẫn sẽ là chủ thể quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục, phát triển toàn diện học sinh thời đại công nghệ 4.0. 

Nhiều giáo viên trên cả nước đều cho rằng, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật Giáo dục quy định xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa đã cho thấy chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá của ngành giáo dục. Từ cơ chế độc quyền sách giáo khoa, Việt Nam đã chuyển sang cơ chế xã hội hóa - thực hiện được cơ chế này sẽ góp phần nhằm khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của phát triển của thời đại.

Đặc biệt, những những giáo viên này còn khẳng định: Xã hội hoá sách giáo khoa là chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là của Quốc hội và Chính phủ để nhằm thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học biên soạn và phát triển trí não của học sinh. 

Bên cạnh đó, việc thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa còn phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại, giảm tải gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công cho giáo dục, mang tính đột phá, chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế xã hội hóa, giúp sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.

Cô Hà Mai (giáo viên Trường Tiểu học Yên Tân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) thì cho rằng, chủ trương xã hội hoá đã huy động được nhiều tổ chức cùng đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học chuyên gia giáo dục tham gia biên soạn sách giáo khoa. Trong suốt quá trình biên soạn, xây dựng bản mẫu, tiến hành thực nghiệm, nghiệm thu đều được kiểm soát chặt chẽ, tất cả dựa trên sự đồng tình, nhất trí của rất nhiều giáo viên. 

Hiện nay, Việt Nam có 6 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục các khối lớp và 3 tổ chức biên soạn sách giáo khoa, khoảng 1.574 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa cho 6 khối lớp, trên ⅔ tác giả có trình độ tiến sĩ. 

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá: “Cùng học về truyện ngụ ngôn nhưng sách này học truyện này, sách kia học truyện khác nhưng đều đạt được năng lực cho học sinh như nhau. Nhờ đó, nội dung đưa vào các nhà trường để dạy và học phong phú hơn rất nhiều nên xã hội hoá sách giáo khoa sẽ giảm thiểu hạn chế này”. 

Phó vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học cũng nhấn mạnh: “Đã là sách giáo khoa xã hội hoá thì phải thực hiện theo cơ chế thị trường, cấu thành của sách giáo khoa từ khâu biên soạn đến thẩm định, biên soạn, xuất bản… sẽ đưa ra được giá cụ thể cho từng bộ sách giáo khoa”. 

Với vai trò là Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), thầy Nguyễn Anh Sơn chia sẻ: “Tổng quan thì các bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Công ty Cổ phần Xuất bản-Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) liên kết một số nhà xuất bản thực hiện (bộ sách Cánh Diều) và nhiều nhà xuất bản khác đều mang đậm dấu ấn của tri thức, khao khát đem đến cho học sinh những kiến thức bổ ích, phù hợp với thực tiễn của xã hội”. 

“Thay vì phải học cơ chế, cấu tạo, tính chất thì các con sẽ học kiến thức ứng dụng vào đời sống. Trong các bộ sách mới cũng có thêm nhiều tình huống đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho bài giảng, phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra lựa chọn bộ sách giảng dạy”,  thầy Sơn nhấn mạnh.

Với 4 năm giảng dạy chương trình lớp 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thông qua nghiên cứu các bộ sách và giảng dạy cô Lê Thị Kim Chi (giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, thành phố Thái Nguyên) cho rằng, các bộ sách đều có sự nghiên cứu kỹ lưỡng đảm bảo thời lượng dạy học, giảm tải áp lực cho cô trò. 

Cô Chi lấy ví dụ, ở phần âm và vần đều có thời lượng học đến giữa kì 2 rồi mới đến luyện tập tổng hợp. Việc sắp xếp như vậy sẽ giúp giáo viên bao quát toàn bộ lớp học theo năng lực học sinh để có sự phân luồng hiệu quả ở giai đoạn quan trọng nhất của Chương trình giáo dục phổ thông. 

Trong lần cải cách sách giáo khoa lần này ở 3 cấp học 5,9, 12 này, các nhà xuất bản đều áp dụng công nghệ số vào từng trang sách. Kênh hình và kênh chữ được thiết kế sinh động phù hợp với từng nội dung bài giảng cho học sinh. 

Đáng nói, trong các bộ sách giáo khoa đều có nhiều kiến thức mới nhưng hàm lượng kiến thức cũng như cấu trúc vẫn được tính toán phù hợp năng lực học sinh và quá trình dạy học của giáo viên, để giáo viên thực sự là người làm chủ tri thức. 

Phát triển phẩm chất, năng lực cho người học từ giáo viên

Nhiều giáo viên cho rằng, chương trình mới của các bộ sách đều có môn học tích hợp nên các thầy cô phải nỗ lực rất nhiều để có thể làm chủ được tri thức. Ở góc độ quản lý giáo dục, các nhà trường sẽ phải sắp xếp nhân lực cũng như có kế hoạch cụ thể cho từng năm học, từng học kỳ mới đáp ứng được yêu cầu. 

Cô giáo Lê Thanh Hiền (giáo viên Trường Tiểu học Lâm Mộng Quang, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) cho biết, ngay sau khi các danh mục sách giáo khoa được ban hành, đội ngũ giáo viên đã có bản mềm, sách mẫu và cả video hướng dẫn để trực tiếp tìm hiểu, đánh giá…từ đó gửi đến Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục (Hội đồng) để lựa chọn bộ sách phù hợp giảng dạy. 

Bố cục của các bộ sách đều rất rõ ràng và bắt mắt, học sinh sẽ phát huy được năng lực của mình thông qua các phần mục đích bài học.

Sau 1 năm dạy môn Lịch sử - Địa lý theo chương trình sách giáo khoa mới của lớp 10, thầy Hoàng Trọng Văn (giáo viên cấp 3 tại Hà Nội) nhận thấy rất nhiều ưu điểm của các bộ sách, những tiêu chí này sẽ được làm căn cứ để cô cùng tập thể sư phạm nhà trường lựa chọn danh mục sách giáo khoa lớp 12 vào năm tới đây. 

“Bố cục của các bộ sách đều rất rõ ràng và bắt mắt, học sinh sẽ phát huy được năng lực của mình thông qua các phần mục đích bài học, khởi động, tuyến chính, tuyến phụ và cả luyện tập vận dụng”, thầy Văn nhấn mạnh. 

Thầy Văn cho biết thêm, ưu điểm của bộ sách được nhiều giáo viên đánh giá chính là giảm tải dữ liệu, sự kiện, trọng tâm vào giáo dục giá trị cốt lõi của vấn đề lịch sử cho các em học sinh. Điều này đòi hỏi thầy cô sẽ là người tạo ra thêm các hoạt động trên lớp để học sinh tiếp thu được trọn vẹn nội dung bài học. 

Có thể thấy, dù cải cách đổi mới giáo dục ở bất kỳ thời điểm nào thì giáo viên vẫn phải là chủ thể quan trọng. Việc lựa chọn bộ sách phù hợp sẽ giúp giáo viên chuyển từ truyền thụ tri thức sang cách tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức bằng nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. 

Nhờ đó từng bước hoàn thiện đạt được các mục tiêu trong “Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cụ thể, đến năm 2030 của giáo dục Việt Nam là phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Đồng thời, xây dựng hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.

Tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Quốc An 

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu