20:00 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Dự báo ngành điều sẽ khởi sắc với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 3,8 tỷ USD

17:35 11/03/2024

(THPL) - Theo Hiệp hội điều Việt Nam, việc các doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ sang hoạt động chế biến sâu với các sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu và thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng tại các thị trường tiêu thụ, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường quốc tế, nâng giá trị gia tăng cho ngành điều.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu điều của Việt Nam đã cán đích với 644 nghìn tấn, tương ứng 3,6 tỷ USD, tăng 24% về lượng và 18% về kim ngạch so với năm trước. Với kết quả này, ngành điều Việt Nam đã xác lập lỷ lục mới trong nhiều năm trở lại đây. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của hạt điều Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan ghi nhận tăng trưởng khả quan. 

Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đang có tác động tích cực đối với xuất khẩu nông sản, trong đó có hạt điều chế biến sâu của Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều sẽ được giảm thuế xuống bằng 0% nếu có sự đầu tư chế biến sâu để gia tăng giá trị. Hiệp hội điều Việt Nam nhận định, tình hình tiêu thụ hạt điều trong năm nay sẽ sáng sủa hơn các năm trước. Vì nhu cầu tiêu thụ hạt điều chế biến sâu đang tiếp tục tăng lên.

Việc các doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ sang hoạt động chế biến sâu với các sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu và thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng tại các thị trường tiêu thụ, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường quốc tế, nâng giá trị gia tăng cho ngành điều. Đơn cử như với Công ty TNHH Vinahe, từ năm 2018 công ty đã tập trung sản xuất hạt điều tẩm vị, như: hạt điều rang muối, hạt điều phô mai, hạt điều chanh muối, hạt điều yum thái, và bánh hạt điều chocopie… Đến nay, những sản phẩm này đã xuất khẩu đi các nước: Nhật Bản, Úc và một số nước EU.

Ông Nguyễn Hoàng Đạt - Giám đốc Công ty TNHH Vinahe chia sẻ: "Từ khi chúng tôi tập trung cho chế biến sâu thì giá trị của nó ngày càng tăng cao, mỗi năm doanh thu của chúng tôi tăng trưởng từ 10-20%". Tương tự, ông Vũ Thái Sơn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Long Sơn cho biết: "Từ ngày Việt Nam - Anh, Việt Nam - Châu Âu, Việt Nam với nhiều nước ký FTA - Hiệp định thương mại tự do giữa các nước thì hàng chế biến sâu, rang chiên không còn bị đánh thuế, nên hiện nay xuất khấu tăng lên khá mạnh".

Dự báo ngành điều sẽ khởi sắc với mục tiêu 3,8 tỷ USD. Ảnh minh hoạ

Theo ông Trần Hữu Hậu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), sản phẩm điều Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Mỹ nhiều năm nay, nhu cầu của thị trường này khá ổn định. Đặc biệt, từ sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, Vinacas tin tưởng rằng là doanh nghiệp chế biến hạt điều có thể tiếp cận những công nghệ, dây chuyền hiện đại của Mỹ, phục vụ cho định hướng mới của ngành, đó là tập trung vào chế biến, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, đánh giá rằng ngành điều Việt Nam đã có những bước tiến dài sau hơn 40 năm hình thành và phát triển. Từ việc học hỏi và sử dụng thiết bị công nghệ chế biến điều từ nước ngoài, Việt Nam đã trở thành quốc gia làm chủ công nghệ và dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều, chiếm hơn 75% lượng nhân điều được xuất khẩu trên toàn cầu.

Theo dự báo, thị trường hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật trên toàn cầu đã làm cho nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao, trong đó có hạt điều.

“Tuy kinh tế thế giới suy yếu, lạm phát tăng cao và xung đột quốc gia tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến ngành điều toàn cầu, Việt Nam vẫn kỳ vọng vào những chuyển động tích cực trong năm 2024 và xuất khẩu điều sẽ tiếp tục giữ được tăng trưởng cao để hướng tới mốc kỷ lục mới là 3,8 tỷ USD”, ông Nhựt chia sẻ.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, ngành điều Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là nguồn nguyên liệu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế biến điều vẫn chưa thể chủ động được nguồn nguyên liệu. Ước tính cho thấy nguồn cung hạt điều thô trên cả nước chỉ đáp ứng khoảng 30% công suất chế biến, trong khi khoảng 70% nguyên liệu hạt điều thô phải phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ các quốc gia khác. Điều này cũng gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng hạt điều nguyên liệu phục vụ chế biến.

Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi sản xuất – chế biến – kinh doanh hiện chưa đạt được các điều kiện khắt khe về chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, nhiều cơ sở chế biến điều vẫn hoạt động quy mô siêu nhỏ và có hạn chế về tài chính.

Để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành điều, Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các doanh nghiệp ngành điều cần đầu tư vào việc phát triển vùng nguồn nguyên liệu. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc hỗ trợ và ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và giảm sự phụ thuộc vào nguồn hạt điều nhập khẩu, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho hạt điều xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, cần tăng cường liên kết và kết nối nguồn lực, nhằm chuyển đổi mạnh mẽ sang hoạt động chế biến sâu với các sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu và thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng tại các thị trường tiêu thụ.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu