10:28 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Ghé thăm làng nghề dệt lụa tơ tằm nghìn năm tuổi tại vùng đất Kinh Kỳ- Hà Nội

08:01 03/09/2023

(THPL) - Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội 10km về phía Tây Bắc (nay là phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội), có một làng nghệ dệt lụa cổ mang tên Vạn Phúc với bề dày lịch sử hơn 1000 năm- nơi lưu giữ nhiều nét đẹp giá trị văn hóa của vùng đất Kinh kỳ….

Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) là một trong những làng nghề dệt lụa nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Đây là làng nghề dệt lụa truyền thống đã được công nhận là kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao tặng. Với bề dày hơn 1000 năm tuổi và giá trị để lại, nơi đây đã trở thành 1 điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Cổng làng Vạn Phúc

Theo lịch sử chép lại, Làng lụa Vạn Phúc trước kia có tên gọi là Vạn Bảo, sau này được đổi tên thành Vạn Phúc vì lý do kị húy với nhà Nguyễn. Năm 1931, tại hội chợ Marseille (Pháp). sản phẩm lụa Vạn Phúc Hà Đông đã được bày bán và lần đầu tiên thương hiệu lụa Việt Nam được đưa ra thị trường quốc tế, được người Pháp đánh giá là 1 trong những dòng lụa tinh xảo, đẹp nhất Đông Dương. Đến năm 1958, tơ lụa Vạn Phúc đã được xuất sang nhiều quốc gia tại Đông Âu. Từ 1990 thương hiệu này đã được xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, thu ngoại tệ về cho Việt Nam.

Năm 2009, làng Vạn Phúc có khoảng 1000 khung dệt, sản xuất nhiều loại lụa cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, trong đó có các loại lụa cao cấp như lụa vân quế hồng diệp và lụa vân lưỡng long song phượng. Năm 2010, để kỉ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, đã thiết kế mẫu lụa Long Vân với hoa văn mang hình tượng lưỡng long chầu Khuê Văn Các được cách điệu trong hình ảnh hoa sen.

Một trong điểm dừng chân hấp dẫn du khách đầu tiên tại Làng lụa Hà Đông là một gian hàng trưng bày sản phẩm Ocop mang tên đặc biệt- Vụn Art. Gian hàng là nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đẹp lạ mắt như áo phông ghép lụa, tranh ghép lụa, túi ghép lụa (ghép lụa Vạn Phúc lên sản phẩm) được chính bàn tay khéo léo của các bạn trẻ khuyết tật làm ra. 

Mô hình này do anh Lê Việt Cường- người bị mắc chứng bại liệt từ khi 9 tháng tuổi lập ra. Anh ước muốn giúp đỡ những người khuyết tật được học tập, làm việc, cống hiến cho xã hội và làm thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về khả năng lao động, sáng tạo của họ. Với kinh nghiệm của bản thân cùng ước muốn cao đẹp ấy, năm 2017 anh đã cùng hai người cộng sự sáng lập nên Vụn Art nhằm dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho người yếu thế, trong đó có người khuyết tật. Hiện, theo số liệu thống kê cuối 2022, số lao động chính thức của mô hình này là 30 người, mô hình quyết tâm sẽ còn tăng nhiều số lượng thành viên hơn nữa.
Theo quan niệm của nhà sáng lập, mỗi một người khuyết tật của Vụn Art là một mảnh ghép và ông Lê Việt Cường là một mảnh ghép nhiều màu sắc, cũng là chất keo để những mảnh ghép khác cùng gắn kết, phát triển và tỏa sáng....
Sản phẩm tranh vô cùng đẹp, sắc nét, độc lạ được tạo dựng bằng chính lụa Vạn Phúc qua bàn tay khéo léo của các "nghệ nhân đặc biệt".

Qua dòng thời gian, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của nó. Và hiện nay, lụa Vạn Phúc đang đi đầu trong ngành dệt Việt Nam. Tơ lụa Vạn Phúc luôn được đánh giá là đẹp bền. Bởi hoa văn trên lụa đa dạng, trang trí cân xứng, đường nét tinh tế mang đến sự thanh lịch như đúng con người Hà Thành.

Những lô vải lụa chất lượng tinh xảo được lên kệ bày bán sau khi phải qua nhiều công đoạn vất vả của các nghệ nhân

Mặt hàng dệt tơ lụa Vạn Phúc có nhiều loại: lụa, là, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi. Khổ vải thường là 90–97 cm. Theo ca dao truyền miệng, nổi tiếng nhất trong các loại lụa Vạn Phúc có lẽ là lụa Vân - loại lụa mà hoa văn nổi vân trên mặt lụa mượt.

"The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên".

Lụa Vân nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung có đặc điểm ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hoa văn trang trí trên vải lụa rất đa dạng như mẫu Song Hạc, mẫu Thọ Đỉnh, mẫu Tứ Quý...

Quy trình làm lụa tại làng nghề Vạn Phúc:

Theo những nghệ nhân tại đây, công đoạn trồng dâu nuôi tằm đã không còn được người dân ở đây thực hiện, thay vào đó các chủ tại đây nhập trực tiếp từ các cơ sở chuyên nuôi tằm tại khu vực miền Bắc để giảm thiểu công đoạn, tiết kiệm thời gian sản xuất.

Những sợi tơ dài sẽ được nghệ nhân chuốt thẳng rồi bước vào công đoạn guồng tơ. Chuốt thực hiện thủ công để tránh bị rối tơ khi cho vào guồng. Sau khi cho tơ vào guồng thì đầu sợi tơ sẽ được kéo ra các lõi nhỏ để tiến hành mắc cửi và nối cửi để hệ thống các sợi tơ đưa vào máy dệt. Khi dệt, nghệ nhân phải có mặt 24/24 để kịp nhận ra lỗi hoặc tiếp sợi tơ khi cần.

Công đoạn chuốt thẳng và guồng tơ
Sau đó cho vào máy dệt ra thành phẩm là những mét lụa hoa văn tinh xảo....

Theo chia sẻ của một nghệ nhân: "Trung bình 1 giờ sẽ dệt được 1 mét vải, cái nghề này vất vả lắm, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ chăm chút nâng niu từ khi chỉ là những sợi tơ rối cho đến khi thành tấm vải lụa trên tay... 

Khách du lịch tham quan trải nghiệm.

 

Một xưởng dệt lụa lớn tại Vạn Phúc.

Những tấm lụa thô sau khi được dệt xong sẽ hiện rõ những hoa văn trên đó, hoa văn này được đồ họa sẵn ở trên máy theo mẫu, hoặc theo đơn của khách. Sau khoảng 2 đến 3 ngày dệt, thì ống lụa dài được khoảng 45 - 50m và sẽ được tháo dỡ mang đi nấu với nhiệt độ 200 độ C để tẩy bỏ những tạp chất. Sau đó sẽ đem nhuộm theo tỉ lệ hợp lý.

Các nghệ nhân đang thực hiện bước nấu và nhuộm vải.

Lụa nhuộm xong sẽ được đem đi giặt, sấy lụa. Ngày xưa, lụa được nhuộm xong mang ra phơi dưới ánh nắng mặt trời. Hiện nay, việc phơi đã chuyển sang sấy, lụa sấy xong sẽ cho lên màu theo đúng như lúc nhuộm, các cây lụa sau đó sẽ được trưng bày hoặc giao cho các đại lý chuyên về tơ lụa. Về giá cả, một chủ cửa hàng cho biết, giá lụa bình dân khoảng 200 nghìn đồng/ mét, cao cấp hơn thì 500 nghìn đồng/ mét.

Lối vào trung tâm bảo tồn  phát triển lụa Vạn Phúc chất lượng cao
Bức họa thể hiện làng nghề Vạn Phúc cổ kính đi lên từ nghề nông trồng lúa nước được nhiều du khách thích thú "check in".
Ngày nay, làng lụa Vạn Phúc đã biến tấu trở nên vô cùng đa dạng với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau: mây bay, long phượng, đũi hoa, vân thọ đỉnh, tứ quế...Hình dạng hoa văn trên lụa đã được thể hiện dưới đôi tay điêu luyện và óc nhìn tinh tế, sáng tạo của người nghệ nhân lụa Vạn Phúc. Những sản phẩm lụa tại đây luôn được thể hiện phong phú, độc đáo và tính thẩm mỹ cao khiến lụa Hà Đông luôn được chọn làm quà tặng cho người thân và bạn bè khi du khách về đây.

Trải qua hàng nghìn năm, không chỉ là chứng nhân lịch sử lưu giữ một thứ nghề truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lụa Hà Đông còn làm sống dậy nền văn hóa đại chúng Việt với bài hát Áo lụa Hà Đông của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, thơ Nguyên Sa. Bài thơ của Nguyên Sa có đoạn:

"Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng"....

Yến Nguyễn (Bài, ảnh)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu