12:27 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Đề xuất tăng thuế VAT: Nguy cơ thị trường lên "cơn sốt"

| 09:51 22/08/2017

(THPL) - Các chuyên gia khuyến cáo cần cân nhắc nhiều phương án và tăng thuế nên là giải pháp cuối cùng, tránh gây tác động đến kinh tế - xã hội.

Bộ Tài chính vừa đề xuất chuyển một loạt hàng hoá từ không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) lên chịu thuế, những nhóm hàng đang áp mức 5% hiện tại lên 10% và tăng mức thuế VAT thông thường từ 10% lên 12%. Đây là loại thuế gián thu và đánh trực tiếp vào người tiêu dùng. Bộ lý giải việc tăng thuế là để bổ sung nguồn thu ngân sách trong bối cảnh bội chi ngân sách ngày càng lớn, nợ công Việt Nam lại đang "phình" to.

Tăng thuế giá trị gia tăng lên 12%: Ai chịu gánh nặng?

Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến (Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính): “Nếu tăng thuế VAT ở mức độ nhất định, trong điều kiện giá cả đang ổn định và dùng tiền chi tiêu cho mục đích về phúc lợi là một cách điều hành ngân sách. Tuy nhiên tăng thuế sẽ dẫn đến tăng giá (mặc dù không nhiều) và những tác động khác nên cần phải tính toán cụ thể. Trong điều kiện Chính phủ đang thiếu nguồn thu, chi tiêu phúc lợi cũng hạn chế, muốn có nguồn thu cần tính đến tăng thuế cũng là hợp lý".

Tuy nhiên, thực tế, thuế giá trị gia tăng đang được áp dụng lên rất nhiều hàng hóa, dịch vụ mà hằng ngày mọi người dân sử dụng, từ ăn uống, học hành, chữa bệnh, du lịch, giải trí, đi lại.... Do đó, tăng thuế sẽ tác động tăng giá hàng hóa, dịch vụ, điều này sẽ tác động tới đời sống của người dân và nền kinh tế.

Tăng thuế GTGT sẽ đẩy giá hàng hóa tăng cao. Ảnh: Internet

Bà Đỗ Thị Thìn (nguyên Phó Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam) cho rằng, thuế giá trị gia tăng là nguồn thuế gián thu nhưng ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Do đó, tăng thuế thì giá cả hàng hóa tăng, sẽ tác động đến đời sống người dân và cả nền kinh tế.

“Nếu tăng thuế trực thu mới đánh vào người giàu, người có thu nhập cao và thuế thu nhập cá nhân theo lũy tiến sẽ bình đẳng hơn. Nếu chỉ tăng thuế giá trị gia tăng sẽ điều tiết dàn đều, người giàu và người nghèo cũng chịu như nhau”, bà Thìn cho biết.

Mặc dù chưa có sự đo lường chính xác về độ tác động đến thị trường của chính sách này, tuy nhiên theo các chuyên gia, khi thuế tăng thì giá cả hàng hóa sẽ tăng. Trước đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần rà soát kỹ, có thể tăng ở một số mặt hàng không thiết yếu, không khuyến khích tiêu dùng như thuốc lá, nước ngọt…Còn những mặt hàng thiết yếu gắn với yếu tố đầu vào của sản xuất mà làm tăng giá thành, thì cần hết sức cân nhắc.

“Không nên tăng đồng loạt cùng một mức cho tất cả các mặt hàng, nên lọc để có mức tăng, lộ trình và thời điểm tăng thích hợp, tránh sốc cho nền kinh tế và không ảnh hưởng tới nhiều mục tiêu khác như ổn định sản xuất, an sinh và quyền lợi của người dân. Bên cạnh tăng thu ngân sách cũng cần cải cách thủ tục hành chính, bộ máy để giảm chi tiêu thường xuyên còn nếu cứ giữ nguyên thế mà tăng thu ngân sách thì không giải quyết được vấn đề”, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.

Thị trường sẽ rơi vào "cơn sốt" tăng giá?

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt hơn 2.000 USD/năm. Trong đó, không ít người thu nhập chỉ đạt vài chục, tới vài trăm USD mỗi năm. Với đối tượng thu nhập thấp, con số tăng 2% thuế GTGT sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ.

Cụ thể, hàng hóa tiêu dùng sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ VAT. Đầu tiên, giá mua của những nguyên liệu đầu vào tạo nên sản phẩm sẽ tăng do chính sách điều chỉnh tăng thuế. Dẫn tới giá sản phẩm bán ra cho các công ty, siêu thị, đại lý phân phối tăng theo. Sau đó, giá sản phẩm, hàng hóa người tiêu dùng mua về sẽ tiếp tục tăng. Như vậy, người tiêu dùng là đối tượng chịu tác động lớn nhất vì thuế cuối cùng vẫn là người tiêu dùng phải trả. Nhìn xa hơn, cả thị trường sẽ rơi vào "cơn sốt" tăng giá, TS. Hiếu phân tích.

Lập luận của Bộ Tài chính là VAT của Việt Nam còn thấp so với nhiều quốc gia khác, hay xu thế tăng thuế suất giá trị gia tăng diễn ra phổ biến trên thế giới trong những những năm qua.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sự so sánh này không đầy đủ. "Thuế giá trị gia tăng ở nhiều quốc gia châu Âu rất cao, lên tới 20%. Nhưng đó đều là những quốc gia phát triển, thu nhập bình quân đầu người và đời sống người dân rất cao. Còn Việt Nam hiện chỉ là một nền kinh tế mới nổi, thu nhập bình quân đầu người thấp", ông Hiếu nêu rõ.

 Minh Anh (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu