08:24 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp Việt và bài toán chinh phục thị trường gỗ nội địa

10:24 01/05/2023

(THPL) – Ngay từ những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã bị sụt giảm đơn hàng ở các thị trường truyền thống. Trong bối đó, thị trường nội địa được đánh giá là mảnh đất tiềm năng để các doanh nghiệp Việt lấy lại đà tăng trưởng.

Xuất khẩu gỗ giảm đơn hàng, doanh nghiệp gặp khó

Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), trong 2 thập kỷ trở lại đây, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đã có những bước phát triển đột phá. Cụ thể, vào năm 2000, giá trị kim ngạch xuất khẩu chỉ mới đạt 219 triệu USD, thì đến năm 2019, con số xuất khẩu nhóm hàng lâm sản đã đạt hơn 11,3 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ đã đạt kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD, duy trì mức tăng trưởng hai con số trong nhiều năm.

Tiếp đến, trong 2 năm đại dịch bùng phát nặng nề, ngành gỗ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó năm 2021 đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 14,8 tỷ USD, tăng tới 19,7% so với năm 2020 và năm 2022 đạt 15,85 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2021. Tuy nhiên, từ những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 việc xuất khẩu gỗ không mấy thuận lợi khi nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng ở các thị trường truyền thống.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản chỉ đạt 3,1 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. “Các đơn hàng cho quý II ở các thị trường chính là châu Âu và Mỹ chỉ đạt được 45%. Đơn hàng cho quý III mới đạt được khoảng 55%. Đơn hàng sụt giảm nên nhiều doanh nghiệp ngành gỗ phải giảm công suất lao động, công nhân làm việc cầm chừng” - ông Lập chia sẻ. 

Còn theo phản ánh của một số doanh nghiệp gỗ ở Bình Định, từ đầu quý II/2022 đến nay, ngành gỗ cả nước nói chung và Bình Định nói riêng phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, ảnh hưởng nặng nề đến mùa hàng 2022 - 2023. Các yếu tố bất lợi được nhận diện là thiếu hụt trầm trọng gỗ nguyên liệu sản xuất, phụ kiện; lạm phát tăng cao do hậu quả dịch Covid-19, đặc biệt là việc xuất khẩu vào các thị trường truyền thống đang gặp nhiều khó khăn.

Thị trường nội địa - mảnh đất tiềm năng cho doanh nghiệp gỗ

Trong nhiều nghiên cứu và khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã chỉ ra rằng, thị trường đồ gỗ nội thất nội địa có quy mô 5-6 tỷ USD. Và cơ sở để Hiệp hội khẳng định thị trường nội địa tiềm năng xuất phát từ việc Việt Nam có gần 100 triệu dân nên nhu cầu tiêu thụ gỗ rất lớn. Bình quân mỗi hộ gia đình sẽ cần mua sắm đồ gỗ khoảng 6 triệu đồng/hộ. Chưa kể, mỗi năm chúng ta có tới 70 - 80 triệu m2 nhà mới được xây dựng và tiêu thụ một lượng lớn gỗ như: Cốp pha, gỗ giàn giáo, hay là gỗ gắn với công trình như tủ bếp, ván sàn, cửa… Ngoài ra, nhu cầu đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng... cũng có xu hướng tăng nhanh và ổn định trong dài hạn.

Đây được đánh giá là thị trường không nhỏ với giá trị hàng tỉ đô la Mỹ để các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng nhằm gia tăng doanh thu, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu vốn đang bị sụt giảm mạnh do lạm phát tăng cao ở các thị trường xuất khẩu chính.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ bị sụt giảm đơn hàng ở các thị trường truyền thống. Ảnh: Internet

Hiện đã có một số doanh nghiệp chú trọng hơn tới thị trường nội địa, song sản phẩm trong nước chưa cạnh tranh với hàng nhập khẩu ở mảng bán lẻ, nhất là ở phân phúc bình dân mà chỉ đi vào phân khúc trung - cao cấp, hoặc vào một số công ty, công trình, dự án, trường học… Ở phân khúc phổ thông chỉ có các làng nghề, các doanh nghiệp nhỏ mới tham gia sản xuất hàng nội thất với quy mô nhỏ, còn các doanh nghiệp gỗ có quy mô lớn thường chỉ chú trọng xuất khẩu.

Cơ hội và thách thức với ngành gỗ trên sân nhà

Chia sẻ về vấn đề khai thác thị trường nội địa, ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO) cho biết, con đường chinh phục gỗ nội địa không dễ dàng.

Theo ông Mạnh phân tích: Việc khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu rất khác nhau. Cụ thể với xuất khẩu, doanh nghiệp gỗ nội thất chỉ cần có vài hợp đồng xuất khẩu là đủ để sản xuất nửa năm hoặc cả năm trời, và quan trọng làm theo đơn hàng xuất khẩu doanh nghiệp sẽ không phải lo đầu ra hay thiết kế. Trong khi nếu sản xuất hàng bán trong nước lại hoàn toàn khác bợi trường nội không theo một quy chuẩn thiết kế, số lượng bán lại chưa nhiều. Đó là chưa kể mạng lưới phân phối của doanh nghiệp gỗ trong nước không có, nên cạnh tranh bán lẻ là rất khó… Thêm vào đó, hiện hầu hết các linh phụ kiện sản xuất đồ gỗ nội thất đều được nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến doanh nghiệp Việt mất lợi thế ngay trên sân nhà.

“Chúng tôi đang xuất khẩu đi Châu Âu và ở các quốc gia này họ có quy chuẩn rõ ràng kích cỡ khung cửa, còn ở Việt Nam không có quy chuẩn này mà phải linh hoạt theo từng đối tượng khách hàng. Theo đó mỗi khách hàng sẽ có những yêu cầu khác nhau về số lượng, đơn vị đo và nguyên liệu, mẫu mã sản phẩm gỗ cũng khác nhau… Trong khi đó dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu vốn hoạt động theo số nhiều nên không dễ điều chỉnh”- ông Mạnh chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc Công ty Viet Products cho rằng, so với hàng Trung Quốc, các doanh nghiệp nội, ngoại thất trong nước khó có thể cạnh tranh về giá cả và mẫu mã. Theo ông Sang, các doanh nghiệp Trung Quốc có lợi thế hơn hẳn so với doanh nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân là do ngành gỗ tại Trung Quốc đã phát triển lâu năm, có đầy đủ công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, họ sản xuất với số lượng lớn cung cấp cho thị trường tỉ dân trong nước và không chỉ xuất khẩu vào thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu đi nhiều thị trường xung quanh nên giá thành khá thấp.

Thực hiện đồng bộ giải pháp kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu

Nói về triển vọng xuất khẩu đồ gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cho rằng tình hình sẽ sáng sủa trở lại trong thời gian tới. Các doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng trở lại. Dự báo tháng 4/2023, đơn hàng sẽ phục hồi đáng kể, ước khoảng 70% so với trước.

Ngoài ra, nhu cầu ngày nay của người tiêu dùng thường đề cao tính cá thể, nên khách hàng cũng không muốn mua đồ giống hệt nhau. Trong sự thay đổi đó, thay vì chỉ cung cấp đồ gỗ với những mẫu mã làm giống nhau hàng loạt, bán giá rẻ số lượng lớn, thì các doanh nghiệp nên chuyển hướng sang sản xuất hàng có mẫu mã độc đáo.

Về phía Bộ Công Thương, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ sẽ tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước như tổ chức các hội nghị giao ban định kỳ với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cập nhật thông tin, nhu cầu, các quy định của thị trường. Đồng thời, Bộ cũng tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi…

Bộ cũng sẽ triển khai các giải pháp để kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước, là bệ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn. Cạnh đó, tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Văn Minh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu