13:27 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Người dân làng nghề Đồng Chiêm kiếm tiền từ xuất khẩu … lá tre

12:07 10/08/2023

(THPL) - Vươn lên xóa đói, giảm nghèo nhờ có nghề hái - nhặt lá bương (lá tre), người dân làng nghề Đồng Chiêm (xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Men theo quốc lộ 21B về phía Nam, cách trung tâm Hà Nội khoảng 52 km, chúng tôi ghé thăm làng nghề nhặt lá tre thôn Đồng Chiêm đã có từ 3 thập kỷ trước. Lá tre tưởng chừng bỏ đi nhưng lại trở thành một mặt hàng nông sản xuất khẩu thu ngoại tệ của Việt Nam. 

Theo bà Đinh Thị Dinh (sinh năm 1965), giá trị tiềm năng về kinh tế “tài nguyên bản địa” được xuất hiện từ những năm 1990, khi người Đài Loan đã sang Việt Nam thu gom, mua lá tre khô; nên người dân trong làng đã kéo nhau đổi nghề. Khi mới vào nghề, bà Dinh lúc nào cũng trăn trở vì việc bảo quản lá tre sao cho tốt, không bị hỏng. “Nhà nào cũng sấy khô nhưng có nhà sấy quá nhiệt độ, lá tre sẽ không đạt yêu cầu, tôi chuyển sang mua lá tươi rồi sấy theo công thức riêng”, bà Dinh nói. 

Nhận thấy nghề nhặt lá tre cho thu nhập cao hơn hẳn việc bán củi nên bà Đinh Thị Dinh quyết định theo đuổi, vươn lên thoát nghèo.

Lá tre được kẹp vào thanh trước khi đem đi sấy khô. 

Tiếp đó, bà Dinh đánh dấu đỏ vào bản đồ lá tre ở những vùng lân cận như Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái. Lá tre đều được chọn lựa, phân loại kỹ lưỡng, to đều, không bị rách; chiều dài khoảng 38-40cm, rộng từ 8cm trở lên, giá dao động từ 12.000 - 16.000 đồng/kg. Các giống tre Bát Độ, tre Mạnh Tông, tre Lục Trúc và tre Bương đều có thể dùng được. 

Trong 12 tháng, mùa nhộn nhịp nhất ở Đồng Chiêm bắt đầu từ tháng 5 - 11. Trung bình mỗi vụ, cơ sở sản xuất nhà bà Dinh cung cấp cho thị trường từ 70-100 tấn lá, doanh thu ước tính vài tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương. 

“Mang lại kinh tế gấp 10 lần trồng lúa, hoa màu nhưng phải đánh đổi bằng sự vất vả, nguy hiểm rất nhiều”, bà Dinh cho biết thêm. 

Gắn bó với nghề xếp lá tre hơn 20 năm, bà Đinh Thị Tịnh (76 tuổi) chia sẻ: “Thông thường, chúng tôi kẹp 5 lá vào 2 thanh nứa rồi treo lên lò sấy khô. Việc sấy trên lò sẽ đảm bảo được hương vị thơm đặc trưng của lá tre Việt Nam. Người Đài Loan thích dùng lá tre để gói bánh truyền thống, việc này sẽ giữ được mùi thơm tự nhiên, đảm bảo hữu cơ, thân thiện môi trường. Sản xuất ra bao nhiêu là phía Đài Loan sẽ thu mua hết, có tháng cũng không đủ để bán”. 

Lá tre Việt Nam được bán trên sàn thương mại điện tử Alibaba, có sức cạnh tranh nhất so với các quốc gia xuất khẩu khác như Ấn Độ, Nhật Bản.

Lá tre được tuyển chọn không quá già, không quá non, không bị cháy xém, bản lá càng to, màu đẹp thì càng bán được giá cao.

Ở thôn Đồng Chiêm có rất nhiều cơ sở sản xuất lá tre khô nhưng chỉ có 2 cơ sở công suất lớn là gia đình bà Đinh Thị Dinh và Đặng Thị Triệu. Mỗi vụ, gia đình chị Đặng Thị Triệu đáp ứng cho thị trường hơn 200 tấn lá tre, ngoài thị trường Đài Loan còn có Nhật Bản. 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu lá tre trong tháng 2-2023 đạt 133.000 USD, tăng tới 1149,9% so với tháng 2-2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu lá tre đạt 203.000 USD, tăng 302,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trên các trang thương mại điện tử nước ngoài như Alibaba, lá tre của Việt Nam thường được bán sỉ, giá 1,5-2 USD/ 1kg. 

Khi cầu đã đạt đến đỉnh nhưng cung lại đang chạm đáy, bởi lẽ người đi hái lá tre ít đi rõ rệt, diện tích cây tre cũng đang bị thu hẹp, chỉ có tự gây giống mới đủ đáp ứng thị trường. Đây cũng là điều mà bà Dinh, bà Triệu cùng nhiều cơ sở sản xuất lá tre đang trăn trở về bài toán chưa có lời giải này.

Hào Hiệp

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu