15:39 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp sản xuất thích ứng linh hoạt trước cơn bão lạm phát

10:20 02/05/2023

(THPL) - Hiện nay, rủi ro suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng đến đơn đặt hàng của các nhà máy - huyết mạch của nền kinh tế. Với Việt Nam, việc duy trì sản xuất, thích ứng với hoàn cảnh là những giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để vượt qua cơn bão lạm phát.

Tại một báo cáo của Oxford Economics cho rằng, tình trạng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm vẫn chưa kết thúc, vì nhu cầu toàn cầu dự báo suy yếu cả năm 2023. 

Năm nay, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 393 - 394 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2022. Tuy nhiên, kết thúc quý I/2023, Việt Nam mới hoàn thành 20% chỉ tiêu. Nhận định về thông tin này, TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, không phải cứ dự báo khó là xuất khẩu Việt Nam sẽ chùn bước. Bởi trong giai đoạn Covid-19 khó khăn như vậy, xuất khẩu Việt Nam vẫn "vượt được qua khe cửa hẹp", tăng 7% năm 2020 và 19% năm 2021.

Do đó, TS.Nguyễn Thị Thu Trang khuyến cáo các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm thị trường, linh hoạt chuyển đổi sản xuất cho phù hợp với tình hình (đơn nhỏ, giao nhanh), tìm cách khai thác thị trường 100 triệu dân nội địa… để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

Lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân thay đổi. Ảnh: Internet

Bên cạnh những khó khăn vẫn còn dự báo khá lạc quan về triển vọng phục hồi xuất khẩu nhẹ trong nửa cuối năm 2023 nhờ mức nền thấp trong nửa cuối năm 2022 và được hỗ trợ từ việc nhu cầu của Trung Quốc phục hồi mạnh sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Theo số liệu công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 so với cùng kỳ ước tính tăng 3,32%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 xét trong giai đoạn 13 năm gần đây. Với kết quả này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, sản xuất đã tăng lên, vốn tín dụng cũng đã có tăng trưởng rất mạnh trong tháng 3, ngay cả vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 3 cũng chiếm tới 2/3 lượng trái phiếu trong cả quý I/2023 phát hành được.

Về cơ bản, những tác động chính sách của Việt Nam vẫn đang theo chiều hướng rất tốt. Cụ thể, đồng tiền của Việt Nam vẫn đang ổn định, đây là cơ hội cho xuất nhập khẩu cũng như sản xuất. Lãi suất tín dụng đang hạ một cách tương đối nhanh chóng, việc này cũng góp phần kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ cũng vừa ban hành việc giãn hoãn thuế VAT, tiền thuê đất, đồng thời đề nghị với Quốc hội giảm 2% thuế VAT. Nếu Quốc hội thông qua, việc này sẽ kích thích tiêu dùng trong nước, kích thích cho sản xuất do yếu tố đầu vào cho sản xuất giảm.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Bộ Công Thương cùng với các Thương vụ Đại sứ quán các nước, các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp phải nắm lại thị trường truyền thống, xem họ cần gì và chúng ta phải thay đổi gì để đáp ứng được yêu cầu thị trường. “Với thị phần của ngành dệt may đã bị rơi vào tay nước xuất khẩu khác, bản thân các doanh nghiệp phải nhìn nhận, rút kinh nghiệm và phải thay đổi”, ông Đinh Trọng Thịnh nói.

Song song với giữ thị trường truyền thống, hệ thống các Thương vụ, Đại sứ quán và Bộ Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng phải tích cực mở rộng các thị trường mới, nhất là tại các thị trường mà chúng ta ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, tận dụng các lợi thế của FTA.

Ngoài ra, việc liên kết giữa các doanh nghiệp, ngành nghề cần đi vào nề nếp để hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Bài toán chuỗi sản xuất kinh doanh và công nghiệp hóa nông nghiệp phải đi liền với nhau, khi đó, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Hơn 2 năm đại dịch vừa qua, nhiều biến động địa chính trị cùng với thay đổi chính sách của những nước lớn dẫn đến nền kinh tế thế giới tất yếu có những sự tái cấu trúc. Ví dụ như chuỗi cung ứng, xu hướng tiêu dùng hay vấn đề sản xuất xanh và phát triển bền vững. Do đó, việc đánh giá, rà soát và định vị lại sản phẩm, thị trường, quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất là vấn đề các doanh nghiệp đang tính toán trong dài hạn. Về ngắn hạn, việc duy trì sản xuất, thích ứng với hoàn cảnh là những giải pháp được nhiều chủ doanh nghiệp xuất khẩu lựa chọn để lèo lái công ty vượt cơn bão lạm phát.

Trong diễn biến liên quan, TS. Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cho rằng, trong điều kiện cầu chung là thị trường bị co hẹp thì phải có kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại ở các thị trường ngách như Bắc Mỹ, Trung Đông…; thiết lập kênh kết nối định kỳ với cơ quan thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, nhằm thúc đẩy sự tăng cường hợp tác, đầu tư, giao thương Việt Nam với nước ngoài; triển khai công cụ trực tuyến, tư vấn giải pháp cho doanh nghiệp (tương tác trực tiếp) khi xuất khẩu sang thị trường các nước liên quan.

Cùng với đó là tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả việc liên kết giữa các doanh nghiệp tại các tỉnh/thành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát huy thế mạnh từng địa phương. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, nhất là hội chợ chuyên ngành trong và ngoài nước.

Văn Minh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu