22:27 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

“Du lịch chậm” - tiềm năng của thị trường du lịch Việt

| 07:55 11/11/2017

(THPL) - Những năm gần đây, loại hình du lịch dành cho người cao tuổi, còn gọi là du lịch “chậm” đang trở thành xu hướng được nhiều DN lữ hành và các nhà cung cấp dịch vụ tập trung khai thác. Dòng du lịch này, như một giải pháp giúp du khách cao tuổi thăm thú đó đây và khám phá cảnh sắc thiên nhiên quyến rũ của các vùng miền.

Điểm đặc biệt của những tour du lịch này là không bị bó buộc về thời gian, tiền bạc. Thời gian lý tưởng để đón dòng khách này là giai đoạn mùa Thu, khi tiết trời mát mẻ, khí hậu trong lành, và thị trường chung của du lịch thong thường cũng không còn nhộn nhịp như mùa Hè.

Những điểm đến được người cao tuổi ưa thích là những nơi yên bình, nhịp sống chậm rãi, có không gian thoáng đãng như phố cổ, làng quê, biển, đảo; các điểm du lịch tâm linh như chùa chiền, đền đài, di tích, danh thắng hoặc những nơi tốt cho sức khỏe như suối khoáng nóng...  

images1279599_suoi_nuoc_nong_binh_chau
Suối khoáng nóng là điểm đến được nhiều người cao tuổi ưa thích.

Ông Võ Thanh Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Chi nhánh Vũng Tàu chia sẻ, Việt Nam đang là thị trường rất tiềm năng cho tour du lịch chậm vì những đặc điểm về khí hậu địa lý. Một điểm lợi thế nữa là từ nay đến cuối năm, các nước trong khu vực Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu, đặc biệt là Nga vào mùa Đông lạnh giá. Vì vậy, thời gian này cũng là mùa du lịch tránh Đông của du khách đến từ các khu vực này, trong đó có nhiều khách cao tuổi. Với khí hậu ôn hòa, Việt Nam là một trong những điểm đến quen thuộc của dòng khách này.

Theo các chuyên gia sức khỏe, người cao tuổi có sẵn các bệnh mãn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch... cần tham khảo trước ý kiến của bác sĩ cũng như chuẩn bị những loại thuốc mang theo hành lý xách tay. Tuy nhiên, du khách cũng nên lưu ý các thay đổi về môi trường, nhiệt độ, giờ giấc sinh hoạt... đều có thể ảnh hưởng đến căn bệnh ngay khi đã ổn định. Hành lý gọn nhẹ, trang phục thoải mái, lịch trình phù hợp... giúp cho kỳ nghỉ của người cao tuổi thêm trọn vẹn và ý nghĩa.

Vì thế, cũng theo ông Võ Thanh Mỹ, những tour dành riêng cho người cao tuổi đòi hỏi phải thật chi tiết, lịch trình tour không quá dài, các điểm tham quan không quá nhiều, thời gian tham quan tại các điểm đến lâu hơn. Thực đơn phải bảo đảm dinh dưỡng, dễ tiêu hóa. Phòng nghỉ được bố trí ở tầng thấp, dễ di chuyển. Hướng dẫn viên phải tận tâm, nhiều kinh nghiệm, am hiểu tâm lý người già và có thể kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Đa phần khách cao tuổi thích được sống trong không khí gia đình ấm cúng. Do đó, đội ngũ nhân viên phục vụ tại các điểm đến phải thân thiện, cởi mở, thường xuyên thăm hỏi, chuyện trò với họ, chăm chút bữa ăn, phục vụ tận tình, tạo cảm giác thân thuộc như người thân là họ hài lòng và sẽ trở lại.

Tại Việt Nam có thể khẳng định, tiềm năng của thị trường khách du lịch “chậm” còn rất lớn. Nếu chú trọng đầu tư, chăm chút dịch vụ, tập trung khai thác dòng khách này, các DN du lịch sẽ có cơ hội nâng công suất phòng và bán được nhiều dịch vụ, qua đó cải thiện doanh thu và lợi nhuận trong bối cảnh các dòng khách du lịch thông thường giảm sút vào mùa cuối năm.

Sự phát triển của dòng sản phẩm chuyên biệt dành cho người cao tuổi cùng những ưu đãi, dịch vụ phù hợp với nghề nghiệp, độ tuổi, điều kiện kinh tế… đang là hướng đi hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của ngành du lịch Việt Nam. Đồng thời, với ý nghĩa nhân văn cao cả, du lịch dành cho người cao tuổi luôn hướng đến mục tiêu phục vụ cả về thể chất lẫn tinh thần để sống vui - khỏe và sống có ích cho gia đình, xã hội.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu