09:30 ngày 09/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thầy giáo Đào Quốc Vịnh: Cần “hết sức cân nhắc” việc Bộ GD&ĐT biên soạn SGK

07:31 08/11/2023

(THPL) - Những ngày qua, vấn đề về việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa tiếp tục là chủ đề được đông đảo đại biểu và cử tri cả nước quan tâm. Đặc biệt, có không ít ĐBQH bày tỏ quan điểm: Việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK là chưa thực sự phù hợp với thực tế, việc này rất dễ dẫn đến tình trạng độc quyền như trước, thầy cô và học sinh thiếu chủ động, sáng tạo trong giảng dạy, học tập. Liên quan tới vấn đề này, PV Thương hiệu và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo, nhà văn Đào Quốc Vịnh – Nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội).

PV: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai được 3 năm. Điểm mới nổi bật của cuộc cải cách là thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”. Ông đánh giá như thế nào về những điểm thuận lợi trong cuộc cải cách giáo dục lần này?

Nhà giáo, nhà văn Đào Quốc Vịnh: Tôi thấy rằng, Nghị quyết 88 năm 2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã thông qua là một Nghị quyết hết sức tiên tiến, thể hiện nhận thức tiến bộ trong việc tạo ra một môi trường giáo dục khai phóng, tạo ra sự tự do cho người học lựa chọn kiến thức và tạo lập kiến thức cho mình. Vì vậy, cần phải có nhiều bộ sách chứ không chỉ một bộ sách.

Việc xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa vừa phát huy trí tuệ, tài chính từ nguồn lực xã hội, vừa đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch, hạn chế những tiêu cực trong việc “độc quyền” sách giáo khoa mà chúng ta đã từng nêu rất nhiều ở các chương trình cũ. Nếu Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa mới, có thể trở thành nguy cơ dẫn đến một tình trạng không công bằng, dân chủ, làm mất tính cạnh tranh trong việc lựa chọn sách giáo khoa. 

Nhà giáo, nhà văn Đào Quốc Vịnh – Nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội). 

PV: Mới đây, Đoàn Giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến yêu cầu có một bộ sách giáo khoa Bộ GD&ĐT biên soạn, thế nhưng cũng không ít quan điểm lo ngại rằng việc này sẽ gây lãng phí, gây lúng túng khó khăn trong quá trình chọn lựa SGK. Quan điểm của ông về việc này?

Nhà giáo, nhà văn Đào Quốc Vịnh: Tôi đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng: Việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước vào thời điểm này là không cần thiết, vì nó gây lãng phí nguồn lực tài chính công.

Nếu Bộ GD&ĐT tiếp tục biên soạn SGK bằng ngân sách nhà nước sẽ là một lãng phí lớn, khi việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK có thể thay thế việc sử dụng ngân sách nhà nước.

Vì sao lại nói đó là lãng phí ngân sách nhà nước khi biên soạn SGK bằng ngân sách nhà nước? Lãng phí là bởi vì thay vì làm SGK, Nhà nước có thể sử dụng số tiền tương đương 16 triệu USD đầu tư vào những lĩnh vực khác mà ở thời điểm này chúng ta chưa thể thực hiện theo phương thức xã hội hóa.

Hơn nữa, có một điều mà chúng ta ai cũng biết, trong số nhiều doanh nghiệp tham gia biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa thì có Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ GD&ĐT sử dụng 100% vốn nhà nước. Đó chẳng phải là Nhà nước đang tham gia biên soạn sách giáo khoa đó sao?

Những ngày qua, vấn đề về việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa tiếp tục là chủ đề được đông đảo đại biểu và cử tri cả nước quan tâm.

PV: Thực tế cho thấy rằng, một chương trình nhiều bộ SGK là một chủ trương đúng, nếu thay đổi giữa chừng sẽ gây ra những hệ lụy gì?

Nhà giáo, nhà văn Đào Quốc Vịnh: Tôi thấy rằng, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng rất công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết 29-NQTW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 88/2014/QH13. Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành Chương trình tổng thể và các chương trình môn học đã được thực hiện đúng quy định, công khai và minh bạch. 

Nếu đang đi giữa chừng mà thay đổi về mặt chiến lược thì nhiều khi làm phá vỡ chương trình. Thay vì biên soạn một bộ SGK mới, Bộ GD&ĐT nên tập hợp đội ngũ cùng các NXB ngồi lại “đãi cát tìm vàng”, lựa chọn từng bài giảng phù hợp, thiết kế một bộ sách tiêu chuẩn đảm bảo yêu cầu của chương trình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phát biểu giải trình trước Quốc hội tại phiên họp sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết: Từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng các SGK  lớp 5, lớp 9, lớp 12 thật tốt, đảm bảo đủ SGK trước năm học mới. Vấn đề được giao, Bộ sẽ có nghiên cứu, đề xuất và cố gắng trong 1- 2 năm tới khi một chu trình đổi mới đã được hoàn tất, sẽ có đánh giá sâu và đề đạt với Quốc hội sau.

Trước đó, ĐBQH Thái Văn Thành (Đoàn Nghệ An) cũng khẳng định: Trước khi tính đến việc có cần một bộ sách do Bộ biên soạn hay không, cần nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này và đánh giá những tác động có thể xảy ra, cùng với đó, nghiên cứu thêm các tác động, ảnh hưởng khác.

Thực tế, các bộ sách hiện nay cũng đã đáp ứng được yêu cầu của học sinh, nhu cầu của giáo viên.

Đặc biệt, phải tính đến lộ trình thực hiện chương trình mới, chỉ còn một năm sau nữa là chúng ta đã hoàn tất chu trình đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Những kết quả bước đầu đã cho thấy sự đồng thuận của đội ngũ giáo viên khi lựa chọn, sử dụng các bộ sách. Liệu thời điểm này biên soạn thêm một bộ sách có gây xáo trộn, khó khăn không?

Quốc An

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu