19:47 ngày 24/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp làng nghề gỗ Vạn Điểm với nỗi lo vắng khách

09:27 07/12/2022

(THPL) - Từng gặp khó khăn vì dịch COVID-19, đến nay tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đồ gỗ Đức Hà (làng nghề Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội) có nhiều khởi sắc khi cuộc sống trở lại bình thường.

Đến với Vạn Điểm thời điểm này, khắp làng nghề là những tiếng đục đẽo từ các hộ gia đình làm nghề mộc. Khách mua cũng rục rịch trở lại, tìm đến những sản phẩm đồ gỗ chất lượng. Tuy nhiên, lượng khách hàng cũng chưa thể đông bằng thời điểm trước khi dịch bệnh xuất hiện.

Vào thời điểm dịch COVID bùng phát vào năm 2019, Làng nghề Vạn Điểm cũng như nhiều địa phương khác phải gác lại công việc, tập trung chống dịch. Những lượt người đến cứ thưa dần đi vì không có những sản phẩm đồ gỗ mới.

Làng gỗ Vạn Điểm khôi phục sản xuất, phục vụ người tiêu dùng.

Tại làng nghề đồ gỗ Vạn Điểm, sản phẩm rất đa dạng từ bàn ghế chạm khắc, khảm trai đến những bộ đồ thờ sơn son thiếp vàng tinh xảo. Những đồ gỗ nội thất trong nhà như giường, tủ, kệ ti vi, lộc bình, đồng hồ gỗ, tranh gỗ… được sản xuất công phu qua đôi bàn tay của các nghệ nhân làng nghề, khắc họa được hồn sản phẩm qua từng nét chế tác tỉ mỉ, công phu, được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Hiện nay, sản phẩm nhiều nhất của làng nghề vẫn là bàn, ghế, sập gụ, tủ chè... có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Bộ bàn ghế Hoàng Gia tân cổ điển
Gian hàng trưng bày nhiều mẫu sản phẩm

Anh Đức, chủ DN đồ gỗ Đức Hà chia sẻ, công việc sản xuất và kinh doanh đồ gỗ thủ công bắt đầu từ thời cha anh, ông Nguyễn Văn Thọ. Ông là nghệ nhân, nguyên Chủ tịch Làng nghề, một trong những người xây dựng nên Làng nghề Vạn Điểm. Tiếp nối cha ông, anh Đức chọn theo con đường giữ truyền thống làm nghề mộc. Mặc dù việc kinh doanh có giảm sút nhưng anh Đức cùng gia đình vẫn chọn gắn bó với nghề. Theo anh Đức, đó là cái nghề đã nuôi lớn mình, dù có khó khăn lúc này nhưng về lâu về dài, nhu cầu về đồ nội thất bằng gỗ vẫn còn nhiều.

Chị Hà đang giao dịch ký hợp với khách hàng

“Dù khó khăn nhưng doanh nghiệp chúng tôi vẫn lựa chọn những sản phẩm tốt nhất để phục vụ khách hàng. Những chất liệu cao cấp như gỗ trắc, mun Lào, hương đá, gụ Lào được nhập khẩu về Việt Nam để đáp ứng tiêu chuẩn cao trong sản xuất đồ gỗ. Ngoài ra, chúng tôi cũng không ngừng cải tiến mẫu mã sản phẩm để đẹp hơn, tốt hơn khi giao đến tay khách”, anh Đức chia sẻ.

Người thợ thủ công tỉ mỉ với từng sản phẩm.

Tham quan nhà xưởng của anh Đức mới thấy sự kỳ công của những người thợ lành nghề. Những hoa văn uốn lượn với nhiều kích thước to nhỏ khác nhau được vẽ trên khối gỗ. Để thành hình, người thợ phải tỉ mẩn với từng mũi đục, đường khắc. Có khi tấm hoàng phi hay chiếc bàn bằng gỗ, người thợ thủ công phải mất cả tháng để thực hiện.

Người thợ đang hoàn thành tác phẩm

Chị Hà, vợ anh Đức cho biết thêm, bản thân chồng chị là Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề của xã, trong thời gian qua cũng năng động tìm lối ra cho mặt hàng gỗ. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để phục hồi sức mua của người tiêu dùng. Tuy lượng khách chưa nhiều nhưng gia đình chị vẫn sản xuất thêm các dòng sản phẩm mới, trưng bày ở cửa hàng. Đó cũng là phương pháp tốt để quảng bá, đồng thời đa dạng các mặt hàng phục vụ khách mua, và cũng là hướng đi cho tương lai của doanh nghiệp đồ gỗ Đức Hà.

Trí Dũng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu