19:07 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục tăng hạng vượt bậc

10:32 20/04/2022

(THPL) - Thứ hạng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện trên Bảng xếp hạng thế giới và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng quan hệ song phương, đa phương.

Theo TTXVN đưa tin, những năm gần đây, Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia. Đáng chú ý, năm 2021, bất chấp đại dịch bệnh COVID-19, thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục duy trì được thứ hạng 33 trong danh sách top 100 thương hiệu mạnh thế giới, tăng khoảng 21,69% so với năm 2020, từ 319 tỷ USD lên tới 388 tỷ USD

Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021 của Tổ chức Brand Finance cho thấy, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng so với năm 2020 trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Cụ thể, vị trí của Việt Nam cũng được cải thiện, tăng 2,5 điểm, nâng thêm 3 bậc, từ 50/60 trong năm 2020 lên 47/105 năm 2021.

Điều này khẳng định sự thay đổi mạnh mẽ và xác lập vị thế mới của Việt Nam trong sân chơi khu vực và toàn cầu.

Việt Nam tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia. Ảnh minh họa

Theo tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, trước những kết quả trên, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, vai trò và sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp là rất lớn, bởi giá trị thương hiệu và sự thành công trong xây dựng, quản trị phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp top đầu là những biến số đầu vào trọng yếu trong quá trình tính toán, thống kê giá trị thương hiệu quốc gia của các tổ chức quốc tế.

Theo ông Vũ Bá Phú, trước năm 1986, thương hiệu gần như là một khái niệm “chưa tồn tại” đối với cộng đồng doanh nghiệp, hay thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới thương hiệu vẫn chưa được quan tâm do doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa, chưa có sự giao thương, xuất khẩu với các nước trên thế giới.

Khi Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với các hoạt động xúc tiến thương mại đặc thù, việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam được đặc biệt coi trọng.

Nhờ vậy, đến năm 2020 tổng giá trị thương hiệu của 50 doanh nghiệp Forbes Việt Nam đạt hơn 12,6 tỉ USD với nhiều doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia như Viettel, Vinamilk, Sabeco, MobiFone, Vietcombank...

Trong 2 năm qua, với nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 gây ra, đi kèm đó là xung đột kinh tế, địa chính trị của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng với tính chủ động, sáng tạo vốn có của các doanh nghiệp Việt đã giúp các sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam nâng tầm vị thế, khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước.

Mặc dù, đâu đó ở nhiều góc độ kết quả còn chưa được như chúng ta kỳ vọng, dù còn gặp rất nhiều khó khăn và dù còn cần phải làm nhiều việc hơn nữa để chinh phục các thị trường “khó tính” như nâng cao chất lượng, tăng sự khác biệt với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác....

Theo ông Vũ Bá Phú, ngoài vấn đề về chất lượng và sự khác biệt, doanh nghiệp Việt cần lưu ý đến việc đăng ký bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm ở nước ngoài. Đây có thể xem là việc quan trọng để đảm bảo thành công cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu ở nước ngoài. Mặt khác, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đổi mới, sáng tạo và có tính tiên phong trên thị trường. 

Bên cạnh đó, tìm kiếm liên kết để xây dựng thương hiệu Việt như kết nối cung cầu, kết nối giữa nhà sản xuất trong nước với các doanh nghiệp phân phối nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài sản xuất để xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu