02:28 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Giải nhất cuộc thi thiết kế phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát dính nghi vấn “tự đạo nhái ý tưởng”?

Hùng Minh | 08:50 28/01/2024

(THPL) – Chiều 25/1, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ công bố và trao giải nhất cuộc thi thiết kế phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát cho Liên danh TEDI-CUBIC. Tuy nhiên, phương án cầu Thượng Cát của đơn vị này bị dính nghi vấn "đạo nhái ý tưởng" đã từng dự thi trước đó.

Liên danh TEDI-CUBIC dành giải nhất với phương án "Cánh chim hòa bình"

Phát biểu tại buổi lễ trao giải, ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông TP Hà Nội cho biết: “Cầu Thượng Cát nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh, được xây dựng với mục tiêu hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giảm thiểu ùn tắc, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc lựa chọn được phương án là bước quan trọng trong việc thực hiện dự án”.

Tại buổi công bố và trao giải Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu

Sau khi UBND TP Hà Nội phê duyệt hình thức thi tuyển phương án kiến trúc và thành lập hội đồng thi tuyển, từ ngày 17/8/2023, đã có 4 đơn vị đăng ký tham gia với 7 phương án dự thi. Hội đồng thi tuyển đã lựa chọn ra 3 phương án đạt giải. Phương án đạt giải Nhất cuộc thi có mã số TC-03 “cánh chim hòa bình” của Liên danh Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – CTCP và Công ty CP Kiến trúc Lập Phương (gọi tắt là Liên danh TEDI - CUBIC)

Phối cảnh tổng thể phương án Cánh chim hòa bình

Phương án này gồm cầu chính 4 nhịp sử dụng kết cấu dây văng, sơ đồ nhịp cầu chính là: 100+2×200+100, L = 600m; trụ cầu thiết kế vuốt cong nhẹ sang hai bên thành cầu theo ý tưởng kiến trúc “Cánh chim hòa bình” vươn cao; mặt cắt ngang cầu chính rộng 37,4m, số làn giao thông gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp

Nghi vấn “tự đạo nhái ý tưởng”?

Trước thời điểm lễ công bố và trao giải "Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu" diễn ra, trên mạng xã hội đã phát sinh những tranh luận về sự giống nhau của phương án “Cánh chim hòa bình” và phương án “Đón bình minh” của cầu Thạch Hãn 1 (Quảng Trị) đã được công bố đạt giải nhất năm 2022. Diễn đàn có hơn 210.000 người theo dõi và có rất nhiều lượt tương tác, bình luận sôi nổi về chủ đề này.

Nhiều thông tin cho rằng đơn vị thi tuyển đã "đạo nhái ý tưởng" từ cầu Thạch Hãn 1

Nhiều ý kiến phân tích, phương án “Đón bình minh” đạt giải nhất của cuộc thi tuyển thiết kế công trình cầu Thạch Hãn 1 (trao giải năm 2022) là của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (CTCP). Phương án “Cánh chim hòa bình” vừa được công bố đạt giải nhất cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu là của Liên danh Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (CTCP) và Công ty CP Kiến trúc Lập Phương. Điều này dẫn đến luồng thông tin cho rằng đơn vị này đã “đạo nhái ý tưởng” của chính mình để dự thi.

Phối cảnh cầu Thạch Hãn 1
Phối cảnh cầu Thượng Cát "cánh chim hòa bình"

Chia sẻ về vấn đề này, KTS Trần Vũ Lâm - Đại diện đơn vị đạt giải Nhất cho biết: “Cầu Thạch Hãn cũng là do TEDI làm. Cùng một đơn vị chúng tôi đây. Cầu Thạch Hãn là phương án kết cấu Extradosed, chỉ có 27m. Còn cầu Thượng Cát là kết cấu dây văng, có chiều dài 100m. Cầu Thạch Hãn chỉ có 2 trụ, còn cầu Thượng Cát có 3 trụ. Quy mô cầu Thạch Hãn bé tí như thế, so sánh làm sao được”

KTS Trần Vũ Lâm - Đại diện đơn vị đạt giải Nhất trả lời phỏng vấn

Để có thêm thông tin đa chiều, phóng viên đã liên hệ với ông Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội QH Phát triển Đô thị Việt Nam) thành viên ban giám khảo cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát và đường hai đầu.

Ông Trần Ngọc Chính cho biết: “Trong quá trình thi tuyển thì hội đồng chưa biết đến thông tin có sự giống nhau giữa bài thi và cầu Thạch Hãn 1, nhưng sau khi chấm điểm thì biết. Đơn vị thi tuyển cũng có giải thích về quy mô khách nhau giữa 2 cây cầu, tuy nhiên cũng có nhiều người không đồng ý với ý kiến giải thích đó. Bởi vì đơn vị này đã làm cầu Thạch Hãn rồi, có giải rồi, lại dùng ý tưởng “na ná” để thi tuyển tiếp thì không thuyết phục. Có thể kết cấu về dây văng và trụ khác nhau, nhưng hình thức giống nhau. Tất nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là ở hội đồng giám khảo. Vì vậy tôi hy vọng hội đồng cũng cần xem xét quy chế và có giải thích thuyết phục tới truyền thông và dư luận.”

Ông Chính nhấn mạnh thêm: “Thủ đô Hà Nội là chỉ có một thôi! Nên những công trình được lựa chọn là phải độc đáo, không giống thế giới và càng không nên giống các cây cầu ở Việt Nam!

KTS Phan Đăng Sơn (áo đen, đứng ngoài bên trái) đã từ chối trả lời vấn đề này.

Phóng viên đã liên lạc với KTS Phan Đăng Sơn (Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam) – Chủ tịch hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát và đường hai đầu. Tuy nhiên, KTS Phan Đăng Sơn đã từ chối trả lời vấn đề này.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát qua sông Hồng trên tuyến đường Vành đai 3,5 nằm trong Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016. Đặc biệt, dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu sẽ được khởi công vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

Những lum xùm trong dư luận về việc “tự đạo nhái ý tưởng” của đơn vị thi Liên danh TEDI-CUBIC là một sự cố đáng tiếc. Bởi lẽ, cuộc thi tuyển phương án kiến trúc cầu Thượng Cát là một bước rất quan trọng trong quá trình tìm kiếm phương án kiến trúc, đẹp, sáng tạo và bền vững, thân thiện với môi trường. Qua đó tìm được phương án phù hợp và mang đến giải pháp kết nối giao thông hợp lý, khoa học, đem lại hiệu quả thực tế, trở thành công trình cầu trọng điểm trong tương lai.

Hùng Minh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu