06:44 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp Việt cần nắm bắt thị hiếu, tận dụng cơ hội khi xuất khẩu sang Thái Lan

13:23 06/04/2023

(THPL) - Thái Lan luôn giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN. Do đó, doanh nghiệp Việt cần nắm bắt xu hướng tiêu dùng và các tiêu chuẩn khi xuất khẩu sang thị trường này.

Thái Lan có hệ thống kênh phân phối đa dạng, nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các hệ thống này và tới người tiêu dùng Thái Lan. Tuy nhiên, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan có nhiều nét tương đồng, đặc biệt là nhóm ngành nông thủy sản nên hàng hóa xuất khẩu của hai nước có sự cạnh tranh lẫn nhau.

Và để tìm hướng cho bài toán xuất khẩu trên, ngày 5/4/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thông tin xu hướng tiêu dùng và các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Thái Lan năm 2023”.

Thông qua chương trình, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tin tưởng chương trình hội thảo sẽ mang đến cho doanh nghiệp những thông tin hữu ích và có giá trị về thị trường Thái Lan như: hướng dẫn quy trình và tiêu chuẩn xuất khẩu hàng sang thị trường Thái Lan; hỗ trợ cập nhật xu hướng tiêu dùng, chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm, cách phát triển sản phẩm mới để tiếp cận thị trường Thái Lan. Qua đó góp phần đẩy mạnh và bền vững liên kết, hợp tác về đầu tư thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan.

Doanh nghiệp Việt cần nắm bắt thị hiếu, tận dụng cơ hội khi xuất khẩu sang Thái Lan. Ảnh minh hoạ

Những năm qua, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan không ngừng được mở rộng và phát triển, riêng về kim ngạch thương mại song phương giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Thái Lan trong 02 tháng đầu năm 2023 ước đạt 385 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh sang Thái Lan đạt 110 triệu USD.

Với vị trí địa lý gần gũi, giao thông thuận tiện, tận dụng các tuyến giao thông kết nối như hành lang kinh tế Đông-Tây, hành lang kinh tế phía Nam... thuận lợi cho việc vận chuyển, bảo quản hàng hóa, hợp tác phát triển lĩnh vực logistics, thúc đẩy tích cực quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam - Thái Lan. Thái Lan luôn giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN. Trong 02 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Thái Lan đạt 3 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 1,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan đạt 1,8 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến Kim ngạch thương mại song phương của hai nước sẽ sớm đạt được mục tiêu 25 tỷ USD trong thời gian tới.

Ông Paul Lê - Phó Chủ tịch phụ trách xúc tiến thương mại - Central Retail Vietnam cho biết tại Hệ thống siêu thị GO!, Big C cho hay sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ nhà sản xuất, nhà cung cấp, doanh nghiệp vừa và nhỏ… trong việc thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, bằng các chương trình hành động thiết thực. Cụ thể, Central Retail thường xuyên phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp Việt cải tiến bao bì, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm… sao cho phù hợp với kênh bán lẻ hiện đại. Từ đó, doanh nghiệp có cơ hội phân phối ra toàn quốc. Tính đến nay hệ thống siêu thị GO!, Big C đã có mặt tại 40 tỉnh thành sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt thông qua mạng lưới bán lẻ ở quốc tế của Central Retail.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt được thị hiếu, sở thích, thói quen tiêu dùng của người Thái như ưa chuộng sản phẩm chế biến sẵn, đóng gói với nhiều kích thước. Thực phẩm cũng là phân khúc mục tiêu của doanh nghiệp Việt; tuy nhiên, đang có sự cạnh tranh rất quyết liệt giữa các nhà xuất khẩu. Với mặt hàng này hệ thống phân phối đã khá hoàn thiện, hơn nữa Thái Lan bảo hộ khá ngặt nghèo với ngành công nghiệp thực phẩm nên nhập khẩu cũng khó khăn. Do đó, doanh nghiệp Việt cần có chiến lược thị trường, sản phẩm cụ thể và mạnh mẽ rất khó cạnh tranh. Nhận diện thương hiệu thực phẩm nói riêng, hàng Việt nói chung chưa cao cũng cần thời gian xây dựng.

Mặt khác, kênh phân phối tại Thái Lan khá đa dạng gồm chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị và đại siêu thị. Mỗi kênh có đặc thù riêng về giá cả, bao bì đóng gói doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào Thái Lan cũng cần chú ý tới yếu tố thị hiếu thích màu sắc, ưu tiên sản phẩm tốt cho sức khoẻ như ít đường, ít dầu mỡ và chú ý tới xu hướng sử dụng thương mại điện tử trong mua sắm của người tiêu dùng. Khi xuất khẩu vào Thái Lan, doanh nghiệp trong nước cũng được khuyến cáo đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, xin giấy chứng nhận nhập khẩu từ các cơ quan chức năng, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản sản phẩm nhằm đảm bảo duy trì chất lượng trong quá trình vận chuyển.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu